Lộ diện những mô hình đẹp, độc của 17 đội tại vòng Sơ khảo cuộc thi Thiết kế nhà chờ xe buýt

Ngày 30/7, tại Hội trường lớn, Đại học Giao thông vận tải đã diễn ra vòng thi Sơ khảo cuộc thi Thiết kế nhà chờ xe buýt An toàn – Thông minh – Thân thiện giữa 17 đội thi đến từ 13 trường Đại học trên địa bàn cả nước.

Quang cảnh vòng thi Sơ kết cuộc thi Thiết kế mô hình nhà chờ xe buýt An toàn - Thông minh - Thân thiện.

Quang cảnh vòng thi Sơ kết cuộc thi Thiết kế mô hình nhà chờ xe buýt An toàn - Thông minh - Thân thiện.

Các đội thi đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, mới mẻ, được thể hiện qua những mô hình sa bàn độc đáo, hấp dẫn. 17 đội thi đến từ 13 trường Đại học trên địa bàn cả nước, bao gồm: UET-SFS từ Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; 19K6 HAU từ Đại học Kiến trúc Hà Nội; VLU ECO-CELL từ Đại học Văn Lang; 20PLUS UTC từ Đại học Giao thông vận tải; Nồi cơm điện – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; ME7 HaUI – Đại học Công nghiệp Hà Nội; CK-TLU – Đại học Thủy Lợi; Le.Atelier – Đại học Tôn Đức Thắng; Đa sắc – Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Luật – Kiến – Xây – Đại học Văn Lang; Power Star – Đại học Giao thông vận tải Phân hiệu TPHCM; XX-XXI – Đại học Xây Dựng; Why Stop – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Kiến Xây – NUCE – Đại học Xây dựng; Bus Stop – Đại học Giao thông vận tải; 0117 CAT-HAU – Đại học Kiến trúc Hà Nội; UTT – Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

Cuộc thi Thiết kế nhà chờ xe buýt An toàn – Thông minh – Thân thiện do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Giao thông vận tải nhằm tìm kiếm các giải pháp, ý tưởng thiết kế, xây dựng nhà chờ xe buýt thông minh, an toàn và thân thiện với hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, phụ nữ và trẻ em gái.

Ban Giám khảo của cuộc thi là đại diện các cơ quan chức năng và các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải: ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị; GS.TS Từ Sỹ Sùa – Nhà giáo ưu tú, Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải; ông Lưu Xuân Hùng - Ủy viên Ban Kiểm tra Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội; ông Nguyễn Thủy – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội; bà Phan Thu Hiền – Quản lý triển khai dự án viện trợ tổ chức Plan International Việt Nam; ông Vũ Văn Liệu – Bí thư Đoàn, Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ.

Mô hình thiết kế nhà chờ của UET-SFS.

Đại diện đội thi đầu tiên trong Vòng thi Sơ khảo của cuộc thi Thiết kế mô hình nhà chờ xe buýt An toàn – Thông minh – Thân thiện, nhóm trưởng Đàm Đình Hiệp của đội thi UET-SFS từ Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Cuộc thi là cơ hội giúp bản thân em có cơ hội được thuyết trình trước rất đông các thầy cô, các bạn. Sau 2 tuần, 10 thành viên trong đội chúng em đã hoàn thiện được mô hình này và rất kỳ vọng mô hình sẽ được ứng dụng vào thực tế. UET-SFS dựa trên các tiêu chí thân thiện với người dùng, thân thiện với môi trường. Tích hợp các yếu tố thông minh trong thiết kế: hệ thống giám sát như camera, chuông báo động, hệ thống loa phát thanh. Hệ thống cửa tự động đóng mở linh hoạt. Hệ thống thông báo lộ trình của xe và cập nhật tin tức. Hệ thống thông minh khác như: năng lượng sạch, lọc không khí.

Các đội thi đã đem đến nhiều ý tưởng mới lạ, sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường: gỗ pallet, nhôm cacbon... ứng dụng trồng cây trên mái để phủ xanh đô thị, tích hợp nhiều ứng dụng thông minh trong thiết kế nhà chờ xe buýt.

Đội thi đến từ Thành phố Hồ Chí Minh VLU ECO-CELL của Đại học Văn Lang với mong muốn đem đến mô hình thân thiện với môi trường (ECO) nên chọn thiết kế từ gỗ, tích hợp nhiều tiêu chí thông minh để đảm bảo cho mỗi mô hình nhà chờ sẽ là một “tế bào” (CELL) góp phần phát triển hệ thống giao thông vận tải.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các đội thi đến từ thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia vòng thi Sơ khảo qua các video clip.

