'Lính bay' - Chân thật & bi tráng

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Phú Thái - nguyên Phó tư lệnh thứ nhất, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), vừa ra mắt bạn đọc cuốn hồi ký 'Lính Bay 2'. Trước đó, năm 2016 'Lính Bay 1' được độc giả trong và ngoài nước rất quan tâm.

Những trang viết chân thật

Cả hai tập hồi ký “Lính Bay”, tác giả đã tái hiện lại những trận đánh của Không quân Việt Nam, trung thực, hoàn toàn không tô hồng, không “lên gân”. Trong các trang viết là ngồn ngộn những sự kiện chân thật mà bi tráng của lực lượng không quân Việt Nam non trẻ. Trong những chiến công ấy, hoàn toàn không có cảnh “đã xuất kích là chiến thắng”; đã đánh nhau là “ta thắng, địch thua”... Những trang bi tráng rất chân thật ấy khiến bạn đọc càng tin yêu hơn những người lính không quân.

Phạm Phú Thái cùng các phi công Hồ Văn Quỳ; Lê Thanh Đạo tại buổi giao lưu ở Đà Nẵng

Phạm Phú Thái cùng các phi công Hồ Văn Quỳ; Lê Thanh Đạo tại buổi giao lưu ở Đà Nẵng

Người đọc cảm nhận và quý trọng những chi tiết được coi như “góc khuất” ít được đề cập đến. Lính bay, trong mắt bao người là những “người hùng”, có những “đặc quyền” riêng. Song, trong hồi ký của của Tướng Thái, phi công lái Mic cũng là những người lính như bao người lính trong các quân, binh chủng khác. Họ không phải là “lính cậu” được cưng chiều, vi phạm khuyết điểm là bị “cắt bay”. Trong thời gian bị “cắt bay”, ngoài việc phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, họ vẫn phải lao động, với những công việc nói chẳng ai tin như: đi hốt phân bò, lấy phân bắc để tăng gia sản xuất… Bản thân ông cũng đã từng trải qua những công việc như thế.

Tướng Thái đã khắc họa chân thật điều kiện sống, chiến đấu của những người lính không quân nói riêng, của quân đội Việt Nam nói chung, trong những giai đoạn khó khăn của đất nước.

Huyền thoại trong đời thực

Tại buổi giao lưu giữa tác giả “Lính Bay” với độc giả ở Đà Nẵng vào ngày 28/7/2018, chúng tôi đã được gặp những huyền thoại của Không quân Việt Nam, những nhân vật chính của hồi ký “Lính Bay”: Các anh hùng Lê Thanh Đạo, Hồ Văn Quỳ.

Phi công Lê Thanh Đạo sinh ngày 20/9/1944 tại Hà Nội. Ông đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Lê Thanh Đạo nhập ngũ tháng 7/1963. Trước khi trúng tuyển trở thành học viên Trường Không quân Liên Xô (cũ), ông là pháo thủ chống tăng. Năm 1965, ông là một trong số những chiến sĩ được cử đi học lái máy (lớp phi công thứ 3 của Không quân Việt Nam, cùng lớp với Tướng Thái). Tháng 4-1968, ông trở về nước, tham gia chiến đấu tại Trung đoàn Không quân tiêm kích Sao Đỏ.

Bìa sách cuốn hồi ký “Lính Bay 2”

Chiếc máy bay ông bắn rơi đầu tiên vào ngày 18/12/1971 là F-4D do phi công Johnson điều khiển. Ngày 10/5/1972, ông bắn rơi chiếc thứ 2, đó là máy bay USN F-4J. Sau đó 2 tháng, ngày 24/7/1972, ông bắn hạ chiếc thứ 3 F-4. Ngày 11/9/1972, chiếc F-4E là máy bay thứ 4 tiếp tục bị Lê Thanh Đạo bắn hạ… Ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1973. Tháng 4/1974, sau lần nhảy dù bị gẫy cả hai chân, ông được cử sang biệt phái làm Bí thư Trung ương đoàn. Sau đó lần lượt kinh qua các chức vụ quan trọng của Đảng và Chính phủ cho đến khi nghỉ hưu.

Tại buổi giao lưu, ông Đạo ít nói về mình, mà dành nhiều thời gian nói đến người đồng đội học bay cùng khóa, tác giả “Lính Bay”. Theo ông, cuốn hồi ký này là kho tư liệu trung thực, lột tả một cách đầy đủ, chân thực nhất những giai đoạn ác liệt nhất mà Không quân Việt Nam đã trải qua.

Hồ Văn Quỳ là phi công tham gia đánh thắng trận đầu trong trận không chiến với không quân Mỹ vào hai ngày 3 và 4/4/1965, năm nay ông đã 80 tuổi. Ông là một trong những phi công được đào tạo tại Trường Không quân số 3 (Liêu Ninh, Trung Quốc).

