Liều thuốc thử

Sáng 17/3, khoảng trên dưới 235 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân góp tại chỗ, sung vào quỹ ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, trong lễ phát động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Thực sự là những nghĩa cử kịp thời. Nhưng đâu đó, người ta thấy nhiều người đáng lên tiếng vẫn chưa lên tiếng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự “Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, điểm lại những hành động đẹp hơn hai tháng qua, từ câu chuyện chiếc khẩu trang và chai nước sát khuẩn được chia sẻ đúng lúc cho đến cuộc giải cứu nông sản, hoặc đóng góp nhân tài vật lực của ngành y tế, và cuối cùng là hảo tâm của nhiều doanh nghiệp và giới nghệ sĩ, người nổi tiếng…

Ông kêu gọi mỗi người dân có gì góp nấy tùy khả năng: “Người có tiền góp tiền, người có vật góp vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”- điều bao đời nay là giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam, đem lại sức mạnh để vượt mọi khó khăn thử thách đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Thời gian qua, cùng với mỗi ca dương tính được cập nhật, nhiều người ngồi lẩn mẩn làm phép tính. Rằng từng ấy người bị cách ly nhân với con số người có chức trách phải vào cuộc thì thành một lực lượng khủng thế nào, rồi nhân với khẩu phần ăn thì thấy độ tốn kém thế nào. Chưa kể bao khoản chi tốn kém khác. Rồi bao ngành nghề đình trệ đồng nghĩa thất thu ngân sách. Riêng số người bị cách ly hiện lên tới vài chục ngàn. Với những ca đi lại như mắc cửi lại còn khai gian báo dối như bệnh nhân số 17 và bệnh nhân 34 thì ngang “thả gà ra đuổi”, gây mệt mỏi cho cả hệ thống và tốn kém thiệt hại vật chất vô kể.

Người ta nói đại dịch Covid-19 này là liều thuốc thử nhiều thứ, kể cả nhân tâm, quả không sai.
Trước hết, nó thử “trình” của bạn đến đâu. Tôi với một cô bạn, ngày thường hòa thuận lắm mà từ hôm có dịch đến giờ cãi nhau ba lần. Ví dụ vụ bệnh nhân thứ 17 làm “toang” cả Hà Nội đêm 6/3 và hệ lụy đến tận giờ. Bạn tôi dường như bùi tai với sự bao biện của một người thân với gia đình cô này, cho rằng cô ta chẳng có lỗi gì mà bị cả nước xúm vào chửi thì thật oan gia, có ý GATO thì phải (GATO với sự giàu có vung vinh của gia đình cô). Tôi thì nói: Làm như khai báo trung thực lắm, và may mà chị của cô này cũng đi vào “lịch sử thời trang thế giới” với tư cách “bệnh nhân số 0”, hai chị em đều dương tính, chứ không thì nhiều người trong đó có bạn, sẽ bảo cô ấy là nạn nhân, bị nhiễm các hành khách cùng chuyến bay VN0054 mất!

Vài hôm trước, nhà báo Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Truyền thông Bộ Y tế, đặt câu hỏi trên trang của anh (mà hai tháng nay chuyên dùng để thông tin về Covid-19): “Các cầu thủ bóng đá đang ở đâu trong cuộc chiến chống Covid?”.

Vũ Mạnh Cường dẫn quan điểm của một nhà báo thể thao cho rằng đến lúc các cầu thủ nổi tiếng xuất hiện “vì mọi người mà cũng là vì chính bản thân các bạn và người thân. Khi các bạn cần, cả nước đã ở bên từ U23 năm 2018, Asian Games, Asian Cup hay AFF Cup, rồi SEA Games. Khi đất nước cần, các bạn nên thể hiện hơn nữa ý thức cộng đồng”.

