Linh hoạt VNĐ-NDT-USD

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất USD lần thứ ba trong quý III-2018, cùng với những diễn biến căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đã đẩy giá trị USD tăng mạnh, làm cho các đồng tiền khác trong đó có VNĐ mất giá so với USD.

Tuy nhiên, mức độ mất giá của VNĐ so với USD khá thấp, trong khi nhân dân tệ (NDT) mất giá khá sâu. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh những diễn biến này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định như thế nào về diễn biến USD tăng giá nhưng mức độ mất giá của VNĐ tương đối thấp?

Nếu duy trì sự ổn định không hợp lý sẽ tạo ra chi phí quốc gia và gâp áp lực lên vấn đề phá giá mạnh hơn. Càng về cuối năm, áp lực lên tỷ giá sẽ càng lớn. Nếu đồng NDT tiếp tục phá giá mà VNĐ duy trì sự ổn định so với USD trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đang leo thang, sẽ bất lợi nhiều cho Việt Nam.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU:

- Hiện nay giá trị USD tăng lên so với hầu hết các đồng tiền khác trong bối cảnh chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang, và sự kiện FED tăng lãi suất trong tháng 9 vừa rồi. Dự kiến tiếp tục tăng lãi suất của FED trong thời gian sắp tới cũng đang tác động đến giá trị USD.

Trong bối cảnh đó, NDT đã mất giá khá sâu so với USD. Tính từ đầu năm cho đến ngày 9-10, NDT đã mất giá 6,39% so với USD. Tuy nhiên VNĐ chỉ mất giá khoảng 2,59% so với USD theo tính toán của Tổng cục Thống kê. Còn theo tính toán của tôi, mức độ mất giá của VNĐ là 2,8%. Như vậy, VNĐ giữ giá trị tương đối vững vàng hơn NDT.

Nguyên nhân VNĐ không mất giá nhiều so với USD như NDT do những chỉ số cơ bản của nền kinh tế Việt Nam đều tỏ ra khả quan. 9 tháng năm 2018, GDP tăng trưởng 6,88%, lạm phát giữ ở mức 3,2% so với cuối năm ngoái. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, NHNN cũng bán ra một lượng ngoại tệ rất lớn để điều hòa thị trường, giữ cho VNĐ không mất giá nhiều so với USD.

Ngược lại, mức độ mất giá thấp của VNĐ so với USD, một mặt cũng hỗ trợ cho các chỉ tiêu kinh tế, mặt khác hỗ trợ một phần cho các nhà xuất nhập khẩu và kiềm chế được lạm phát. Vì nếu mất giá sâu, hàng hóa nhập khẩu quy ra VNĐ tăng lên, và tính mức giá đó vào rổ hàng hóa sẽ làm lạm phát tăng lên. Tất cả những lý do đó giữ cho VNĐ mất giá chỉ ở mức khoảng 2,6% trong 9 tháng năm 2018.

- Nhưng hiện nay NDT đang giảm giá rất sâu so với USD, sẽ ảnh hưởng đến nhập siêu?

- Đúng vậy, việc giữ ổn định giá trị VNĐ cũng đối mặt với điểm bất lợi khi NDT giảm giá mạnh. Hiện VNĐ tăng giá so với NDT vì NDT mất giá rất sâu so với USD, mức tăng này vào khoảng 3,3%. Việt Nam vốn đã nhập siêu hàng hóa của Trung Quốc, bây giờ giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc lại giảm đi do tác động của tỷ giá, sẽ càng làm tăng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc.

Tăng nhập siêu không chỉ tác động đến quan hệ mậu dịch Việt Nam-Trung Quốc, mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, vì khi hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam với giá ngày càng rẻ sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa nội địa.

Do đó, về mặt ổn định kinh tế, chống lạm phát, việc không mất giá quá sâu so với USD cũng đóng góp cho vấn đề kiểm soát lạm phát, đồng thời cả vấn đề nợ công cũng có tác động tích cực, vì nợ công đã tiệm cận mức 65% như Quốc hội đã đề ra. Nhưng việc VNĐ không mất giá nhiều so với USD trong bối cảnh NDT mất giá sâu với USD, cũng tạo ra một số tác động mang tính tiêu cực đối với nền kinh tế.

- Liên quan đến điều hành tỷ giá, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây cho biết, NHNN đã phải bán ra hơn 3,7 tỷ USD từ tháng 7 để ổn định tỷ giá. Nếu USD tiếp tục tăng giá, việc NHNN phải tiếp tục bán ra ngoại tệ hoặc nâng lãi suất để giữ giá VNĐ có thể sẽ xảy ra, dẫn tới nhiều rủi ro. VEPR cho rằng việc chủ động giảm giá VNĐ một cách khéo léo giữa mức mất giá của NDT so với USD là cần thiết. Ông có đồng tình với điều này?

- Tôi đồng ý với quan điểm đó. Nếu bây giờ can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán ra ngoại tệ sẽ làm giảm dự trữ ngoại hối. Mức dự trữ ngoại hối của một quốc gia tối thiểu phải đạt khoảng 3 tháng nhập khẩu.

Đó là mức mà các NH Trung ương trên thế giới xem là mức an toàn, để phòng trường hợp có lý do nào đó không thu được ngoại tệ thì dự trữ ngoại hối vẫn đủ trả cho nhập khẩu trong 3 tháng. Vì vậy, bán ngoại tệ ra nhiều quá sẽ hụt mức an toàn dự trữ ngoại hối. Đó là một rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam khi phải sử dụng nhiều ngoại hối để can thiệp thị trường.

Chính vì vậy, tôi cũng đồng ý với đề xuất VEPR là Việt Nam nên phá giá VNĐ, nhưng ở một mức độ hợp lý giữa mức mất giá của NDT so với USD để thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại. Khi đó, NHNN cũng không cần phải can thiệp thị trường quá mạnh mẽ, và cũng phù hợp với tình hình tài chính của thế giới.

Hơn nữa, nếu USD trên thế giới tăng giá mạnh, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do mất giá trong thị trường chính thức VNĐ vẫn giữ giá, sẽ tạo điều kiện cho các thành phần đầu cơ mua ngoại tệ giá rẻ của NHNN và đem ra thị trường tự do bán giá cao hưởng chênh lệch.

- Gần đây, một số NHTM vay hàng trăm triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Với cả nền kinh tế, khi vay nước ngoài càng nhiều, nợ công sẽ càng lớn. Quốc hội cũng đã đề ra yêu cầu nợ công không được tăng vượt ngưỡng 65% GDP trong nhiều năm liền, vì vượt ngưỡng đó là rủi ro. Do đó, vấn đề vay nợ nước ngoài phải được kiềm chế nghiêm túc.

Còn với NHTM, nếu họ đi vay nước ngoài với lãi suất thấp để dùng vốn đó cho vay lại trong nước, điều đó có lợi cho NH về phương diện vốn hoạt động. Nhưng trên phương diện vĩ mô, vay mượn càng nhiều sẽ càng tạo rủi ro cho hệ thống tài chính Việt Nam và cho NH.

- Xin cảm ơn ông.

ĐỖ LINH (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/linh-hoat-vndndtusd-62246.html