Một trong những kỷ niệm theo ông suốt cuộc đời, đó là trận không chiến do ông chỉ huy. Ông và đồng đội đã bắn cháy 2 máy bay F-4. Gần 1 giờ quần thảo với máy bay địch, khi hạ độ cao về sân bay thì rơi vào trận địa pháo phòng không của ta ở mặt đất, máy bay của ông bị trúng… tên lửa phòng không của quân ta, ông bị thương nặng ở đầu, máu chảy ướt hết vai áo. Trung tâm chỉ huy lệnh cho ông nhảy dù, trong lúc sinh tử cận kề, dù đang bị thương rất nặng nhưng ông vẫn kiên quyết không bỏ máy bay, nghiến răng điều khiển máy bay tiếp đất.

Trong buổi giao lưu, khi kể lại câu chuyện này, ông như lặng đi. Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ, ông nói ngắn gọn: “Nước mình còn nghèo, máy bay cũng quý như sinh mạng người lính, tôi không thể bỏ rơi”. Ông bảo: “Chẳng biết mình tiếp đất thế nào, khi tỉnh lại, tôi đang nằm trong bệnh viện. Chỉ thấy đồng đội reo nhỏ bên tai, máy bay được bảo toàn”. Sau trận chiến ấy, ông vẫn tiếp tục những ngày dài bên cánh én bạc bảo vệ bầu trời và góp công sức đào tạo nhiều thế hệ phi công trẻ.

Vài nét về tác giả

Trung tướng Phạm Phú Thái sinh ngày 30/12/1949, tại xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ ngày 5/7/1965. Tháng 8/1965 ông trúng tuyển vào lớp học viên lái máy bay tại Trường Không quân Liên Xô. Chưa đầy 16 tuổi, Phạm Phú Thái đã trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau hai năm rưỡi đào tạo, về nước, ông trở thành phi công trẻ nhất lực lượng không quân lúc bấy giờ. Năm 1968, ông tham gia chiến đấu trận đầu tiên bảo vệ đường Hồ Chí Minh trên chiếc Mic 21 khi mới 19 tuổi. Máy bay bị trúng tên lửa, buộc ông phải nhảy dù. Khi một cán bộ địa phương “thẩm vấn” ông, nghe ông khai cấp bậc binh nhất, vị cán bộ nọ mắt tròn xoe “vặn” ông: “Sao phi công lại là binh nhất?”. Ông giải thích nhưng họ vẫn cứ bán tín, bán nghi.

“Bay như Thái…”. Chẳng biết câu nói này xuất phát từ đâu, song sự “truyền miệng” này phần nào nói lên tính cách của Tướng Thái trong suốt quá trình công tác. Hồi ký của ông có vài chuyện mà có lẽ chỉ có phi công Phạm Phú Thái mới “liều” như vậy.

Đấy là chuyến hạ cánh thử nghiệm ở Sân bay Miếu Môn vào tháng 11/1970. Chuyến ấy có cả Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp thị sát tại sân bay. Phi công Phạm Phú Thái và phi công Nguyễn Văn Cốc được giao nhiệm vụ hạ cánh thử nghiệm.

Khi vừa rời sân bay Nội Bài, máy bay của Nguyễn Văn Cốc có sự cố, trung tâm điều khiển yêu cầu đình chỉ nhiệm vụ. Khi ấy Phạm Phú Thái bay số 2, được yêu cầu tách đội để thực hiện nhiệm vụ độc lập. Chuyến hạ cánh ấy được Phạm Phú Thái “chống lệnh”, khi máy bay của ông chuẩn bị tiếp đất, trung tâm gay gắt yêu cầu ông bay lại (tức là vòng lên cao rồi tiếp đất lại), song ông vẫn tiếp tục giảm độ cao và hạ cánh an toàn.

Mùa lũ lịch sử ở miền Bắc năm 1971, Trung đoàn 919 phải bay tới 570 chuyến để vận chuyển hơn 500 tấn hàng cứu trợ đồng bào vùng lũ. Phi công máy bay chiến đấu vẫn phải xuất phát ngăn chặn máy bay Mỹ phá đê. Trong một chuyến bay cùng phi công Võ Sĩ Giáp, Phạm Phú Thái đã khoan mây “sà” xuống cách mặt nước chỉ… 5 mét.

Những chuyện đại loại kể trên đã làm lên “thương hiệu…bay” Phạm Phú Thái.

Để kết thúc bài viết này xin được trích một đoạn trong lời nói đầu của cuốn hồi ký “Lính Bay 2”: “Lính bay chúng tôi tự hào đã góp sức cùng quân dân miền Bắc, đặc biệt là các lực lượng phòng không mặt đất, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai bằng không quân của Mỹ”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Phú Thái được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 2 Huân chương Quân công hạng Ba; 6 Huân chương Chiến công (2 hạng Nhì, 4 hạng Ba); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huy chương Quân kỳ Quyết thắng. Là phi công bắn rơi 4 máy bay Mỹ, được tặng thưởng 4 Huy hiệu Bác Hồ.

Đặng Trung Hội

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/linh-bay-chan-that-bi-trang-511395.html