Liệu người dân có thể an cư tại Khu tái định cư thôn Cha Lỳ ?

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về di dời khẩn cấp tại xã Hướng Việt, Hướng Lập, huyện Hướng Hóa triển khai xây dựng Khu tái định cư thôn Cha Lỳ, xã Hướng Lập để di dời 29 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất ở thôn Cựp đến nơi ở an toàn. Điều đáng nói là vừa qua, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5 gây mưa lớn đã làm xuất hiện hiện tượng sạt lở đất ở khu tái định cư này khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

 Gia đình anh Hồ Văn Hải là hộ duy nhất sống ở Khu tái định cư thôn Cha Lỳ, Hướng Lập - Ảnh: T.T

Gia đình anh Hồ Văn Hải là hộ duy nhất sống ở Khu tái định cư thôn Cha Lỳ, Hướng Lập - Ảnh: T.T

Đầu tháng 9/2022, anh Hồ Văn Hải, ở thôn Cựp, xã Hướng Lập quyết định đưa cả gia đình đến nơi ở mới là Khu tái định cư thôn Cha Lỳ. Để có được ngôi nhà mới chắc chắn che mưa nắng, ngoài số tiền được hỗ trợ là 70 triệu đồng/hộ, anh Hải bỏ thêm 50 triệu đồng để hoàn thiện.

Gia đình anh Hải cũng là hộ dân đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này chuyển ra nơi ở mới. “Tôi đưa vợ con ra nơi ở mới để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ vì ở nơi cũ là địa bàn dễ xảy ra sạt lở đất mùa mưa lũ, người dân rất bất an.

Chỗ ở mới gần trường học, trạm xá, thuận tiện cho các con đi học. Tuy vậy, khó khăn nhất là không có đất sản xuất, mỗi ngày vợ chồng tôi phải đi về gần 10 km để làm rẫy ở chỗ cũ”, anh Hải cho biết. Ngoài ra, khi vợ chồng anh chuyển đến khu tái định cư, vì cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có điện, nước nên phải xin dùng nhờ từ các hộ dân sống cạnh đó, rất bất tiện. Các khoản sinh hoạt phí ở khu vực trung tâm cũng đắt đỏ hơn như tiền mua thức ăn, tiền điện, tiền nước...

Diện tích đất phân bố cho mỗi hộ dân chỉ đủ để làm nhà ở, không có đất sản xuất cũng là một trong những khó khăn khiến người dân chưa muốn chuyển đến nơi ở mới. Để có thêm đất trồng rau màu phục vụ cho nhu cầu của gia đình, anh Hải bỏ thêm một khoản tiền để sang nhượng quyền sử dụng một diện tích nhỏ của hộ dân gần đó. Ra nơi ở mới, mọi thứ bắt đầu lại từ đầu nên anh Hải mong muốn được hỗ trợ phần nào lương thực, thực phẩm cho thời gian ban đầu để phần nào giảm bớt khó khăn.

Với khoản đối ứng 50 triệu đồng để có thể hoàn thiện, ngôi nhà của anh Hải tương đối vững chắc so với nhiều ngôi nhà khác tại khu tái định cư. Toàn bộ 29 hộ dân đã nhận đất theo hình thức bốc thăm và tùy vào nguồn lực bỏ thêm tiền đối ứng để hoàn thiện ngôi nhà. Tuy nhiên, rất nhiều ngôi nhà được dựng rất tạm bợ, không đảm bảo che mưa nắng bình thường, chưa kể đến điều kiện mưa bão.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Văn Sự cho biết, ngoài diện tích đất trống mà xã đã lựa chọn, để có đủ diện tích đất xây dựng 29 ngôi nhà chia thành hai dãy trong khu vực tái định cư này, UBND xã đã tích cực vận động 3 hộ dân là Hồ Văn Doan, Hồ Văn Hinh, Hồ Văn Sự hiến tổng cộng 800 m2 đất. “Vừa qua trước ảnh hưởng của bão số 4, UBND xã đã yêu cầu các hộ dân thuộc diện di dời đến khu tái định cư để tránh trú bão, đảm bảo an toàn. Hiện nay các hộ dân vẫn chưa chuyển đến ở tập trung vì nhiều lý do như xa nơi sản xuất, điều kiện về điện, nước sinh hoạt chưa đảm bảo...”.

Theo quan sát của phóng viên, tại Khu tái định cư thôn Cha Lỳ chia làm hai dãy nhà, hiện tại bờ kè bằng đất ngăn cách hai dãy trên và dưới chưa được xử lý bằng bê tông. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 gây mưa lớn kéo dài vừa qua trên địa bàn xã đã làm taluy dương của dãy nhà 1 có hiện tượng sạt lở đất, taluy dương của dãy nhà 2 có hiện tượng sạt lở, có nguy cơ ảnh hưởng đến 6 nhà dân dãy phía dưới. UBND xã Hướng Lập đã cho tiến hành che bạt ni lông để chống xói lở tạm thời, báo cáo ngành chức năng có phương án xử lý.

Sau sự cố, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND xã Hướng Lập đi kiểm tra thực địa tại khu vực này. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề xuất giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa tổ chức khảo sát thực địa, đề xuất phương án xử lý kịp thời.

Huyện Hướng Hóa có 15 xã nằm trong vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét với 1.034 hộ sinh sống; 14 xã thuộc vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng của sạt lở đất với 746 hộ sinh sống. Đợt mưa lũ tháng 10/2020 trên địa bàn tỉnh đã khiến 56 người chết, trong đó trên 30 người chết do sạt lở đất. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản đối với người dân sống ở vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi, thì việc di dời, tái định cư được cho là giải pháp bền vững, có tác dụng lâu dài.

Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp cần nhiều nguồn lực từ đất đai, tài chính để nơi ở mới đảm bảo các điều kiện như an toàn, cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt và sinh kế cho người dân đáp ứng yêu cầu. Đối với Khu tái định cư thôn Cha Lỳ, đến nay mới chỉ đảm bảo được là nơi tránh trú cho người dân trong điều kiện mưa bão. Các hộ dân trong diện di dời tái định cư vẫn còn nhiều băn khoăn khi chuyển hẳn đến nơi ở mới để “an cư”.

Từ việc xuất hiện hiện tượng sạt lở ở Khu tái định cư thôn Cha Lỳ, xã Hướng Lập do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 gây mưa kéo dài vừa qua cho thấy, ở khu vực này nếu mưa bão kéo dài thì nguy cơ sạt lở rất cao. Ngành chức năng và địa phương cần sớm có giải pháp xử lý để khu tái định cư này được đảm bảo an toàn cho các hộ dân chuyển đến sinh sống lâu dài.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=171721&title=lieu-nguoi-dan-co-the-an-cu-tai-khu-tai-dinh-cu-thon-cha-ly-