Lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa không ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt TP Đà Nẵng

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã có công văn gửi HĐND và UBND TP Đà Nẵng bày tỏ lo ngại về dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, vì cho rằng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Yên, nguồn cấp nước cho người dân Đà Nẵng.

Qua tìm hiểu được biết, lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa là 1 trong 3 khu xử lý rác thải tập trung trọng tâm của tỉnh Quảng Nam, có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề rác thải đô thị, vệ sinh môi trường cho các huyện phía Bắc của tỉnh sau khi khu xử lý rác thải chôn lấp tại xã Đại Hiệp đóng cửa. Công suất của lò đốt khoảng 240 tấn/ngày đêm, gồm 2 modul. Dự án có diện tích sử dụng 7ha, trong đó 4ha là đường giao thông vào khu xử lý, 3ha là khu nhà máy xử lý rác thải, với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng, thời gian thực hiện 50 năm.

Vị trí dự kiến đặt lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa.

Vị trí dự kiến đặt lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, báo chí đã thông tin việc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng gửi HĐND, UBND TP Đà Nẵng về đề nghị can thiệp với chính quyền tỉnh Quảng Nam đối với dự án lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa, vì lo sợ nguy cơ gây ô nhiễm xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang và nguồn nước tại đập dâng An Trạch trên sông Yên, ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng.

“Khi biết được thông tin này, tôi khá ngạc nhiên. Và mặc dù đã đi thực tế khu vực đặt lò đốt rác Đại Nghĩa rồi, nhưng với tinh thần cầu thị và để chắc chắn hơn, ngày 25-5, tôi cũng đi khảo sát lại một lần nữa, từ vị trí đặt lò đốt rác đến điểm tiếp cận gần nhất của sông Yên và đến khu vực sông thuộc đập dâng An Trạch”, ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, vị trí lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa cách khu xử lý rác Đại Hiệp 400m về phía Tây, thuộc khu núi thấp nơi người dân đang trồng keo, cách nhà dân gần nhất của xã Đại Nghĩa theo đường chim bay 1.100m, cách nhà dân gần nhất thuộc xã Hòa Khương hơn 4.000m (so với quy chuẩn 500m).

Lò đốt rác này sử dụng công nghệ lò đốt RS-VINABIMA-5000 có công suất tối đa 240 tấn/ngày, giai đoạn đầu khoảng 150 tấn/ngày, đây là một trong những công nghệ đốt tiên tiến và phù hợp nhất hiện nay trong điều kiện của Việt Nam, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được áp dụng rất thành công về xử lý rác thải cho các tỉnh, thành phố trong nước như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội...

Chủ đầu tư dự án là Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam và các cơ quan quản lý môi trường, công nghệ tỉnh Quảng Nam đã đi thực tế kỹ các địa phương có lò đốt theo công nghệ này trước khi quyết định lựa chọn. Hoạt động của lò đốt tại các địa phương này được giám sát nghiêm ngặt, kết quả phân tích mẫu luôn đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.

Ông Thanh nhấn mạnh: “Nước thải từ dự án vừa rất ít (tối đa 65m³/ngày), vừa được xử lý tuần hoàn, không xả ra bên ngoài (quá nhỏ so với dung tích hồ chứa). Điều này có thể khẳng định về cơ bản không có nước bẩn do hoạt động của lò đốt rác xả thải ra môi trường, vậy thì lấy đâu ra nước đổ về sông Yên?

Chưa kể do địa hình nên hướng thoát nước mặt của lưu vực này (chỉ có nước khi trời mưa) đều tập trung về trữ tại đập Mười Tấn cách đó 1.200m. Vì vậy, lo lắng của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng là quá xa và không phù hợp với thực tế”.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/lo-dot-rac-thai-sinh-hoat-dai-nghia-khong-anh-huong-nguon-nuoc-sinh-hoat-tp-da-nang-546646/