Linh mục Phạm Bá Trực: Bậc nhân sĩ 'tận tụy ái quốc'

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt NamLinh mục Phạm Bá Trực là một trí thức Công giáo nổi tiếng, một trong những vị lãnh đạo Quốc hội có uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, một cộng tác viên thường xuyên đồng thời là cố vấn của Báo Cứu quốc về Công giáo.

Phạm Bá Trực sinh ngày 21.11.1898 tại làng Bạch Liên (tên cũ là làng Bồ Bát) xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Đây là một trong những xứ đạo được hình thành sớm nhất trên đất nước ta. Phạm Bá Trực sinh trưởng trong một gia đình công giáo. Lớn lên, ông được gửi vào chủng viện của giáo phận Tây Đàng Ngoài. Tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, lại đúng vào dịp Tòa Thánh ban cho các giáo phận ở Việt Nam một đặc ân là được cử một số chúng sinh học giỏi sang du học ở Roma. Phạm Bá Trực được chọn đi cùng với Phạm Quý Huấn (địa phận Hà Nội), Ngô Đình Thục (địa phận Huế) và Ngô Đình Lan (địa phận Phát Diệm)…

Sau 9 năm miệt mài học tập, Phạm Bá Trực nhận liên tiếp ba bằng tiến sĩ về các lĩnh vực Giáo luật, Thần học và Văn chương. Do đạt thành tích xuất sắc trong học tập nên vua Khải Định có ý định ban tặng ông Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, song ông khước từ.

Về nước năm 1926, ông được thụ phong linh mục và được cử về chăm sóc con chiên xứ Kẻ Sét ở làng Tám, Hà Nội. Tại đây, ông đã mở trường dạy văn hóa cho thanh thiếu niên. Và cũng tại xứ Đạo này, ông may mắn được làm quen với một con chiên ngoan đạo, một người đồng hương, một người đàn anh và sau này là nhà đại tư sản Thiên chúa giáo Ngô Tử Hạ, người đã dẫn dắt ông đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra.

Năm 1927, linh mục Trực đem người cháu ở Phát Diệm lên Hà Nội học và nhận đỡ đầu. Người cháu đó là Phạm Đình Tụng, sau này là Hồng y Tổng giám mục giáo phận Hà Nội (1919 - 2002).

Năm 1928, linh mục Phạm Bá Trực được bổ nhiệm làm giáo sư Đại chủng viện Kẻ Sở. Thời gian này, linh mục dịch nhiều sách giáo lý để phổ biến tặng cho cộng đoàn. Năm 1929, ông được giao quản thêm xứ Khoan Vi ở Lý Nhân, Hà Nam. Ông ở và cai quản xứ này cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

Phạm Bá Trực là một tu sĩ Công giáo người Việt và là đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là linh mục đầu tiên tham gia cách mạng và giữ chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (29.5.1946), Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (7.3.1951).

Ông là đại biểu Quốc hội có nhiều văn bằng tiến sĩ nhất từ trước tới nay. Ông cũng là một trong số rất ít linh mục tham gia hoạt động Quốc hội.

Giải thích về trường hợp đặc biệt này, qua những lần gặp gỡ hàn huyên giữa đồng chí Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy và nhà đại tư sản Thiên chúa giáo Ngô Tử Hạ, chúng tôi được biết mối quan hệ thân thiết, gắn bó giữa cụ Ngô Tử Hạ với linh mục Phạm Bá Trực.

Cụ Hạ và cụ Trực đều quê Ninh Bình, cùng xuất thân trong những gia đình Công giáo, cũng chịu khó học, chăm học và học giỏi. Cụ Hạ sinh năm 1882, cụ Trực sinh năm 1898, hơn kém nhau 16 tuổi. Năm 1926, cụ Trực được thụ phong linh mục và được cử về cai quản xứ Kẻ Sét, Hà Nội, nơi con chiên ngoan đạo Ngô Tử Hạ thường xuyên lui tới. Và các nhà in của nhà tư sản Ngô Tử Hạ chính là nơi đầu tiên in các sách dịch về đạo đức của cụ Trực để phổ biến cho cộng đoàn. Trong phần in ấn đó có sự đóng góp tài chính của chủ nhà in. Theo cụ Hạ, hai người đã “kết nghĩa anh em”.

Chính qua cụ Ngô Tử Hạ, Phạm Bá Trực đã có được mối quan hệ với các chí sĩ yêu nước nổi tiếng thời đó như: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn… Những cuộc tiếp xúc thường xuyên đó đã truyền nhiệt huyết yêu nước cho Phạm Bá Trực.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia ứng cử Quốc hội khóa I và trúng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nam. Tại Kỳ họp thứ Nhất ngày 4.3.1946, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 5.1947 ông được bầu làm Phó ban Thường trực Quốc hội (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội).