Không lâu sau đó, Vũ Mạnh Cường hân hoan thông báo đã có cầu thủ hưởng ứng lời kêu gọi của anh. Nhưng theo ghi nhận của tôi thì ca hiếm hoi có động thái là tuyển thủ Nguyễn Văn Toàn mà thôi. Toàn kêu gọi mọi người chung tay, bản thân mình cũng đóng góp vật chất, để anh có thể đích thân chuyển tiền quyên góp đến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Nhớ lại, đầu năm 2018, U23 Việt Nam vinh quang trở về từ Thường Châu, chúng ta đọc nhiều bài báo kể về gia cảnh khó khăn của một số cầu thủ. “Mùa thu nay khác rồi”. Chỉ hai năm, nhiều người lên trang cá nhân bộc lộ cuộc sống sung túc, nào nhà nào xe, xài hàng hiệu, kinh doanh cà phê- nhà hàng… Hẳn sự đổi đời này là vì những khoản thưởng của Nhà nước, của đội bóng và người hâm mộ. Và cả nhờ các show quảng cáo lớn nhỏ, quanh năm suốt tháng, trên Facebook trở đi, quảng cáo từ cơ sở chữa răng và nước cạo râu trở đi.

Những gì họ nhận được là xứng đáng. Nhưng lúc này đây, khi cả nước đang gồng mình chống dịch với bao giải pháp căn cơ, thì việc cần làm phải chăng là tầm soát, rà soát lại cuộc sống của mình, không chừa một ai. “Nên như thế nào, nên làm gì” là câu hỏi cần đặt ra.
Chẳng hạn lúc nhà bao việc thế này, thì cầu thủ có nên tung tăng đi mua xe sang vài tỉ để rồi lên báo chỉ vì thế chứ không vì gì khác?

Có cầu thủ tuổi trẻ tài cao, trên sân cỏ nom rất dễ thương, nhưng vợ trẻ của anh thường lên trang cá nhân kể những việc như: “Làm gì trong ngày Thần Tài?”. Cô đưa ảnh mớ tiền mệnh giá 500.000 xòe ra như quạt. Đi mua vàng chứ còn gì nữa! Ai mừng đám cưới mấy cây mấy chỉ đều “pót” lên, cho thiên hạ lác mắt.

Có lí lẽ rằng: Đó là trang cá nhân (của tuyển thủ và người nhà), ai khiến vào mà phán xét? Nếu riêng tư đến thế, thì bạn có được nhà quảng cáo mời gọi không?

Hoặc: “Không quảng cáo lấy gì sống?” nhất là đời cầu thủ nay thăng mai giáng.
Như người ta hay nói: Vấn đề không phải là làm gì mà là làm thế nào. Xem cái cách mà nhiều cầu thủ nổi tiếng đi làm quảng cáo- thượng vàng hạ cám, với cách thức rất chi là cao đơn hoàn tán, tôi nghĩ họ đang mất nhiều hơn được, mà không biết.

Mỗi ngày bây giờ, chúng ta hồi hộp với những thông tin mới, lành ít dữ nhiều. Và không cần chờ Thủ tướng kêu gọi thì ai chả biết chúng ta vốn cảnh nhà khó, không có dịch đã khó, huống hồ bây giờ.

Chung tay, nghĩ đến đại cục thì bản thân mình cũng được an hưởng. “Đứng yên khi Tổ quốc cần” và hành động khi Tổ quốc cần.

Với bóng đá Việt Nam. Giấc mộng Olympic Tokyo 2020 đã tan. Năm nay không khí bóng đá cả thế giới đều ảm đạm, đến EURO 2020 còn hoãn lên hoãn xuống nữa là. Nếu vẫn chưa hiểu Covid-19 chính là liều thuốc thử mọi phương diện trong đó có thử nhân tâm, thì nói dại, bóng đá của chúng ta sau đây lại trở lại thời đìu hiu tẻ lạnh thì sao? Không có gì mãi mãi.

“Cả nước đang chung tay chống dịch, một số nghệ sỹ cũng đóng góp rồi, còn các cầu thủ thân yêu của chúng ta nghĩ sao? Bao lâu nay các bạn đã được nhân dân và người hâm mộ yêu mến, nhiều bạn đã trở nên những tỷ phú, bây giờ là lúc các bạn xắn tay áo lên đi chứ, nào đâu những người hùng sân cỏ?”

Nhà báo thể thao NGUYỄN LƯU

Vi Khanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/lieu-thuoc-thu-1622474.tpo