Lô cốt Pháp ở Hà Nội

Tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội và miền Bắc. Thời gian này, quân đội Pháp còn mạnh vì lực lượng kháng chiến của Việt Minh còn yếu. Thế nhưng sức mạnh quân sự của Việt Minh tăng lên nhanh chóng.

Năm 1947, Việt Minh chỉ có khả năng cầm cự, nhưng năm 1949 đã chuyển qua thế phòng ngự rồi phản công vào những năm 1950-1951. Không còn sức lực và cũng không còn quân để rải ra các mặt trận nên quân đội Pháp đã phải co cụm. Để chống lại sự tấn công của Việt Minh, quân đội Pháp đã xây dựng hệ thống lô cốt phòng thủ ở đồng bằng Bắc Bộ gọi là “phòng tuyến De Lattre De Tassigny (viên tướng chỉ huy chiến trường Đông Dương giai đoạn này)”.

Đặc biệt quanh khu vực Hà Nội, họ cho xây dựng rất nhiều lô cốt vì Hà Nội là đầu não của Chính phủ thuộc địa. Những lô cốt này bao quanh khu vực nội đô và vùng ngoại thành. Lô cốt được xây dựng kiên cố nửa chìm nửa nổi bằng bê tông có lỗ châu mai để bắn ra nhiều phía, có nắp và nơi nghỉ ngơi cho binh sĩ.

Vì được xây dựng bằng vật liệu kiên cố nên ngày nay Hà Nội vẫn còn khá nhiều lô cốt. Dọc theo bờ nam sông Đuống, trung bình cứ 1km có một cái. Cạnh trường THCS chuyên Lê Lợi (quận Hà Đông) có 2 lô cốt. Trên đường vào Kim Giang (quận Thanh Xuân) cũng có mấy lô cốt nằm mé đường. Đường 32 lên thị xã Sơn Tây có lô cốt kiêm tháp canh ở Phùng và đập Đáy. Rồi lô cốt ở cạnh cầu Phù Lỗ (Đông Anh), nó khá đẹp và cách đây chưa lâu... còn nguyên bản. Ngay đầu phố Nguyễn Tri Phương, trong khuôn viên của ngân hàng Quân đội có một cái.

Sóc Sơn cũng là nơi có nhiều lô cốt. Trên núi Đôi, trong bài thơ nổi tiếng Núi đôi của nhà thơ Vũ Cao, có một cái lô cốt hay ở xã Hiền Linh, lô cốt sẵn đến mức một số hộ dân đã trưng dụng lô cốt cạnh nhà làm… công trình phụ. Ở đường Trường Chinh, gần Bảo tàng Không quân từng có lô cốt, khi mở rộng con đường này người ta đã phải đặt bộc phá mới phá được vì nó quá chắc. Rồi ở Ngọc Hồi, trên Quốc lộ 1A cũng có.

Khu vực Hồ Tây, từng có một hệ thống lô cốt trong đó từ “lô cốt mẹ”, có tầm nhìn khống chế cả khu vực phía bắc hồ, vốn cùng hệ thống với nó còn có các "lô cốt con". Ước lượng tầng 1 “lô cốt mẹ” có chiều dài độ 6m, rộng chừng 4m, chiều cao từ nền đất hiện nay khoảng 3m, cửa cách nền đất 1m. Độ dày tường bê tông khoảng 0,5-0,8m. Trên tầng 2 lô cốt mẹ, có một ụ chiến đấu tròn đường kính khoảng 1,5m, cao 2m.

Cách khoảng 6m từ lô cốt này, có một lô cốt phụ, tức "lô cốt con", diện tích nhỏ hơn, khoảng 5,6m2. Trước đây, hệ thống lô cốt nói với nhau bằng giao thông hào nhưng nay giao thông hào không còn và “lô cốt con” cũng bị bịt kín. Tùy địa hình từng khu vực mà lô cốt được xây có hình dáng không giống nhau. Và ở những lô cốt cục mịch và chắc chắn này lúc nào cũng có lính lê dương, lính ngụy canh giữ ngày đêm. Khi mới hòa bình, bộ Quốc phòng có lệnh đấy là di tích được lưu niệm.

Theo thời gian và cũng không có những quy định cụ thể nên rất nhiều lô cốt đã bị phá bỏ khi thành phố mở đường hay có lô cốt bị nhà dân lấn chiếm. Cho đến nay dù đã mất đi một số lô cốt thời Pháp vẫn nằm rải rác ở nhiều nơi, cái còn nguyên vẹn. Lô cốt Pháp là một phần của lịch sử, là bảo tàng sống về phòng thủ của quân sự thế giới trong thế kỷ XX. Nếu giữ gìn được nguyên vẹn nó sẽ trở thành những điểm đến rất thú vị, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lo-cot-phap-o-ha-noi-a423908.html