Năm 1948, Đảng Cộng sản Đông Dương có chủ trương thống nhất hai tổ chức Việt Minh và Liên Việt. Đến tháng 8.1950, các tỉnh và khu đã hoàn thành việc hợp nhất Việt Minh với Liên Việt. Ngày 3.3.1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt được tiến hành tại xã Vinh Quang, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã quyết định lấy tên mới là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt.

Đại hội đã nhất trí suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự, cử Chủ tịch Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch. Linh mục Phạm Bá Trực được cử làm Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và được Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Liên Việt phân công đặc trách công tác tôn giáo vận.

Năm 1951, Mặt trận Liên Việt cử đoàn đại biểu cấp cao, thay mặt cho các tầng lớp nhân dân ta sang thăm Triều Tiên do đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam làm Trưởng đoàn, linh mục Phạm Bá Trực - Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt làm Phó đoàn. Thăm Triều Tiên xong, Đoàn trở lại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt kể lại trong Hồi ký “Con đường theo Bác”: về đến Bắc Kinh, tôi nhận được quyết định làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thay đồng chí Hoàng Văn Hoan nghỉ ốm và một đề nghị của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mời Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Phạm Bá Trực thăm Trung Quốc.

Hơn một tháng lưu tại Trung Quốc, cụ Phạm Bá Trực đã đi nhiều nơi, có nhiều cuộc trao đổi và nhiều giờ thuyết giảng. Bạn ca ngợi sự hiểu biết uyên thâm của cụ cũng như đánh giá cao những kinh nghiệm của Việt Nam về công tác vận động các chức sắc tôn giáo và giáo dân.

Với trọng trách được giao, linh mục Phạm Bá Trực đã giúp Ban Thường trực Quốc hội soạn thảo nhiều tài liệu, công văn, Lời kêu gọi, trong đó nổi bật là những văn kiện sau được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đánh giá cao:

- Ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt, đăng ngày 25.12.1948 trên báo Sự Thật và báo Cứu Quốc. Đây là bài phát biểu đầu tiên của linh mục trên công luận, nói lên tâm huyết của cụ - một linh mục Công giáo đối với cách mạng và kháng chiến.

- Lời kêu gọi ngụy binh Công giáo đăng trên báo Cứu Quốc ngày 1.6.1951.

- Thư kêu gọi đồng bào Công giáo tích cực tham gia kháng chiến với niềm tin quyết thắng đăng trên báo Cứu quốc ngày 15.1.1952.

Sau Hiệp định Geneve, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Linh mục đã có bài viết trên báo Cứu Quốc kêu gọi giáo dân: “Tôi nhân danh một người đại biểu Công giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố rằng: chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ, chính sách khoan hồng của Chính phủ trước sau như một. Chính phủ ta là chính phủ nhân dân, làm việc gì cũng phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân chứ không bao giờ làm điều gì trái với quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân”.

Linh mục Phạm Bá Trực - Phó trưởng ban Thường vụ Quốc hội bị bệnh tim nặng. Suốt hai năm liền, không mấy chủ nhật Hồ Chủ tịch không đến thăm. Người chỉ thị cho các bác sĩ, y sĩ điều trị bệnh cho cha Trực phải đến báo cáo thường xuyên với Người về diễn biến tình hình bệnh tật.

Do bệnh quá trầm trọng, linh mục đã qua đời ngày 5.10.1954 tại Đại Từ - Thái Nguyên, chỉ 5 ngày trước khi quân ta trở về tiếp quản thủ đô.

Trong Lễ truy điệu được tổ chức vào ngày 7.5.1954, Bộ trưởng Phan Anh đọc Điếu văn do đích thân Bác Hồ thức cả đêm để viết, có đoạn: “từ ngày nhân dân tin cậy cử cụ làm đại biểu Quốc hội và Quốc hội cử cụ vào Ban Thường trực, cụ đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng. Trong mọi việc, cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam.

Nay cụ mất đi, Chính phủ và nhân dân vô cùng thương xót.

Trong lúc ốm nặng, cụ thường nói với tôi: mong trông thấy kháng chiến thắng lợi thì dù chết cụ cũng thỏa lòng.

Nay hòa bình đã trở lại, cụ đã thỏa lòng; nhưng tiếc rằng, cụ không còn để giúp nước, giúp dân. Với lòng vô cùng thương tiếc một nhà tận tụy ái quốc và một người bạn thân mến, trước linh hồn cụ, chúng tôi nguyện kiên quyết một lòng, đoàn kết toàn dân để làm tròn sự nghiệp mà suốt đời cụ mong muốn là: củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.

Ngày 20.11.1954, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Liên Việt và Ủy ban Liên lạc, những người Công giáo yêu Tổ quốc đã tổ chức trọng thể lễ cầu hồn cho linh mục Phạm Bá Trực tại Nhà thờ lớn Hà Nội với hơn 4.000 giáo dân tham dự.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/linh-muc-pham-ba-truc-bac-nhan-si-tan-tuy-ai-quoc-i312774/