Lộ diện thế hệ F2 tại nhiều doanh nghiệp lớn

Những gương mặt được 'chọn mặt gửi vàng' cho vị trí CEO của không ít doanh nghiệp lớn sắp lộ diện. Áp lực 'lửa thử vàng' cũng đang chực chờ họ trong bối cảnh kinh tế đặc biệt này.

REE Corp vừa hoàn tất buổi lễ chuyển giao thế hệ tập đoàn cuối tuần qua. Ảnh: Đức Thanh

"Vén màn" người nối nghiệp

Cuối tuần qua, REE Corp - doanh nghiệp cơ điện lớn nhất trên thị trường, cũng là “ông lớn” tư nhân trong lĩnh vực năng lượng vừa hoàn tất lễ chuyển giao thế hệ tập đoàn. Ông Huỳnh Thanh Hải, Phó tổng giám đốc với hơn 26 năm làm việc tại REE Corp đã được lựa chọn vào vị trí Tổng giám đốc. Trước đó, Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết, tổng giám đốc mới đã được cử đi đào tạo tại nước ngoài 2 năm, đã trở về và sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Lần đầu tiên trong 33 năm hoạt động, ông Lê Viết Hải, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình rời bỏ vị trí người đứng đầu Ban điều hành, chuyển giao trọng trách này cho con trai. Ở độ tuổi 28, Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu nằm trong nhóm lãnh đạo doanh nghiệp trẻ nhất trên sàn niêm yết. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thời điểm bắt đầu gây dựng Hòa Bình từ con số 0 trở thành doanh nghiệp xây dựng với quy mô doanh thu hơn 18.600 tỷ đồng như hiện nay, ông Lê Viết Hải khi đó cũng chỉ mới bước sang tuổi 29.

“Chúng ta thường dùng từ ‘bọn trẻ’ để nói về họ. Nhưng chúng ta đã từng trẻ hơn họ khi bắt đầu hành trình này rất nhiều năm trước”, người sáng lập Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang chia sẻ như vậy trong ngày bổ nhiệm ông Danny Le vào vị trí Tổng giám đốc Masan hồi giữa tháng 6 vừa rồi.

Làn sóng thay đổi vị trí nhân sự cấp cao đã diễn ra mạnh mẽ một năm qua, ngay cả ở những “đế chế” mà tên tuổi gắn liền với cá nhân người sáng lập. Giống như cuộc chuyển giao trên thượng tầng cách đây hơn 2 năm tại một loạt ngân hàng do tuân thủ quy định, nguyên nhân trực tiếp của những thay đổi thượng tầng lần này xuất phát từ yêu cầu đáp ứng quy định quản trị công ty tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.

Theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP, hạn chót được phép kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc của cùng một công ty đại chúng là ngày 31/7/2020. Phạm vi áp dụng không chỉ là các doanh nghiệp niêm yết, mà là toàn bộ công ty đại chúng.

Tuy nhiên, dù có hay không quy định trên, việc chuyển giao quyền lực, chuẩn bị người kế nghiệp vẫn luôn là bài toán đặt ra với mọi doanh nghiệp, bởi “doanh nhân có tuổi còn doanh nghiệp cần trường tồn”. Đặc thù lịch sử khiến Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp 50 hay 100 tuổi, nhưng thời điểm hiện nay cũng là điểm rơi của làn sóng kế nghiệp tại không ít doanh nghiệp lớn Việt Nam.

Chưa kể, khi có thể tin tưởng chuyển giao công tác điều hành trực tiếp cho một cá nhân khác, người sáng lập công ty cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để làm chiến lược, nghiên cứu phát triển công ty. Nghị định 71/2017/NĐ-CP cũng chỉ là chất xúc tác đẩy nhanh hơn quá trình này.

Quan trọng là người phù hợp

Tại Masan, ông Danny Le đã có 10 năm làm việc. Từ người làm tài chính, ông dẫn dắt thương vụ sáp nhập Masan Nutri-Science vào Masan, có vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền tảng 3F (Feed-Farm-Food) tại Masan Nutri-Science và thúc đẩy việc chuyển đổi Masan Consumer từ một công ty thuần thực phẩm thành một công ty thực phẩm và đồ uống đa dạng. Dấu ấn của vị tân tổng giám đốc này còn ở trong mối quan hệ chiến lược giữa Masan Group với các đối tác lớn, hay các thương vụ M&A và huy động vốn khủng.

