Linh thiêng Lễ tế đàn Xã Tắc

Tối 2-4, tại phường Thuận Hòa, TP Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tái hiện Lễ tế đàn Xã Tắc 2013. Đây là một trong những Lễ hội cung đình truyền thống tiêu biểu, mang đậm tính nhân văn, đặc trưng cho nền văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam được hình thành từ thời Nguyễn, tổ chức vào mùa Xuân với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt…

Đội trình diễn trang phục truyền thống của Cung đình Huế xưa.

Lễ tế được thực hiện gồm 2 phần chính: Phần dâng hương do đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành và phần sân khấu hóa diễn ra tại đàn Xã Tắc với các hình thức nghi lễ truyền thống xưa như: Lễ Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Nghinh trần (rước thần đến dự), Lễ Điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (dâng rượu), Lễ Phú tộ (hưởng lộc), Lễ Triệt soạn (hạ cỗ), Lễ Tống thần (đưa tiễn thần) và Lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị). Tham gia lễ tế, có sự góp mặt của hơn 600 diễn viên và nhạc công Đoàn nghệ thuật Cung đình Huế.

Ngay sau khi các hình thức nghi lễ được tái hiện, phục dựng xong, hàng ngàn người dân cố đô và du khách đã đến dâng hương cầu xin tài lộc, bình an, may mắn; cầu mong mưa thuận gió hòa; cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình.

Trên bàn thờ ở đàn thượng, nhiều lễ vật được dâng lên tế trời đất, thần đất và thần lúa.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Lễ tế đàn Xã Tắc lần này là sự kế thừa kinh nghiệm từ Lễ tế Xã Tắc đã được tổ chức thành công trong Festival Huế 5 năm trước, tiếp tục tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, giới thiệu không gian diễn xướng của những loại hình Đại nhạc, nhã nhạc, múa cung đình, trình diễn vẻ đẹp của văn hóa nghi lễ và trang phục truyền thống cung đình Huế xưa”.

Tương truyền, Lễ tế Xã Tắc sau khi triều Nguyễn được thiết lập, lòng dân trăm họ chưa phục nên vua Gia Long đã cho xây dựng đàn Xã Tắc vào tháng 4/1806 để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc) cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi… Đàn được đắp dựng bằng đất sạch do tất cả các dinh trấn trong cả nước cống nạp với hàm ý: “Giang sơn đã về một mối, quốc gia đã thống nhất”. Đàn có quy mô 2 tầng hình vuông. Tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài gần 30m, mặt nền tô năm màu theo ngũ phương, tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 73m. Cả hai tầng đều có xây lan can gạch cao 90cm, lan can tầng trên tô màu vàng, tầng dưới tô màu đỏ. Xung quanh đàn có tường thấp bao quanh…

Lễ tế đàn Xã Tắc được phục dựng như xưa.

Lễ tế đàn Xã Tắc được tổ chức 1 năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Lễ tế đàn Xã Tắc được xếp vào hàng “Đại tự”, cách ba năm (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đích thân nhà vua đến làm lễ tế. Trải qua bao biến thiên lịch sử, đàn Xã Tắc (nay thuộc phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã trở thành phế tích, dấu tích còn lại chỉ vẻn vẹn một tấm bia “Thái xã chi thần”. Năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết định khôi phục và tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc theo nghi thức truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Hạnh Nhi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/linh-thieng-le-te-da-n-xa-ta-c/