Linh thiêng tổ đình Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo lớn thuộc phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm ấn hành, xuất bản lớn của Phật giáo Việt Nam. Kho mộc bản còn lưu giữ hiện nay, vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán

Công trình niến trúc nghệ thuật độc đáo

Ngôi chùa này nằm ở nút giao giữa sông Lục Nam và sông Thương. Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Xung quanh chùa là những dãy núi cao, đặc biệt có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.

Chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự. Thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) các vị cao tăng thường hay tu tập tại đây nên nó được trùng tu và sửa chữa nguy nga.

Khi vua Trần Nhân Tông 1258-1308) không còn nhiếp chính nữa, quy ẩn tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngọa Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam tổ.

Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được nhân dân ta nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần mang đậm bản sắc dân tộc, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này.

Chùa Vĩnh Nghiêm chính là Thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung, của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam và cũng được coi là chốn tổ Vĩnh Nghiêm, được các nhà nghiên cứu coi là “Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đại thừa”.

Diện tích chùa khoảng 1 ha, bao quanh chùa là lũy tre dày đặc. Hiện nay, chùa được tu tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến du lịch và lễ bái. Du khách có thể đi theo lộ trình như: cổng tam quan, đi sâu vào khoảng 100m nữa là bái đường hay còn gọi là chùa Hộ. Hai bên đường chùa được xây dựng những khóm thông khoảng tầm 1m để tạo thành tùng lâm.

Trên sân chùa có một bia đá to, gồm 6 mặt dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Ngay trước mặt tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 5 vị sư: Phù Lãng Trung pháp (hiệu Sa môn), Thông Duệ ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.

Sau khi đã qua cổng tam quan, du khách có thể đi đến Tòa tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ đệ nhị, Hai dãy hành lang đông tây. Mỗi một kiến trúc tại đây đều được tu sửa theo lối cổ xưa để không làm mất bản sắc văn hóa hàng ngàn năm

Trong chùa còn thờ Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Trong chùa còn có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - di sản tư liệu ký ức thế giới

Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Hiện nay, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gần 3.000 ván khắc rời với 34 đầu sách, đa số là mộc bản của bộ Đại phương quảng Phật, Hoa Nghiêm kinh (có trên 2.800 bản), còn lại là mộc bản của 8 bộ kinh, sách, luật giới khác như: A Di Đà kinh, Tỳ khâu ni giới kinh, Sa di ni giới kinh, Yên Tử nhật trình, Thiền tông bản hạnh,…

Ngoài các mộc bản kinh, sách, luật thì còn có vài chục bản là sớ, điệp và lịch pháp xem ngày giờ tốt xấu trong năm được chế tác thành nhiều đợt trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Đây là bộ mộc bản duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm còn lưu giữ được, là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm với hàng trăm ngôi chùa, hàng triệu tăng, ni, phật tử.

Các mộc bản được làm bằng gỗ thị là loại cây được trồng nhiều ở chùa Vĩnh Nghiêm và quanh vùng. Trước khi san khắc, gỗ thị còn được luộc kỹ và xử lý kỹ thuật để chống co giãn nên thích nghi được với thời tiết miền Bắc khá khắc nghiệt. Đó là lý do khiến cho hàng trăm năm nay, các mộc bản còn lại tại chùa Vĩnh Nghiêm cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn hình khối với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, độc đá

Vào dịp đầu xuân năm mới này, du khách hãy tới Bắc Giang, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tại đây và cùng cầu nguyện cho một năm mới bình an và may mắn.

son binh / Sơn Bình

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dao-va-doi/linh-thieng-chon-to-vinh-nghiem-486543.html