Lộ diện những doanh nghiệp đầu tiên lãi nghìn tỷ

Mặc dù thông tin về kết quả kinh doanh quý 3/2020 của nhiều doanh nghiệp chưa công bố hết, nhưng đến thời điểm này đã xuất hiện nhiều tên doanh nghiệp lãi nghìn tỷ.

Lần đầu tiên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) ghi nhận mức doanh thu 9 tháng cao nhất trong lịch sử hoạt động với 3.320 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch kinh doanh năm 2020 sau 9 tháng.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý 3/2020 SSI vừa công bố cho thấy, trong quý 3/2020, SSI ghi nhận doanh thu đạt 966 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 409 tỷ đồng, tăng 29,3%.

Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu đạt 3.320 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phía SSI cho biết, đây là mức doanh thu 9 tháng cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Doanh thu và lợi nhuận của SSI tăng mạnh là nhờ thị trường chứng khoán phục hồi giúp gia tăng lãi từ các tài sản tài chính. Cùng với đó, quy mô giao dịch thị trường tăng mạnh cũng giúp doanh thu môi giới cải thiện rõ rệt. Doanh thu môi giới chứng khoán tăng ở mức 13,4%, đạt 491 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/9/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp này ở mức 26.585 tỷ đồng, được hình thành từ 9.199 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 17.386 tỷ đồng nợ phải trả.

Lộ diện những doanh nghiệp đầu tiên lãi nghìn tỷ

Lộ diện những doanh nghiệp đầu tiên lãi nghìn tỷ

Mới đây, CTCP Thế Giới Số (Digiworld, DGW) cũng vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2020 với doanh thu thuần 3.624 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ khi thành lập.

Trong đó, mảng Laptops và Tablets tiếp tục tăng 13% lên mức 1.280 tỷ đồng. Mảng điện thoại di động tăng 84 lên mức cao nhất từ trước đến nay là 1.868 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng tốt của Xiaomi và đóng góp mới của Apple.

Được biết, Công ty chính thức trở thành đại lý phân phối ủy quyền cho Apple tại Việt Nam kể từ cuối tháng 6/2020. Như vậy, 40% thị phần điện thoại Iphone tại Việt Nam là hàng xách tay và đây là thị trường tiềm năng để Digiworld khai thác. Điều này cũng góp phần củng cố triển vọng tăng trưởng trên các phân khúc CNTT chính.

Ngoài ra, mảng thiết bị văn phòng tăng nhẹ 2% và đạt doanh số 414 tỷ đồng. Ngược lại, hàng tiêu dùng trong kỳ giảm 6% xuống còn 62 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, DGW đạt lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng, tăng 44% so với quý 3 năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Digiworld đạt tổng doanh thu thuần 8.518 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả kinh doanh này, Công ty đã lần lượt thực hiện 84% và 83% con số kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Ngoài SSI, DGW, quý 3/2020, Tập đoàn Hòa Phát cũng công bố đạt 24.900 tỷ đồng doanh thu tăng 62,7% và 3.785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn chạm mốc này trong một quý.

Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 98% kế hoạch năm. Và đây cũng là lần đầu tiên, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2020 đã vượt mức thực hiện năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.

Kết quả trên là nhờ hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh tích cực trong các lĩnh vực kinh doanh, trong đó sắt thép và nông nghiệp đóng góp lớn nhất. Tháng 9/2020, tháng đầu tiên Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức vượt lên dẫn đầu về sản lượng sản xuất thép thô với 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 19% so với tháng 8/2020 và gần gấp đôi so với cùng kỳ 2019.

Trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, đóng góp khoảng 12% doanh thu và 15% lợi nhuận toàn Tập đoàn.

Các lĩnh vực công nghiệp khác và bất động sản cũng có những đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn. Điện lạnh Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến và vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2020 sau 9 tháng.

Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu 86.000 tỷ đồng doanh thu và 9.000 tỷ lợi nhuận sau thuế. Với kết quả trên, Tập đoàn tự tin hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, đồng thời phấn đấu đưa lò cao số 4 –hạng mục cuối cùng của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất vào hoạt động trong tháng 1/2021.

Công ty Vinamilk (VNM) vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu 15.561 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng 16% lên 3.106 tỷ đồng, tiếp tục phá đỉnh thiết lập hồi quý 2/2020 (cao nhất kể từ năm 2016).

Lũy kế 9 tháng, Vinamilk ước doanh thu tăng 7,4% lên 45.277 tỷ, tương ứng thu về lợi nhuận sau thuế 8.967 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 84% chỉ tiêu lợi nhuận 2020.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi là Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco, DBC) cũng đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu thuần tăng 41% lên 2.550 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế DBC thu về gần 387 tỷ đồng, gấp 20 lần cùng kỳ.

Theo Dabaco, nhờ sự phục hồi của ngành chăn nuôi giúp các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và công ty chăn nuôi trong tập đoàn hoạt động có hiệu quả. Nền so sánh cùng kỳ năm ngoái cũng thấp do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, một số dự án đi vào hoạt động có hiệu quả khác như Nhà máy dầu thực vật Dabaco, Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao Dabaco Tuyên Quang…

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng hơn 40% đạt 7.155 tỷ đồng, tương ứng mức lợi nhuận sau thuế cao gấp 24 lần cùng kỳ với 1.137 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận 457 tỷ đồng, DBC đã vượt gần 150% chỉ tiêu cả năm.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/ket-qua-kinh-doanh-quy-3-2020-nhung-doanh-nghiep-dau-tien-lai-nghin-ty-267370.html