Bạn Hồng Thanh và Thanh Tâm đại diện cho đội thi 20PLUS UTC đến từ Đại học Giao thông vận tải cho biết: “Mô hình nhà chờ của chúng tôi được thiết kế nằm trên vỉa hè, có vịnh đỗ cho xe buýt đón trả khách, đảm bảo an toàn cho hành khách khi lên xuống xe buýt và hạn chế gây cản trở cho các phương tiện khác lưu thông trên đường”. Điểm đặc biệt của mô hình là thiết kế thông thoáng hạn chế tối đa các góc khuất giúp tăng khả năng chạy trốn và tìm kiếm sự giúp đỡ. Mô hình sử dụng kính cường lực không chỉ bảo vệ cho hành khách khỏi những điều kiện xầu của thời tiết mà còn đảm bảo tiêu chí thấy và được thấy nhìn từ mọi hướng.

Nhóm với tên gọi ấn tượng Nồi cơm điện - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Nhà chờ xe bus mà nhóm chúng tôi thiết kế dựa trên ba tiêu chí: An toàn, Thông minh, Thân thiện. Về tiêu chí thông minh: Nhóm chúng tôi tập trung vào các sản phẩm công nghệ sẽ được áp dụng khi các bạn ngồi chờ xe bus. Với mô hình nhà chờ xe bus này thì mặt bên trái nhìn từ ngoài vào sẽ là mặt tra cứu các chuyến bus sắp đến, rất thuận tiện cho người sử dụng trong việc tìm kiếm các chuyến bus thích hợp với chuyến đi và có thể tiết kiệm được thời gian của mình.

Thiết kế nhà chờ hình cánh sen của ME7 HaUI.

Đội thi đến từ Đại học Công nghiệp hà Nội ME7 HaUI đem đến mô hình nhà chờ xe buýt với biểu tượng hình cánh sen, mang đậm dấu ấn của Việt Nam. ME7 HaUI tâm niệm: “Chúng tôi là người trẻ, chúng tôi sẵn sàng cống hiến để ngày mai tốt hơn ngày hôm nay”.

Đại diện cho Đại học Thủy Lợi, Nhóm trưởng Nguyễn Tùng Lâm của đội CK-TLU cho biết: Ngay từ khi biết thông tin về cuộc thi này, chúng tôi đã tập hợp thành một nhóm, lên ý tưởng, thiết kế bản vẽ và hoàn thiện trong vòng 2 tuần. Mô hình sa bàn này có 2 điểm nổi bật: một là hỗ trợ cho người khuyết tật có thể thuận tiện khi di chuyển lên xe buýt. Hai là hệ thống báo động khẩn cấp tại nhà chờ được bố trí bằng các nút ngay dưới các ghế ngồi, giúp mọi người cảm thấy an tâm hơn khi tham gia phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, mô hình nhà chờ còn sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống nhà vệ sinh thông minh, thùng rác…

Nhóm Đa sắc – Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội lựa chọn cái tên hết sức thú vị. Theo lý giải của cả nhóm thì Đa sắc có nghĩa là đá. Đá là nền móng cho các công trình đồng nghĩa với sự trường tồn cùng thời gian. Slogan của nhóm “Sáng tạo – tiên phong – trách nhiệm xã hội”. Điểm đặc biệt về công nghệ là sử dụng chip công nghệ GPS thế hệ mới đặt ở mỗi nhà chờ xe buýt. Sử dụng pin năng lượng mặt trời nhằm cung cấp điện năng sử dụng cho chính nhà chờ. Sử dụng hệ thống đèn năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng tái tạo để tạo ra dòng điện. Bảng thông tin thông minh, tích hợp với ứng dụng thông minh. Hệ thống Camera giám sát thông minh có thể nhận diện khuôn mặt kết hợp cùng nút bấm khẩn cấp và hệ thống đèn báo. Hệ thống sạc điện thoại, máy bán hàng tự động, mạng wifi chất lượng cao…Dựa trên cơ sở sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là Nhôm cacbon thấp.

Mô hình của đội thi 20PLUS UTC.

