Liệu Go-Jek có thắng được Grab tại TP.HCM như ở Indonesia?

Vốn lớn nhất của Go-Viet, cánh tay nối dài của Go-Jek tại Việt Nam, trong cuộc đấu với Grab chính là kinh nghiệm đối đầu tại thị trường Indonesia, sân nhà của Go-Jek.

Grab và Go-Jek hiện vẫn cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Indonesia. Ảnh: Nikkei.

Trong số ít các doanh nghiệp startup giá trị tính bằng tỷ USD tại Đông Nam Á, có tới 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe là Grab và Go-Jek. Con số trên phần nào thể hiện sức hấp dẫn của thị trường gọi xe theo nhu cầu tại khu vực này.

Grab cho thấy mình là đối thủ đáng gờm ra sao khi đánh bại Uber, thâu tóm luôn mảng hoạt động tại Đông Nam Á của ông lớn đến từ Mỹ đi đầu ngành gọi xe.

Tuy nhiên, vẫn có một thị trường tại Đông Nam Á mà Grab chưa thể nắm trong tay, đó là Indonesia.

Go-Jek chiến thắng trên sân nhà

Khác với các thị trường khác tại Đông Nam Á, Grab và Uber gặp khó tại Indonesia. Tại các quốc gia khác, hai ông lớn luôn trong thế đua song mã, giành giật từng thị trường, từng thành phố khi mà các ứng dụng địa phương không có đủ sức cạnh tranh.

Câu chuyện trở nên rất khác tại Indonesia khi tại đây, Go-Jek mới là kẻ đứng đầu thị trường, khiến Grab và Uber phải đuổi theo sau.

Grab và Go-Jek từng nhiều lần tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng mình là người đứng đầu thị trường Indonesia. Hai hãng đều tung ra các số liệu, các thống kê riêng để chứng minh vị thế tại thị trường.

CEO của Go-Jek ông Nadiem Makarim từng chia sẻ trên Wall Street Journals hồi đầu năm 2017 rằng Go-Jek chắc chắn đang đứng đầu thị trường Indonesia với 50% thị phần cuốc xe chở khách và 95% thị phần chuyển phát đồ ăn.

Hai hãng cũng tránh việc tung ra các con số đối đầu trực tiếp, nhưng việc ứng dụng Go-Jek đứng đầu về lượng tải tại Indonesia trong nhiều năm gần đây cho thấy phần nào tầm phủ sóng của ứng dụng này.

Các khảo sát từ nhiều đơn vị bên thứ 3 cũng củng cố cho khẳng định của ông Makarim khi phần lớn người dùng chia sẻ họ đã từng dùng dịch vụ của Go-Jek, áp đảo so với đối thủ Grab.

Là ứng dụng "nội" của Indonesia, cũng là đơn vị đầu tiên tiếp cận thị trường 250 triệu dân này, Go-Jek có những lợi thế nhất định so với Uber và Grab. Khi Uber còn vận hành, ba hãng là đối thủ trực tiếp của nhau khi cùng đưa ra dịch vụ gọi xe theo nhu cầu qua ứng dụng với xe máy, ôtô và taxi cũng như các dịch vụ vận chuyển hàng hóa, đồ ăn.

Tuy nhiên, theo Tech in Asia điểm khác biệt tạo nên lợi thế của Go-Jek lại nằm ở việc Uber hoạt động toàn cầu, Grab hoạt động trong khu vực Đông Nam Á và Go-Jek chỉ hoạt động tại Indonesia.

Go-Jek đặc biệt hiểu tính chất của giao thông Indonesia, nơi hành khách mắc kẹt trong những con phố ken đặc người đôi khi chỉ có một giải pháp duy nhất là các ojek - những tài xế xe ôm truyền thống.

