Lo công ty bị phá sản, lãnh đạo gửi đơn cầu cứu Thủ tướng

Lo ngại công ty bị phá sản, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana-Ý làm đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến hoạt động sản xuất hai nhà máy Dana-Ý, Dana-Úc (đóng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) gây xôn xao dư luận vừa qua, ngày 5/10, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana-Ý cho biết vừa có Đơn kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp kính gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo ông Tân, Công ty cổ phần Thép DANA – Ý ("Công ty Dana Ý") là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép, đặt trụ sở tại Cụm Công nghiệp Thanh Vinh, thành phố Đà Nẵng.

Trong 10 năm xây dựng và phát triển, công ty Dana Ý luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của trung ương và địa phương về hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Hằng năm, công ty đóng góp hàng chục tỷ đồng vào ngân sách thành phố; tài trợ, ủng hộ thường xuyên cho các chương trình an sinh xã hội; và đặc biệt là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn người lao động địa phương. Qua đó, công ty đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

"Tuy nhiên, hiện nay, công ty đang bị ép đến bờ vực phá sản, các nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tài sản, vốn đầu tư và hàng ngàn người lao động sẽ mất việc làm do những chủ trương không nhất quán và quyết định sai lầm của TP Đà Nẵng trong việc thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh", ông Tân trình bày.

Đơn kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp của Công ty CP Thép Dana-Ý kính gửi Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, từ tháng 4/2018 đến nay, công ty đã có hàng chục đơn kiến nghị, trình bày nguyện vọng đến Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan kiến nghị phải kịp thời ban hành quyết định chính thức giải quyết vụ việc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đến nay, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

"Dù vô tình hay như thế nào thì việc chậm trễ của thành phố càng làm cho công ty thiệt hại trầm trọng, kiệt quệ nguồn lực và lâm vào tình trạng phá sản. Công ty thật sự không hiểu được rằng thành phố không nhìn thấy khó khăn của doanh nghiệp hay đã nhìn thấy được rồi, nhưng vẫn từ từ giải quyết để khó khăn thêm chống chất và doanh nghiệp phải tự "chết"?", ông Tân cho biết.

Trình bày trong đơn, ông Tân nhấn mạnh, tong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp cả nước vui mừng và phấn khởi vì Thủ tướng và Chính phủ kiên định phương hướng kiến tạo, phát triển, đồng hành với doanh nghiệp. Thủ tướng luôn yêu cầu các cấp các ngành phải tiếp tục lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội.

"Chính vì vậy, trước tình hình vô cùng cấp bách, thời điểm quyết định tồn vong của doanh nghiệp, công ty Dana Ý kính kiến nghị và cầu cứu khẩn cấp Ngài Thủ tướng giành thời gian quý báu xem xét thực tiễn vụ việc và chỉ đạo giải quyết kịp thời để cứu doanh nghiệp, cứu hàng trăm nhà đầu tư, cứu hàng ngàn người lao động và gia đình họ", ông Tân trình bày trong đơn.

Số phận hai nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc vẫn chưa được định đoạt dứt khoát?. Ảnh: Đức Hoàng

Được biết, ngày 27/12/2000, UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 138/2000/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch các cụm công nghiệp nhỏ ở TP Đà Nẵng, trong đó có Cụm công nghiệp Thanh Vinh (nơi đặt nhà máy của công ty Dana Ý).

Ngày 28/11/2001, UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 178/2001/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Liên Chiểu thời kỳ 2001 – 2010. Theo Quyết định, mục tiêu của quận Liên Chiểu là trở thành quận công nghiệp của thành phố, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ khí – luyện kim và Cụm công nghiệp Thanh Vinh là một giải pháp nhằm thực hiện chính sách di dời các doanh nghiệp sản xuất ra khỏi địa bàn trung tâm thành phố.

Vào năm 2006, trong dự án mở Khu công nghiệp Hòa Khánh giai đoạn 1 (Cụm công nghiệp Thanh Vinh), dự án nhà máy thép của công ty Dana Ý đã được thành phố kêu gọi, khuyến khích đầu tư vào cụm công nghiệp. Năm 2007, Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định bố trí nhà máy lên Cụm Công nghiệp theo Giấy chứng nhận đầu tư số 32121000074 cấp ngày 20/11/2007.