Luật – Kiến – Xây – Đại học Văn Lang sử dụng gỗ pallet thân thiện với môi trường, thiết kế giống với cấu trúc nhà của người Việt Nam có một gian chính và 2 gian phụ, có cây trên mái, sử dụng năng lượng mặt trời, có thiết kế để cho người khuyết tật, chỗ để đồ tránh thất lạc, móc túi, bố trí vị trí đỗ xe cho các tài xế xe ôm công nghệ… Là giải pháp tối ưu, giúp giao thông thành phố Hồ Chí Minh tránh được ùn tắc.

Đội XX-XXI từ Đại học Xây Dựng với slogan “Thời gian không lãng phí” các bạn đã dành ra 1 tuần khảo sát các trạm xe buýt ở Hà Nội; từ đó đưa ra giải pháp đưa cây xanh đến gần với mọi người, tạo môi trường trong lành hơn. Tích hợp tủ sách, cây xanh trong mô hình. Phần mái sử dụng kiến trúc lâu đời của Việt Nam là mái dốc và sử dụng hình ảnh của cầu Long Biên lấy cảm hứng cho thiết kế. Mô hình có những ô để sách và những chậu cây, chú trọng tái chế rác, nhựa, vỏ lon và đặc biệt là chai thủy tinh.

Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – Why Stop: “Không lo nắng, chẳng sợ mưa”. Mong muốn mang lại sự tiện ích, an toàn thoải mái nhất cho người sử dụng trạm chờ xe buýt. Giải pháp chia các khoang riêng biệt 3 khoang: dành cho người ưu tiên; phụ nữ và trẻ em và khoang chung cho mọi người. Về nút SOS được trang bị bên trong và bên ngoài; camera giám sát lưu hình ảnh trong vòng 30 ngày. Hệ thống đèn thông minh, bảng điện tử thông minh, cửa thông minh, hệ thống ghế, mái che dễ dàng mở rộng diện tích tùy vào nhu cầu và thời điểm sử dụng.

Đội Kiến xây – Đại học Xây Dựng đến với cuộc thi để trau dồi kinh nghiệm bản thân cũng như giao lưu với các bạn sinh viên khác trên khắp cả nước. Slogan của nhóm: “thiết kế nhỏ, niềm vui lớn”. Ý tưởng của nhóm là phối cảnh nhà chờ trong nội thành, ban ngày, ban đêm, tích hợp cây xanh trên mái, có thể ứng dụng với ngoại thành.

Nhà chờ xe buýt của CK-TLU.

Đến từ Đại học Giao thông vận tải – Nhóm Bus Stop là những sinh viên K60 Khoa Cơ khí. Slogan của nhóm: “Chúng tôi vì bạn, cùng nhau xây dựng một cuộc sống thân thiện, tiện ích và gần gũi”. Nhóm trưởng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: Về thiết kế chúng tôi chọn mái cong mềm mại, tinh tế trên từng đường nét kết hợp với tấm kính trong suốt. Vật liệu sử dụng là kết cấu thép, nhôm được coi là phương án tiết kiệm, chất lượng và phù hợp nhất. Về tiện ích, hệ thống đèn chiếu sáng được chú trọng nhằm giảm thiểu nguy hiểm từ việc mất cắp tài sản, nâng cao sự an toàn của người tham gia đặc biệt là bộ phận yếu thế là trẻ em gái và phụ nữ.

Lắp camera thông minh tích hợp khả năng đếm người, lắp đèn led thông báo các thông tin, thời gian 5 tuyến buýt sắp tới. Màn hình cảm ứng gồm nhiều tiện ích cho người dùng, lồng ghép video phòng, chống xâm hại tình dục, trẻ em giúp phổ biến kiến thức cho mọi người tham gia phương tiện giao thông công cộng.

Thân thiện với môi trường và với người dùng, biến nhà chờ xe buýt thành không gian công cộng sạch sẽ thì việc lắp đặt các hệ thống thùng rác được đặt lên hàng đầu. Thùng rác có 4 ngăn để phân loại rác thải. Bên cạnh đó, những yếu tố như trồng cây xanh trên mái cũng được chú trọng để làm đẹp cảnh quan, giúp phủ xanh không gian thành phố.

