Lộ diện vai trò thực của UCAV tàng hình Okhotnik?

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Okhotnik được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu cho tiêm kích thế hệ 6 đầu tiên của Không quân Nga.

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình (UCAV) Okhotnik của Nga vừa thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, đánh dấu giai đoạn mới của dự án tham vọng này sau lần xuất hiện trên đường băng của bài thử nghiệm mặt đất hồi đầu năm.

Chiếc máy bay không người lái này có thiết kế kiểu "cánh bay", nó sử dụng động cơ đẩy phản lực, trọng lượng khoảng 20 tấn, sải cánh của nó còn lớn hơn cả tiêm kích Su-57 và Su-35 cho dù chiều dài thân rất ngắn.

Trong lần thử nghiệm, Okhotnik được một chiếc Su-30SM bay kèm, nhiệm vụ có thể là làm mẫu đối chứng để so sánh các kết quả mà cảm biến trang bị cho chiếc UCAV này thu được để từ đó tiến hành các biện pháp hiệu chỉnh cần thiết.

Máy bay không người lái tàng hình Okhotnik được tiêm kích Su-30SM bay kèm trong chuyến thử nghiệm đầu tiên

Máy bay không người lái tàng hình Okhotnik được tiêm kích Su-30SM bay kèm trong chuyến thử nghiệm đầu tiên

Ông Denis Fetudinov - Tổng biên tập của tạp chí Aviation cho biết: "Mục tiêu tấn công của Okhotnik là các hệ thống phòng không, sở chỉ huy và trung tâm truyền thông đối phương", để làm được điều này chiếc UCAV sẽ có trí thông minh nhân tạo.

Đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, chiếc Okhotnik có khả năng tự động tiến hành các chuyến bay, thực hiện nhiệm vụ và quay trở lại căn cứ, đây là tính năng chưa từng có trên bất kỳ UCAV nào trên thế giới.

Thậm chí nền tảng UCAV Okhotnik còn được xem là tiền đề để người Nga phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 6 trong tương lai nhằm đuổi kịp chương trình PCA của Mỹ. Chiếc chiến đấu cơ này có khả năng bay với vận tốc siêu âm khoảng 1.400 km/h và kết nối được với tiêm kích thế hệ 5 Su-57.

UCAV tàng hình Okhotnik bị nhận xét thực chất chỉ là mẫu thử nghiệm công nghệ mà thôi

Mặc dù Nga tuyên bố Okhotnik là nguyên mẫu thực sự của tiêm kích thế hệ 6 nhưng điều này đã gây nghi ngờ cho các chuyên gia quân sự quốc tế, chủ yếu nằm ở việc phương tiện này sử dụng các thiết bị có sẵn như động cơ AL-31F trang bị cho dòng Su-27 hay các bề mặt thiết kế khá thô và số lượng cảm biến thí nghiệm dày đặc.

Phần lớn các ý kiến hiện nay cho rằng thực chất chiếc Okhotnik được Nga tạo ra như một mẫu đối chứng công nghệ mà thôi, nó sẽ tiến hành các thử nghiệm cần thiết để từ đó tạo ra kết quả đo đạc nhằm tiến hành hiệu chỉnh.

Dựa trên các kết quả mà Okhotnik mang lại, Nga sẽ xây dựng một nguyên mẫu UCAV tàng hình thực sự với những trang thiết bị được thiết kế riêng biệt chứ không phải "vay mượn" từ các máy bay khác rồi "đắp" lên chiếc Okhotnik như hiện nay.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/lo-dien-vai-tro-thuc-cua-ucav-tang-hinh-okhotnik-3385909/