Từ năm 2006, thành phố đã thống nhất chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Tuy nhiên, vì thu hút được ít nhà đầu tư nên thành phố đã điều chỉnh quy hoạch, dừng mở rộng Khu công nghiệp Hòa Khánh và không thực hiện di dờingười dân tại khu vực này nữa. Lâu dần, từ 150 hộ dân ban đầu đã phát sinh thành 1.200 hộ dân.

Đầu năm 2017, các hộ dân rất bức xúc và phản ứng gay gắt do việc thành phố "treo" di dời hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi phải sống cạnh cụm công nghiệp. Để khắc phục thiếu sót trong quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh, UBND TP Đà Nẵng quyết định phải di dời nhà dân theo các Thông báo số 197/TB-UBND ngày 29/12/2016, số 05-TB-UBND ngày 22/02/2017, Công văn số 730/VP-QLĐTư ngày 13/3/2017. Nội dung các văn bản nêu rõ "thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 02 nhà máy theo phương án đề xuất của Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng."

Dẫu vậy, việc thực hiện thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư vẫn tiếp tục ì ạch, chậm tiến độ, không thông suốt nên người dân vô cùng bức xúc và bao vây hai nhà máy thép của Công ty Dana Ý và Công ty Dana Úc vào ngày 26/02/2018.

Ngày 02/3/2018, UBND thành phố đột ngột ban hành Công văn số 1446/UBND-QLĐTư quyết định hủy bỏ chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận nhà máy và thay vào đó chủ trương di dời 02 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, yêu cầu ngừng hoạt động ngay lập tức từ ngày 02/3/2018.

Ngày 23/3/2018, UBND thành phố ra Thông báo số 30/TB-UBND cho phép nhà máy hoạt động tạm thời (từ ngày 26/3/2018) trong thời gian chờ thành phố có quyết định chính thức, để giải quyết công việc tồn đọng và không được mở rộng sản xuất.

Từ ngày 29/3/2018 đến nay, công ty Dana Ý đã gửi hàng chục đơn kiến nghị, công văn đến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sớm ban hành quyết định chính thức về phương án giải quyết vụ việc và các chế độ đền bù hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp những vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Ngày 26/9/2018 (kết thúc thời hạn 6 tháng các cơ quan ban ngành trình UBND thành phố về phương án giải quyết vụ việc nhà máy theo Thông báo số 30/TB-UBND ngày 23/3/2018), thành phố vẫn chưa có quyết định chính thức về phương án giải quyết vụ việc 02 nhà máy thép. Trong khi đó, một nhóm người dân quá kích đã kéo đến bao vây nhà máy, không cho CBNCV, người lao động vào công ty làm việc, không cho nhà máy hoạt động từ ngày 26/9/2018 đến nay làm mất an ninh trật tự và gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Từ việc thiếu sót trong quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh đến sự không nhất quán về chủ trương và thực hiện chủ trương của thành phố đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, người lao động và doanh nghiệp.

Công ty cổ phần thép Dana-Ý. Ảnh: Đức Hoàng

Theo ông Tân, vụ việc rất khẩn cấp, nếu sự việc không giải quyết sớm thì cuộc sống người dân cạnh cụm công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng dẫn đến phản ứng càng lúc càng gay gắt; an ninh trật tự tại khu vực càng căng thẳng, khó tránh khỏi trường hợp xảy ra xô xát; người lao động bị bất ổn công việc và tinh thần;

Doanh nghiệp thì không thể yên tâm hoạt động, gây thiệt hại càng lúc càng trầm trọng, tình hình kinh tế thành phố cũng không ổn định, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế. Như vậy, tất cả các lợi ích đều không đạt được.

"Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng và khẩn cấp như trên, công ty Dana Ý khẩn thiết đề nghị Ngài Thủ tướng kịp thời chỉ đạo, đôn đốc UBND TP Đà Nẵng cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh đối với người dân, doanh nghiệp và ban hành quyết định dứt khoát hướng điều chỉnh quy hoạch đối với Cụm công nghiệp Thanh Vinh để giải quyết mâu thuẫn vụ việc và đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp: Di dời nhà máy và thực hiện hỗ trợ, đền bù theo quy định pháp luật để phát triển khu dân cư; hoặc di dời các hộ dân cạnh Cụm công nghiệp Thanh Vinh đến nơi khác để nhà máy tiếp tục hoạt động", ông Tân trình bày trong đơn.

Đức Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/doi-song/lo-cong-ty-bi-pha-san-lanh-dao-gui-don-cau-cuu-thu-tuong-368371.html