Người được chọn của Tập đoàn Hòa Bình cũng đến từ nội bộ. Ông Lê Viết Hiếu đã có 4 năm trực tiếp làm việc tại đây và đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo tầm trung.

“REE Corp đã tìm kiếm các ứng viên bên ngoài nhiều năm nay thông qua các đơn vị ‘săn đầu người’, nhưng không thành công”, bà Mai Thanh chia sẻ thêm. Ngoài giỏi kiến thức chuyên môn, hiểu văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng khi chọn người lãnh đạo, nên người nội bộ thường có lợi thế hơn.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp sẵn sàng mở cánh cửa đón “làn gió mới” từ bên ngoài. Chứng khoán VnDirect hồi đầu năm đã quyết định giao vị trí quyền Tổng giám đốc cho ông Đỗ Ngọc Quỳnh, người từng giữ vai trò quan trọng tại BIDV và Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam. Người sáng lập Phạm Minh Hương chỉ còn giữ vai trò Chủ tịch.

Ông Rahn Wood - một nhân sự Australia cũng không mấy xa lạ trong giới tài chính Việt Nam, từng đảm nhận các cương vị điều hành ở một số ngân hàng Việt Nam, đã được chọn giữ vị trí CEO của Tập đoàn Mai Linh. Trước đó, vị trí này do ông Hồ Huy, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc trong gần 30 năm hoạt động của doanh nghiệp vận tải taxi này đảm nhận.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực quản trị, mọi việc sẽ công bằng và dễ dàng hơn khi quyết định lựa chọn được thực hiện minh bạch. Người được ứng cử phải vạch ra lộ trình để triển khai chiến lược của doanh nghiệp, thuyết phục đa số nhân sự cấp cao tại cuộc họp công ty. Một khi người được chọn đã chứng tỏ được mình, nhiệm vụ của các thành viên khác trong ban điều hành là đi theo người thuyền trưởng và những bước đi đã vạch ra trước đó.

Ông Danny Le, trong những phát biểu khi đảm nhận cương vị mới, đã chia sẻ niềm tin mạnh mẽ về việc Masan sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên được thế giới công nhận là “kỳ lân ngành tiêu dùng”. Điều này không xa rời mục tiêu đã có trước đó của Masan. Vì vậy, không quan trọng chọn người gia đình hay người ngoài, hay rộng hơn là người trong nội bộ công ty hay từ bên ngoài, người được chọn là người phù hợp nhất để triển khai chiến lược đã được định ra của công ty.

Lửa “Covid-19” thử vàng

Đặt niềm tin vào người kế nghiệp, Chủ tịch Masan tin rằng, thế hệ trẻ của Masan đã sẵn sàng tiếp nhận sứ mệnh và thử thách trên con đường đang đi, kể cả ở thời điểm chuyển giao yếu tố “thiên nga đen” - dịch Covid-19 đang xáo trộn nền kinh tế toàn cầu.

Với Mai Linh, nhiệm vụ của ông Rahn Wood khi tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc không dễ dàng. Đến cuối năm 2019, Mai Linh còn khoản lỗ lũy kế 1.039 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2019 lỗ ròng 6,3 tỷ đồng. Vốn điều lệ bị ăn mòn đáng kể vì khoản lỗ cũng đẩy tỷ lệ nợ vay của Mai Linh lên gần 93%.

Sau khi nhận vai trò điều hành ở Mai Linh, vị CEO mới này còn tiếp tục “gặp khó”. Dịch Covid-19 mới chỉ khiến Việt Nam bước giai đoạn giãn cách xã hội chưa đến một tháng, nhưng đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành vận tải hành khách phải điêu đứng vì sụt giảm doanh thu.

Khó khăn và cơ hội là điều đang chực chờ thử lửa thế hệ F2 kế nghiệp ở bối cảnh hiện nay. Bên cạnh những khó khăn chung, Covid-19 là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nhìn lại, sẵn sàng thực hiện những thay đổi để có thể tồn tại và đi những bước bền vững hơn đến mục tiêu của doanh nghiệp. Khi không ít công ty bị định giá rẻ, đây còn là cơ hội tiềm năng cho các thương vụ M&A, thậm chí còn là cơ hội ngàn vàng để tham gia mua cổ phần các công ty mạnh ở nước ngoài, như gợi ý của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một hội nghị gần đây, nhất là với các “ông lớn” đã tích lũy được vốn, con người và kinh nghiệm như Masan hay REE Corp.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lo-dien-the-he-f2-tai-nhieu-doanh-nghiep-lon-d126471.html