Lo “gà nhà đá nhau” trong vụ kiện chống bán phá của DN Việt

Sau khi Bộ Công Thương chấp nhận vụ Công ty TNHH Posco VST (viết tắt là Posco) và Cty CP Inox Hòa Bình (Inox Hòa Bình) kiện yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam, có nhiều DN nhập khẩu thép cán nguội đã lên tiếng cho rằng, các DN này đang tham vọng độc quyền.

Liệu vụ kiện chống bán phá giá mà Inox Hòa Bình và Posco đang thực hiện có mở ra tiền lệ cho các DN Việt Nam khi sử dụng công cụ phòng vệ này?

Cơ quan hữu trách chậm trễ thông tin, DN thụ động

Phản ứng của ông Đàm Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Cty CP Quốc tế Sơn Hà, được nhiều chuyên gia cho là điều tất nhiên trong mỗi vụ kiện chống bán phá giá, bởi một khi áp dụng biện pháp này để bảo vệ sản xuất trong nước thì sẽ tác động đến quyền lợi của các nhà nhập khẩu liên quan.

Ông Hùng kể ra các mốc thời gian của sự việc để bày tỏ sự quan ngại, rằng Posco và Inox Hòa Bình là nguyên đơn kiện các xuất khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Nhưng dù Bộ Công Thương chính thức tiếp nhận đơn từ ngày 6/5, mãi cho đến tận đến 27/5, tức là sau 3 tuần, Bộ mới có thông tin chính thức trên trang điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh.

“Các bị đơn là các đối tác của chúng tôi phàn nàn, do thông tin không được cập nhật kịp thời khiến họ “mù thông tin” – ông Hùng nói – “Chúng tôi được biết, đối với những vụ kiện về chống bán phá ngành thép ở Mỹ về ống thép có tráng kẽm và ống thép không gỉ và ống dầu, ngay trong ngày tiếp nhận đơn, họ sẽ công bố thông tin đầy đủ trên trang thông tin của cơ quan chức năng”.

Đến ngày 2/7, vụ kiện chính thức được đưa vào giai đoạn điều tra. Ngày 18/7, tất cả các bên liên quan phải trả lời bảng câu hỏi. Dự kiến, ngày 12/10, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) sẽ đưa ra kết luận sơ bộ của vụ việc này. Nếu cần thiết, có thể gia hạn thêm 60 ngày.

“Chúng tôi đóng hai vai, vừa là nhà nhập khẩu nhưng chúng tôi cũng là nhà sản xuất trong nước, vì chúng tôi có dây chuyền sản xuất thép cán nguội. Vì thế, chúng tôi là người có quyền lợi liên quan đến vụ việc này” – ông Hùng nói – “Chúng tôi cho rằng việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như áp dụng biện pháp chống bán phá giá là việc rất bình thường đối với DN và các chủ thể kinh doanh trong môi trường kinh doanh toàn cầu như hiện nay”...

Ba quan ngại về vụ kiện

Tuy nhiên, có ba quan ngại được ông Hùng đưa ra. Thứ nhất, về các chủng loại sản phẩm, trong đơn của Posco và Inox Hòa Bình khởi kiện sản phẩm thép không gỉ cán nguội, theo mã HS cụ thể, vậy cũng là sản phẩm thép không gỉ cán nguội cùng mã HS nhưng khác nhau về độ dày, bề mặt thì liệu có nằm trong đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá không?

Một phân vân khác là Inox Hòa Bình có đủ tư cách đứng nguyên đơn hay không, khi dây chuyền đang sản xuất thử và chưa hề có sản phẩm thương mại ra thị trường. Còn Posco là DN FDI ở Việt Nam, đang chiếm thị phần lớn, giờ cộng với việc được bảo vệ thì có “động chạm” đến các quy định của pháp luật về chống độc quyền hay không?

Ngoài ra, như trong văn bản một số DN thép đã gửi lên Cục Quản lý cạnh tranh, có những chủng loại các DN trong nước bắt buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài vì Posco không sản xuất được, và vì thế các DN có thể bị đối diện với thuế hồi tố hoặc sau này áp dụng thuế chống bán phá giá, kể từ khi có quyết định chính thức.

