Linh Điểu - nỗi lòng đau đáu với thiên nhiên

Nhà văn Nguyễn Văn Học đã có nhiều tác phẩm viết về những vấn đề của xã hội, đất nước, 'Những cô gái bất hạnh' (NXB Lao động, 2007), 'Hỗn danh' (NXB Hội nhà văn, 2011)... có những tác phẩm đã được tái bản, nhưng đặc biệt hơn cả, ấn tượng với bạn đọc hơn cả, theo tôi, đó là về một Nguyễn Văn Học khi dấn thân khai thác những vấn đề thiên nhiên, sinh thái, môi trường.

NDĐT - Nhà văn Nguyễn Văn Học đã có nhiều tác phẩm viết về những vấn đề của xã hội, đất nước, “Những cô gái bất hạnh” (NXB Lao động, 2007), “Hỗn danh” (NXB Hội nhà văn, 2011)... có những tác phẩm đã được tái bản, nhưng đặc biệt hơn cả, ấn tượng với bạn đọc hơn cả, theo tôi, đó là về một Nguyễn Văn Học khi dấn thân khai thác những vấn đề thiên nhiên, sinh thái, môi trường.

Những tác phẩm viết về vấn đề đó mấy năm nay đã liên tục ra đời như “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2018), “Nhạc cây” (NXB Hà Nội, 2019).... Và ngay đầu quý I năm 2020, tiểu thuyết “Linh điểu” vừa được Nhà xuất bản Dân trí và Công ty sách Trí thức Việt phát hành đã một lần nữa minh chứng cho một lối đi mới, riêng biệt khi nhà văn viết về vấn đề môi sinh.

Nhân vật chính trong “Linh điểu” là cô gái Diệp Vân, là một cô gái trong sáng, xinh đẹp, có tấm lòng cao cả đặc biệt cô có một tâm hồn đa cảm, nhân ái, có tình yêu thương loài vật, nhất là chim muông. Từ nhỏ, Diệp Vân đã bộc lộ là người rất nhạy cảm với chim muông, hiểu được và chơi với chim muông, vì thế chim chóc đến nhà cô ngày một đông. Cô sẵn sàng cứu bất cứ chú chim nào bị thương, bị bắt, không hề quản ngại khó khăn, bỏ rất nhiều tiền bạc, thậm chí bất chấp sự nguy hiểm tính mạng để cứu đàn chim. Cô đã thổn thức, quằn quại khi đàn chim trong vườn bà ngoại bị sát hại, để bảo vệ vườn chim chính bà ngoại, người mẹ đàn chim cũng bị “cò tặc” sát hại. Diệp Vân luôn tự vấn, đau khổ tìm nguyên nhân. Chính cái đói, nghèo cũng như sự độc ác của con người đã làm hại những người bạn của bầu trời: “Cái đói xui đôi bàn tay làm điều của quỷ dữ, nó đẩy người nghèo vào bi kịch và ép họ dồn lực lên thiên nhiên. Cái đói là kẻ dã tâm, trút khổ hạnh và chết chóc vào thiên nhiên. Cái đói cũng tạo ra cái dốt và cái dại. Càng dại càng tàn phá thiên nhiên. Càng tàn phá thiên nhiên con người càng ích kỷ, tham lam, vô cảm”. (Linh điểu, tr.37,38).

Yêu chim muông như vậy mà hằng ngày cô gái Diệp Vân phải chứng kiến cảnh con người bắn, bẫy chim giết cả bao chim, vặt trụi lông chim đem ra chợ bán hay nướng sống trên than hồng, càng khiến cô đau đớn quặn thắt. Hình ảnh bầy chim bị vặt trụi lông cứ trở qua trở lại ám ảnh người đọc.

