'Lính ngự lâm' bất hòa

Bất đồng giữa Mỹ với NATO về tỷ lệ chi phí quốc phòng không phải là điều bí mật gì đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là từ sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng.

Chuyện ai cũng biết!

Hồi đầu tháng này, khi các Bộ trưởng NATO tụ tập ở thủ đô nước Mỹ để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, đã có những lời xì xào ở Washington rằng một dịp lễ trọng như thế, lẽ ra phải là một cuộc gặp cấp nguyên thủ, vậy mà lại bị hạ xuống cấp bộ trưởng thì đúng là chẳng xứng với cái danh một liên minh quân sự được coi là lâu đời và vững chắc nhất thế giới!

Mà nguyên do thầm kín của việc “hạ cấp” này cũng được người ta nói trắng phớ ra: NATO không muốn một cuộc gặp mặt kỷ niệm cấp nguyên thủ quốc gia để tránh khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump có mặt và nói những lời khó nghe, đặc biệt là “lên lớp” các thành viên NATO về việc họ phải tăng phần đóng góp chi tiêu quốc phòng cho tương xứng với những gì mà Mỹ đã bỏ ra trong nhiều năm qua.

Thực hư của những lời đồn đoán này chưa biết đến đâu nhưng bất đồng ngày càng lớn giữa Mỹ và NATO là một sự thực ai cũng biết.

Mà ông Donald Trump cũng chẳng cần phải đợi có một cuộc gặp cấp thượng đỉnh NATO mới có cơ hội để (thêm một lần nữa) phát biểu chính kiến về vấn đề này.

Tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ lại nhắc đến chuyện đóng góp kinh phí trong NATO, mũi dùi nhắm vào Đức: “Thành thực mà nói nước Đức đã không đóng góp đủ... Họ đã không chi ra đúng như họ phải trả” - ông Trump nói.

Tuyên bố này được Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bất ngờ nhắc lại chỉ vài giờ trước khi bộ trưởng 29 nước thành viên NATO bước vào cuộc gặp ở Washington, mục tiêu chỉ trích vẫn là mức chi tiêu quốc phòng hạn chế của Đức trong NATO.

Ông Trump từng vài lần tuyên bố rằng Đức không san sẻ gánh nặng quốc phòng khi Berlin chỉ chi hơn 1% GDP cho quốc phòng (lẽ ra phải 2%) trong khi nhiều năm qua Mỹ chi tới 4,3% GDP (cũng có nguồn khác nói Mỹ chi ít hơn, chỉ 3,4% GDP).

Các bộ trưởng NATO tụ họp ở thủ đô nước Mỹ để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Ảnh: L.G.

Các bộ trưởng NATO tụ họp ở thủ đô nước Mỹ để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Ảnh: L.G.

Khi tinh thần “ngự lâm quân” ít nhiều phôi pha

Bất đồng giữa Mỹ với NATO về tỷ lệ chi phí quốc phòng không phải là điều bí mật gì đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là từ sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng.

Là một doanh nhân trở thành tổng thống với tinh thần “Nước Mỹ trên hết”, ông cho rằng việc Mỹ phải chi quá nhiều tiền để bảo vệ các thành viên NATO ở châu Âu là điều vô lý. Ông đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để thúc ép các thành viên NATO khác phải nâng tỷ lệ chi phí quốc phòng lên cho xứng với điều mà họ được hưởng: sự bảo trợ an ninh của Mỹ.

Không chỉ chê NATO là “lỗi thời”, thậm chí ông Trump còn gây sức ép mạnh hơn bằng việc đe dọa sẽ xem xét lại Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO, trong đó quy định bất kỳ thành viên nào của NATO bị tấn công thì coi như cả khối bị tấn công và các thành viên khác trong khối phải có nghĩa vụ hỗ trợ quốc gia bị tấn công.

Có vẻ như những biện pháp gây sức ép của Tổng thống Mỹ đã có tác dụng. Từ khi ông Trump lên cầm quyền, các đồng minh châu Âu và Canada đã tăng thêm 41 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng của mình và theo Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, con số này sẽ tăng lên 100 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Thế nên, phát biểu sau cuộc gặp với ông Jens Stoltenberg, Tổng thống Donald Trump hãnh diện khoe rằng: “Trước khi chúng tôi đến đến đây (ý nói trước khi ông vào Nhà Trắng), chi tiêu của NATO đã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ có giảm mà không tăng. Kể từ khi tôi trở thành tổng thống, nó đã tăng vọt như tên lửa và hiện nó vẫn đang trên đà tăng...”.

Tuy vậy, niềm hãnh diện của Tổng thống Mỹ chưa hẳn đã là niềm vui của các thành viên còn lại trong NATO, nếu không nói thẳng ra đây luôn là nguồn cơn cho một trong những mối bất hòa lớn nhất của Mỹ với NATO.

Với những đe dọa của Mỹ nhằm xem xét lại điều khoản liên quan đến nghĩa vụ hành động tập thể của các quốc gia thành viên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhắc khéo Tổng thống Mỹ rằng tiền quan trọng thật đấy nhưng có cái còn quý giá hơn: “Chỉ có đoàn kết nội khối mới có thể cho phép tạo ra một mặt trận thống nhất và mạnh mẽ trên trường quốc tế. Đây là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay của NATO. Một vì tất cả, tất cả vì một”.

Cái tinh thần của các ngự lâm quân trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas đã sứt mẻ đi ít nhiều vì tiền, hay chính xác hơn là khoản đóng góp nhiều ít cho các nghĩa vụ chung của NATO.

