Lính Trung Quốc đánh 'lính Trung Quốc': Góc khuất mới trong đụng độ đẫm máu trên biên giới Trung-Ấn?

Tình hình biên giới Trung Quốc và Ấn Độ lại tiếp tục ghi nhận thêm nhiều căng thẳng mới, đặc biệt sau vụ xô xát vào vào đêm ngày 29/8 - rạng sáng ngày 30/8 vừa qua.

Đội quân đặc biệt

Theo Reuters, vụ xô xát mới nhất tại biên giới Trung-Ấn đã khiến 1 thành viên gốc Tây Tạng thuộc đội đặc nhiệm Ấn Độ tử vong. Thông tin này đã hé lộ những điều ít biết về những binh sĩ thiện chiến ở vùng núi của Ấn Độ.

Dẫn lời ba quan chức Ấn Độ và hai thành viên gia đình nạn nhân, Reuters cho biết người tử vong là ông Tenzin Nyima, 53 tuổi. Ngoài ra, một lính khác cũng bị thương nặng trong vụ đụng độ gần hồ Pangong Tso ở phía tây Himalaya vào hai ngày cuối tuần qua vì lí do tranh chấp lãnh thổ.

Được biết, Nyima là một thành viên thuộc Đội Đặc nhiệm Tiền tuyến (SFF) với các thành viên chủ yếu đều là người Tây Tạng tị nạn và một số ít là người Ấn Độ. Năm 1959, hàng trăm nghìn người từ vùng tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) đã tới Ấn Độ sinh sống.

Hiện tại, có ít thông tin được công khai về đội quân đặc biệt này ngoài thời điểm thành lập vào năm 1962, ít lâu sau chiến tranh biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hai quan chức Ấn Độ ước tính đội quân có khoảng 3.500 nam giới.

Amitabh Mathur, một cựu cố vấn chính quyền Ấn Độ về vấn đề Tây Tạng, nhận định SFF là "một đội quân đột kích thiện chiến, đặc biệt trong bối cảnh chiến đấu trên núi và những chiến trường trên cao".

"Nếu tất cả quân số SFF được triển khai, tôi cũng không ngạc nhiên. Việc sử dụng SFF là hợp lí ở các vùng núi cao. Họ là những người leo núi và biệt kích đáng gờm".

Được biết, người Tây Tạng có gen khác biệt, giúp họ có thể thích nghi với địa hình khắc nghiệt. Sau nhiều thế hệ sinh sống ở vùng núi, họ có hệ tuần hoàn và tim mạch khỏe mạnh, có thể sinh sống và hoạt động hiệu quả ở độ cao mà người bình thường ít tới.

Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về SFF.

Trung Quốc từ lâu đã coi sự hiện diện của cộng đồng người Tây Tạng ở Ấn Độ là mối nguy hiểm tới toàn vẹn lãnh thổ. Bắc Kinh coi Đạt Lai Lạt Ma - thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng - là một nhân vật ly khai nguy hiểm.

Trả lời báo chí vào ngày 2/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc không biết liệu người Tây Tạng có đang chiến đấu vì Ấn Độ hay không, nhưng đưa ra cảnh báo: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kì nước nào - bao gồm Ấn Độ - ủng hộ các hoạt động của phe ủng hộ ly khai ở Tây Tạng hoặc cung cấp cho họ bất kỳ sự hỗ trợ và không gian nào".

Đòi hỏi của người Tây Tạng

Theo các đoạn video được Reuters ghi nhận, nhiều người Tây Tạng đã bày tỏ sự tiếc thương đối với cái chết của Nyima. Thi thể của ông được đặt trong quan tài phủ bằng cờ Ấn Độ và cờ Tây Tạng trong ngôi làng Choglamsar ở vùng Ladakh của Ấn Độ.

Hai người thân và hai hàng xóm của Nyima nói một quan chức chính phủ Ấn Độ đã nói rằng ông Nyima "qua đời khi bảo vệ Ấn Độ". Quan chức này đề nghị giấu tên và yêu cầu không đề cập tới 33 năm cống hiến của Nyima trong SFF.

Các bức hình về quan tài và nghi lễ đám ma của người Tây Tạng đã được lan truyền trên các ứng dụng điện thoại của người Tây Tạng tị nạn ở Leh - thành phố lớn ở Ladakh - và tại Dharamshala ở miền bắc Ấn Độ.

Một số người nói rằng họ muốn cống hiến của người Tây Tạng được Ấn Độ công nhận.

"Chúng tôi tôn trọng Ấn Độ vì đã cho chúng tôi nơi ở, nhưng đây là thời điểm để nước này công nhận vai trò quan trọng của những người lính thuộc SFF," Lhagyari Namgyal Dolkar, một đại diện người Tây Tạng có người thân từng chiến đấu bên phe Ấn Độ trong cuộc đụng độ với Pakistan năm 1999, nói.

"Nếu một người lính Ấn Độ hi sinh, người đó sẽ được coi là liệt sĩ và nhận được sự hỗ trợ hào phóng từ chính phủ. Tại sao người Tây Tạng tại đây không nhận được đối xử tương tự?" - Dolkar nói.

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/linh-trung-quoc-danh-linh-trung-quoc-goc-khuat-moi-trong-dung-do-dam-mau-tren-bien-gioi-trung-an-8202039114218774.htm