Lo 350 tỷ USD trở thành bánh vẽ, Trump dọa Ả-rập Saudi?

Chiến lược quốc phòng của Mỹ ngày càng bất cập với thế giới, trong đó có sự giảm sút niềm tin của đồng minh vào kỹ thuật quân sự Mỹ...

Theo Reuters, ngày 2/10 tại Mississippi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một phát biểu mang tính "ngoại giao bất quy tắc" khi cảnh báo Quốc vương Ả-rập Saudi rằng nếu thiếu sự bảo trợ của Mỹ thì chỉ 2 tuần Hoàng gia sẽ mất quyền bính.

"Chúng tôi bảo vệ Ả-rập Saudi. Họ rất giàu có và tôi yêu mến Quốc vương Salman. Nhưng tôi phải nói rằng Mỹ đang bảo vệ nhà vua và ông không thể duy trì lực quyền được 2 tuần nếu thiếu chúng tôi. Vì thế nhà vua phải đầu tư cho quân đội của Ngài".

Dư luận ngỡ ngàng trước lời lẽ của người đứng đầu Nhà Trắng khi nói về đồng minh quan trọng bấc nhất của Mỹ tại Trung Đông. Điều gì khiến vị tổng thống doanh nhân có vẻ hậm hực mà quên luôn mất phép lịch sự trong bang giao quốc tế như vậy?

Thỏa thuận 350 tỷ USD có nguy cơ biến thành chiếc bánh vẽ khổng lồ khiến Tổng thống Trump sốt ruột

Theo giới phân tích, thái độ của nhà lãnh đạo Mỹ là biểu hiện sự sốt ruột trước nguy cơ Riyadh có thể biến thỏa thuận hợp tác kinh tế và mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ả-rập Saudi trị giá 350 tỷ USD trở thành "chiếc bánh vẽ khổng lồ".

Xin nhắc lại, trong chuyến công du quốc tế đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ đến Ả-rập Saudi hồi tháng 5/2017, Tổng thống Trump đã được Hoàng gia Ả-rập đón tiếp long trọng và nồng hậu hơn rất nhiều so với đón tiếp cựu Tổng thống Obama.

Trong khi đó ông Obama luôn đứng về phía Riyadh, trong đó cụ thể nhất là việc phủ quyết đạo luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố, hồi tố trách nhiệm của Ả-rập Saudi trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Không những vậy, trong chuyến công du của ông Trump, Mỹ đã ký thỏa thuận về hợp tác kinh tế và quốc phòng với Ả-rập Saudi trị giá lên đến 350 tỉ USD trong 10 năm, trong đó khoản mua bán vũ khí trị giá 110 tỉ USD có hiệu lực ngay lập tức.

Đây được xem là thành công ngoài mong đợi của Tổng thống Trump, đồng thời cũng là kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" cho một chuyến công du một tổng thống Mỹ, trong khi đây lại là chuyến công du đầu tiên của vị tổng thống doanh nhân.

Nhà Trắng đã ca ngợi thỏa thuận giữa Washington và Riyadh là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ về an ninh giữa những đồng minh chiến lược và hy vọng việc hiện thực hóa giá trị thỏa thuận sẽ diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, từ đó đến nay thì tiến độ “giải ngân” của Hoàng gia Ả-rập cho "thỏa thuận thế kỷ" này diễn ra rất chậm, dù Washington đã sử dụng nhiều chiêu thức để khuyến mại, khuyến dụ đồng minh.

Cụ thể, Washington và Riyadh mới chính thức ký hợp đồng về việc Mỹ chuyển giao cho Ả-rập Saudi hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với trị giá 15 tỷ USD và dường như mới chỉ có vậy.

Hơn một năm sau thỏa thuận kỷ lục, dường như mới chỉ có hợp đồng chuyển giao THAAD trị giá 15 tỷ USD được Riyadh quyết định giải ngân

Thời gian thì trôi nhanh mà động thái của Ả-rập Saudi không những chậm chạp mà còn có dấu hiệu chệch hướng, khi Riyadh đã hướng sang việc mua sắm vũ khí chiến lược của Nga, trong đó có hệ thống phòng không hiện đại S-400.

Trước sự nguy hại đó, Washington được cho là đã tạo dựng nhiều kịch bản và có những hành động như đốt dây cháy chậm cho thùng thuốc súng Trung Đông, nhằm tạo ra tình thế buộc đồng minh phải tăng cường trang bị vũ khí và thiết bị quân sự.

Từ khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đến khủng hoảng chính trị tại Li-băng, từ công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái đến việc chuyển Đại sứ quán Mỹ về "vùng đất thánh", đều khiến Trung Đông ngày một nóng hơn.

Vậy nhưng rất ít hợp đồng mua bán vũ khí mới được ký kết thêm, rất ít đơn đặt hàng mới được gửi tới Mỹ. Giá trị thực hiện thỏa thuận 110 tỷ USD - vốn có hiệu lực ngay lập tức - vẫn chỉ dừng lại ở con số 15 tỷ USD.

Trong khi đó các đối tác Châu Âu lại có vẻ hoài nghi về Chương trình hợp tác 1.000 tỷ USD sản xuất máy bay chiến đấu F.35, khiến cho nguy cơ kho vũ khí Mỹ sẽ hết sức chứa hàng tồn kho.

Từ đây yêu cầu đặt ra với chính quyền Trump là phải nhanh chóng làm vơi kho vũ khí Mỹ và vị tổng thống doanh nhân đã phải hành động nóng, với việc khuyến khích, hối thúc đồng minh gia tăng mua sắm vũ khí.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã gửi lời khen - được giới phân tích vì von là mang hình viên đạn - tới Quốc vương Qatar, khi hoan nghênh Doha đã dứt khoát chấm dứt hỗ trợ khủng bố, như một lời nhắc nhở tiểu quốc này đừng quên vũ khí Mỹ.

Nay vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ tiếp tục thể hiện lối hành xử bất quy tắc trong bang giao quốc tế khi nói thẳng với Quốc vương Ả-rập Saudi rằng Hoàng gia sẽ nghiêng ngả nếu thiếu vằng sự bảo trợ của Mỹ.

Trong khi Riyadh ngày càng mê mệt vũ khí Nga, đặc biệt là rồng lửa S-400

Và dường như lo ngại đồng minh chưa hiểu hết ý, nhà lãnh đạo tối cao của nước Mỹ đã không ngại ngần yêu cầu Quốc vương Salman cần đầu tư cho quân đội Hoàng gia, mà việc mua sắm vũ khí đương nhiên là điều quan trọng nhất.

Có thể thấy Chiến lược quốc phòng của Mỹ ngày càng bất cập với thế giới, trong đó có sự giảm sút niềm tin của đồng minh vào vũ khí và kỹ thuật quân sự Mỹ, mà lý do quan trọng nhất là sự tốn kém, song vũ khí Mỹ "đắt lại chưa chắc xắt ra miếng".

Thực tế đó khiến người đứng đầu Nhà Trắng hoàn toàn có lý do để lo ngại Riyadh có thể biến thỏa thuận 350 tỷ USD thành chiếc bánh vẽ khổng lồ với Washington và là cơ hội cho Nga thách thức Mỹ trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/lo-350-ty-usd-tro-thanh-banh-ve-trump-doa-a-rap-saudi-3366670/