Theo Jakarta Post, nhờ am hiểu thị trường nội, Go-Jek chọn cho mình được chiến thuật phù hợp hơn so với một ông lớn toàn cầu và một ông lớn Đông Nam Á. Go-Jek, như tên gọi, tập trung mạnh vào mạng lưới các ojek và từ đó mở rộng nhanh chóng thay vì sao chép nguyên mô hình chia sẻ xe hơi như Uber và Grab đang làm rất tốt tại các thị trường khác.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2010 dưới dạng một tổng đài phân phối ojek, Go-Jek đã làm thành công điều mà các đơn vị tương tự của Việt Nam không làm được là ứng dụng công nghệ của Uber và chiến thắng chính Uber cùng Grab trên sân nhà.

Liệu có lặp lại tại Việt Nam

Tình thế tại thị trường Việt Nam của Go-Jek lại hoàn toàn khác. Go-Jek giờ là kẻ đến sau, đối đầu với Grab đã có nền tảng vững chắc cả về khách hàng lẫn tài xế đối tác.

Thị trường Việt Nam lúc này cũng không còn Uber khi doanh nghiệp này đã bị Grab nuốt trọn để trở thành liên doanh gần như độc quyền thị phần. Nhiều ứng dụng nội của Việt Nam dù thị phần chưa đáng kể nhưng cũng đang nhận đầu tư lớn để mở rộng hoạt động.

TP.HCM đang là chiến trường mới của Grab và Go-Jek, với cánh tay nối dài Go-Viet. Ảnh: Phúc Minh.

Bên cạnh đó, theo ông Jianggan Li, nhà sáng lập của Momentum Works, việc không còn Uber sẽ giúp Grab tập trung nguồn lực để tạo sức ép lên Go-Jek.

"Ông lớn Softbank đứng sau Grab có thể chờ đợi lâu dài để Grab tiếp tục đốt vốn mở rộng thị phần nhưng không chắc rằng các nhà đầu tư của Go-Jek sẽ vui vẻ với chiến lược này. Sức ép đang dồn trên vai nhóm điều hành Go-jek về việc quyết định liệu nên tiếp tục mở rộng hay chấp nhận bước chậm để sinh lời", ông Li nhận định.

Tuy nhiên cũng theo ông Li, việc Grab đang gần như độc quyền thị trường sẽ mang lại lợi thế cho Go-Jek bởi hãng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các nhà làm luật Việt Nam nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh hơn, mang lại lợi ích cho người dùng và các tài xế đối tác.

Dựa trên những nước cờ đầu của Go-Viet, có thể thấy Go-Jek sẽ không bước vào thị trường Việt Nam trong tâm thế phòng thủ mà sẽ táo bạo chiếm lấy thị phần. Điều này đồng nghĩa Go-Viet sẽ đốt vốn của Go-Jek và để vừa có thể mở rộng tại Việt Nam, vừa làm vui lòng các nhà đầu tư, Go-Jek sẽ phải thực hiện hoàn hảo quá trình trở thành siêu ứng dụng tại Indonesia, sinh lời mạnh từ thị trường nội để có nguồn lực đối đầu với Grab tại Việt Nam mà trước mắt là tại TP.HCM.

Sau những động thái mạnh tay của Go-Viet, Grab cho thấy tiềm lực của kẻ đứng đầu thị trường khi phản ứng rất nhanh và thậm chí còn giảm giá mạnh tay hơn đối thủ nhằm triệt tiêu thị phần nhỏ mà Go-Viet mới giành được.

Trước đó, ông Andre Soelistyo, Chủ tịch Go-Jek chia sẻ trên mạng xã hội rằng Go-Viet đã chiếm được 10% thị phần tại TP.HCM chỉ sau 3 ngày ra mắt. Hãng cũng khẳng định sẽ ra mắt dịch vụ tại Hà Nội vào tháng 9/2018.

Theo Zing News

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/lieu-go-jek-co-thang-duoc-grab-tai-tphcm-nhu-o-indonesia-3467604.html