“Món vó bò” Crimea

Tiền không phải là thách thức duy nhất đe dọa sự đoàn kết của NATO khi kiên minh này bước vào tuổi 70.

Được thành lập ở thời điểm bắt đầu Chiến tranh Lạnh, NATO tồn tại với mục đích làm đối trọng, chống lại cái gọi là “mối đe dọa” của khối các nước thuộc Hiệp ước Warsaw (Vác-sa-va), tức hệ thống các nước XHCN ở châu Âu và Liên Xô trước đây.

Rồi một ngày, mối đe dọa đó bỗng dưng biến mất. Không sao cả! NATO đã tìm ra mục đích mới cho sự tồn tại của mình, bằng cuộc hành binh tiến về phía Đông, đẩy không gian ảnh hưởng của mình đến sát đường biên của nước Nga, quốc gia kế thừa Liên bang Xôviết trước đây.

Để thực hiện mục tiêu này, điều không tránh khỏi là NATO phải liên tục mở rộng, kết nạp thêm các thành viên mới, trong đó đặc biệt quan trọng là những quốc gia thành phần hoặc nằm trong không gian ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Từ 12 thành viên ban đầu, số lượng thành viên NATO đã tăng vọt lên 29 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

Đông hơn nhưng không có nghĩa là mạnh hơn. Khi số lượng thành viên tăng lên thì cũng có nghĩa là sự chênh lệch về tiềm lực quân sự, sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế dẫn tới sự khác biệt về vị thế cũng tăng lên. Đó chính là nguồn cơn của những khác biệt trong sự đóng góp về chi phí quốc phòng, khả năng chia sẻ trách nhiệm không đồng đều và dẫn tới những bất đồng trong nội bộ các nước NATO cũng như giữa NATO với Mỹ.

Hiển nhiên, thách thức lớn nhất đối với NATO vẫn tới từ nước Nga, quốc gia kế thừa trách nhiệm của Liên Xô trước đây và không chấp nhận việc NATO dồn ép, đẩy các mối đe dọa đến sát đường biên của mình.

Sự kiện Bán đảo Crimea quay trở lại sáp nhập với Nga vào năm 2014 đã giáng một đòn nặng vào chiến lược hướng về phía Đông của NATO. Nó cho thấy NATO không còn ở thời kỳ “múa gậy vườn hoang” một mình một chợ như đã từng xảy ra với các cuộc không kích nhằm vào Nam Tư cũ năm 1999.

Như “ông lão sáu mươi nhìn món vó bò”, NATO không sao tiêu hóa nổi “món vó bò” Crimea và chỉ có cách tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga với hy vọng khiến nước Nga suy yếu và có các thỏa hiệp xung quanh vấn đề này, điều khó có thể xảy ra trong thực tế.

Bất đồng giữa Mỹ với NATO về tỷ lệ chi phí quốc phòng không phải là điều bí mật gì đối với phần còn lại của thế giới. Ảnh: L.G.

Vết nứt sườn phía Nam của NATO

Thậm chí, ở một tầng nấc cao hơn, đã xuất hiện những vết rạn nghiêm trọng bên trong NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, hoàn toàn không cảm thấy mối đe dọa của Nga, cũng không chia sẻ với phương Tây các giá trị chung về dân chủ, nếu không nói là có nhiều mâu thuẫn.

Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ chính là vết nứt ở sườn phía Nam của NATO, khi quốc gia này có mối quan hệ hết sức đặc biệt với Nga và không ít xung khắc với Mỹ, thành viên chủ chốt của NATO.

Xung khắc lớn nhất nằm ở chỗ Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký hợp đồng mua loại máy bay hết sức hiện đại F-35 của Mỹ nhưng bất chấp mọi sự ngăn cản từ phía Mỹ, lại xúc tiến mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga.

Dĩ nhiên Washington không chấp nhận nên đã hoãn kế hoạch trang bị máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ vì lý do kỹ thuật không đồng bộ giữa hai hệ thống vũ khí, Washington lo ngại kiểu “vừa mua mâu để đâm, vừa mua thuẫn để đỡ” này của Thổ Nhĩ Kỳ khiến bí mật quân sự bị lọt vào tay Nga và có thể vô hiệu hóa một trong những vũ khí chủ lực nhất của quân đội Mỹ và NATO.

Mâu thuẫn còn tồn tại trong địa hạt chính trị xung quanh nhân vật đối lập Fetulah Gulen, người mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chủ mưu đứng sau vụ đảo chính hụt tháng 7-2016, hiện đang sống tại Mỹ nhưng Mỹ vẫn không chịu trục xuất.

Rồi việc Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với Nga trong cuộc nội chiến ở Syria cũng khiến Washington vô cùng bực tức. Một khi Mỹ cảm thấy khó ở thì “ngọc thể” NATO bất an là điều hiển nhiên.

NATO còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức khác nữa như chống khủng bố, ngăn chặn dòng di cư bất hợp pháp, sự trỗi dậy không bình thường của Trung Quốc, tác chiến không gian mạng, quá trình mở rộng ảnh hưởng của Iran...

Để có thể vượt qua hàng loạt thách thức ở tuổi “xưa nay hiếm”, NATO không thể bám víu vào những tín điều đã giúp hình thành liên minh này từ 70 năm trước. Chỉ có cách tiếp cận mới trong bối cảnh địa chính trị của thời hiện tại mới có thể giúp NATO quay trở lại với tinh thần của những anh chàng ngự lâm quân ngày xưa.

Yên Ba

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/linh-ngu-lam-bat-hoa-542530/