Đội thi 0117 – CAT HAU – Đại học Kiến Trúc lựa chọn phương châm thiết kế: "Nhiều hơn một giải pháp". Nói về thiết kế của đội mình, 0117 - CAT HAU nhấn mạnh: Dựa trên khảo sát thực tế sẽ thấy được nhiều vấn đề từ thực tế của nhà chờ xe buýt hiện tại, đưa ra các tiêu chuẩn. Đồng thời việc chia nhỏ không gian chức năng thành các module: khối công nghệ, khối ghế ngồi chờ; khối mở rộng. Các Module dễ dàng lắp đặt, chi phí rẻ.

Mô hình nhà chờ hình chiếc lá của UTĐại học Công nghệ Giao thông vận tải.

Khép lại cuộc thi, Đội UTT từ Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đem đến mô hình nhà chờ được thiết kế phần mái hình chiếc lá mang lại cảm giác tươi mát an toàn, được thiết kế dành cho tất cả mọi người có thể sử dụng như người gia, trẻ em, người khuyết tật. Có lắp đặt hệ thống bán vé được tối đa hóa dưới nhiều hình thức, tạo vé tích hợp với thanh toán thẻ ngân hàng…

Phát biểu tại cuộc thi PGS. TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: Thiết kế mô hình nhà chờ xe buýt với mục tiêu là An toàn – Thông minh – Thân thiện đáp ứng yêu cầu của sự phát triển chung của đô thị, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước. Trước yêu cầu đó, Trường Đại học Giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam cùng phát động Cuộc thi “Thiết kế mô hình nhà chờ xe buýt An toàn - Thông minh - Thân thiện”. Cuộc thi đã thu hút được 17 đội thi đến từ 13 trường Đại học trên địa bàn cả nước. Trong đó, 13 đội đến từ Hà Nội và 4 trường tại thành phố Hồ Chí Minh.

PGS. TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải phát biểu tại cuộc thi.

Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Chương: “Cuộc thi tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa khơi dậy sự sáng tạo của tuổi trẻ, mong muốn đóng góp cho cộng đồng. Cuộc thi cũng là sợi dây thu hút sự quan tâm chú ý của các cơ quan quản lý nói riêng và của toàn xã hội đến vấn đề an toàn của điểm dừng, nhà chờ xe buýt nói chung. Hiệu ứng của cuộc thi sẽ tác động sâu sắc đối với việc đi lại trong thành phố bằng phương tiện công cộng”.

Đại diện Ban Giám khảo, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc đại diện cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ: Đây là cuộc thi có ý nghĩa hết sức thiết thực. Xe buýt của Hà Nội so với yêu cầu thì còn nhiều cần cải tạo như: cải tạo chất lượng hạ tầng và dịch vụ trên hạ tầng. Hà Nội có hơn 2000 điểm dừng đỗ nhưng chỉ có hơn 300 nhà chờ chỉ tập trung ở nội thành trong khi đó ở ngoại thành thì rất thiếu. Tiêu chí An toàn – Thông minh – Thân thiện là xu hướng mà chúng tôi cũng hướng đến, là một nhu cầu rất thực tế cho hành khách”.

Đại diện Ban Giám khảo, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc đại diện cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ: Tôi rất bất ngờ trước các mô hình các sinh viên đem đến.

"Cuộc thi rất đa màu sắc, được đầu tư rất công phu. Gần như các bài thi bám rất sát với tiêu chí của cuộc thi từ ý tưởng đến thiết kế và các giải pháp đều bám sát tiêu chí: An toàn - Thông minh – Thân thiện. Các mô hình dự thi đa dạng trong ý tưởng, thiết kế và có tính khả thi cao. Các đồ án thiết kế do các bạn sinh viên – đối tượng sử dụng xe buýt thường xuyên, liên tục nên có nhiều ý tưởng hay và tiện ích trong nhà chờ… Chúng tôi mong muốn tiếp cận toàn bộ các ý tưởng này để triển khai trong thực tiễn” - ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh thêm.

Cuộc thi Thiết kế mô hình nhà chờ xe buýt An toàn - Thông minh - Thân thiện là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng Vụ Bình đẳng giới – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) đang thực hiện tại Hà Nội từ năm 2014 và ở cấp quốc gia từ năm 2017 với mục tiêu xây dựng các thành phố an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với trẻ em gái và nữ thanh niên.

Anh Vũ

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/lo-dien-nhung-mo-hinh-dep-doc-cua-17-doi-tai-vong-so-khao-cuoc-thi-thiet-ke-nha-cho-xe-buyt-113888.html