Diệp Vân còn là một cô gái có số phận bất hạnh đáng thương. Cô bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, được bà giáo Diệp Chi nuôi dạy và yêu thương như con gái. Khi mẹ đẻ tìm nhận lại Diệp Vân vốn sẵn sự nhân ái đã nhận mẹ. Ngay từ nhỏ trên hai bả vai cô đã có hai vết sẹo gây cho cô khó chịu, ngứa ngáy, đau đớn khi lớn lên từ hai vết sẹo đó mọc hai cái cánh trắng muốt. Trạng thái cảm xúc của cô thay đổi liên tục: “Bây giờ cô ngồi đây với bầy chim với một đôi cánh gắn kết cùng cơ thể, hợp tác cùng các bộ phận khác nhuần nhuyễn. Đôi cánh như nhành cây mọc ra từ thân cây đầy sức sống”, (tr.95).

Cô rùng mình, rồi vì nó mà cô cũng gặp nguy hiểm tới tính mạng, người ta coi cô là kẻ dị dạng, người săn đuổi để bắn cô như một con chim, cô phải chạy trốn nhiều lần. Dù cô là một cô gái nhỏ bé, luôn chăm sóc, bảo vệ đàn chim trời, cố giữ vườn chim, rồi vườn chim bị mất do những thay đổi thời kinh tế thị trường, chính quyền bán đất, làm đường... cô lại cùng người thân trồng cây xanh để gọi đàn chim về, để cho đẹp làng quê mà vẫn luôn bị kỳ thị, rình rập. Để rồi cuối cùng chính người yêu cô, người vốn là kẻ độc ác chuyên đi bắn chim đã được cô cảm hóa song vì gia đình cấm không cho lấy con bé nửa người nửa chim mà chán đời quay vào đồi tìm bắn chim và làm cháy đồi, trong khi Diệp Vân đang bị một đội săn chim khác săn đuổi, cô đã chạy lên đồi Cò thúc giục đàn chim bay đi tránh lửa, cô lao vào lửa, cô giẫy giụa, đôi cánh bật tung. “Cô đi cùng các thiên sứ, mỗi người đều có cặp cánh trắng muốt, tinh tuyền. Cô có đôi cánh tinh tuyền như một hồng ân. Đôi cánh của loài chim lạ yêu đời và yêu người”. (tr.296).

Các nhân vật phụ khác là những người thân trong gia đình Diệp Vân cũng yêu thương chăm sóc bầy chim muông như chăm sóc người thân, yêu chim như yêu bầu trời. Người bà ngoại cả đời trông coi vườn chim rồi cũng bị chính những kẻ tàn ác hãm hại. Người mẹ nuôi, bà giáo Diệp Chi rất thương con, yêu thương bầy chim, sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu ra giúp con gái mua chim để thả đi nhưng cũng không lại được với những kẻ săn bắn chim. Mẹ Ngải cũng bị đuổi đánh. Cô bạn Ngờ cũng đã mọc cánh và đang sống ở làng đó và vẫn hằng ngày bị truy đuổi. Chị gái Diệp Sương, hay cậu An, chú Quý công an xã, những người bạn trong Câu lạc bộ Bảo vệ động vật hoang dã cố gắng chung tay nhưng cũng không thực hiện được những điều cao cả khi lòng người còn vô cảm, coi chim muông, thiên nhiên là trời đất ban tặng thỏa sức khai thác, vì đầu óc còn u mê. Mỗi nhân vật một tính cách, một số phận nhưng đều trăn trở, đau đớn khi thiên nhiên bị ô nhiễm, chim chóc bị bắn giết. Khi con người ta đã khai thác tận diệt thiên nhiên thì đến một lúc nào đó thiên nhiên cũng sẽ biến mất khỏi cuộc sống này, như linh điểu đã bay đi mất.

Với 300 trang tiểu thuyết, giọng văn lúc mềm mại, nhẹ nhàng, lúc hối hả, gấp gấp, lúc khắc khoải, lúc tuôn trào, lúc hiện thực chao chát, lúc hoang hoải, huyền ảo nhiệm màu, Nguyễn Văn Học đã găm vào lòng người đọc một nỗi đau đời, nỗi đau lòng khi thiên nhiên đang bị khai thác tận diệt.

NGUYỄN THU HẰNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/43446102-linh-dieu-noi-long-dau-dau-voi-thien-nhien.html