Và hiện nay, các DN này cũng phải chuyển dịch những chủng loại hàng hóa, mà mua của Posco với giá không cạnh tranh, sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Điều đó dẫn đến người tiêu dùng sẽ phải mua sản phẩm với giá cao hơn, nhu cầu người tiêu dùng giảm, sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất cũng như vấn đề lao động của DN.

Đặc biệt, đối với những nhà xuất khẩu đã ký hợp đồng cung cấp, những công trình đã được đấu thầu, cũng sẽ làm đẩy giá đầu tư lên cao, nguy cơ DN xuất khẩu thép thua lỗ. “Chúng tôi mong muốn nói lên nỗi lòng của mình, để Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra quyết định phù hợp. Bởi theo Điều 5.4 của Pháp lệnh số 20 thì chúng ta phải cân bằng lợi ích đối với lợi ích xã hội, vì nhóm ngành đó có thể ảnh hưởng tới nhóm ngành khác hoặc quyền lợi của người tiêu dùng” – ông Hùng nói.

Có thực sự bảo vệ sản xuất trong nước?

Theo ông Hùng, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ cán nguội trong trường hợp này sẽ dẫn tới rất nhiều hệ quả ảnh hưởng xấu tới thị trường ngành thép không gỉ tại Việt Nam. Cụ thể, trong ngành sản xuất thép tại Việt Nam hiện nay, Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox (2 DN khởi kiện) đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường với khoảng 30% thị phần.

Nếu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước theo đơn kiện sẽ dẫn tới thực tế hai Công ty POSCO VST và Hòa Bình Inox có thể sử dụng lợi thế thị phần để đẩy giá mặt hàng thép lên cao vì không có sự cạnh tranh ngang bằng. Quan trọng nhất là người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao cho các sản phẩm từ thép.

Do đó, ông Hùng đã đặt dấu hỏi rằng, việc kiện chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội có thực sự nhằm bảo vệ ngành sản xuất sản phẩm thép không gỉ cán nguội trong nước?

Bởi lẽ, nguyên đơn là Posco và Inox Hòa Bình, nhưng thực tế Inox Hòa Bình chưa sản xuất thương mại sản phẩm. Nguồn nguyên liệu sản xuất thép không gỉ cán nguội được Posco nhập khẩu chủ yếu từ Posco Hàn Quốc. Hơn nữa, tại sao Posco và Inox Hòa Bình không tiến hành khởi kiện Thái Lan trong vụ kiện này?. Phải chăng, do nhà máy Thainox tại Thái Lan mới được chính Posco thâu tóm mua lại vào năm 2011.

Các công ty vệ tinh của Posco tại Việt Nam vẫn đang nhập khẩu thép không gỉ cán nguội với số lượng lớn từ Thainox để đưa về Việt Nam nhằm kiếm lời .... Liệu trong hoạt động của Posco có hiện tượng chuyển giá mà các cơ quan hữu trách và dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua?.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI):

Cơ quan điều tra sẽ không xem xét động cơ đằng sau vụ việc

Ở góc độ pháp lý, cơ quan điều tra sẽ xem xét động cơ, nguyên nhân đứng đằng sau vụ việc này. Còn việc kiện lúc nào, là quyền của nguyên đơn.

Về quan ngại, liệu công cụ phòng vệ mà DN chúng ta sử dụng là nhằm giấu đi việc chuyển giá?. Ở đây, cơ quan điều tra chỉ tập trung vào ba điều kiện: thứ nhất, có việc bán phá giá hay không; thứ hai, ngành sản xuất trong nước có thực sự bị thiệt hại; thứ ba, thiệt hại đó có do nguyên nhân bán phá giá gây ra.

WTO cũng quy định ba điều kiện này, đồng thời, có khuyến khích các nước áp dụng thêm điều kiện: có phù hợp với lợi ích của cộng đồng, lợi ích kinh tế xã hội của nước áp dụng hay không.

Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện bắt buộc, và rất là mừng, Việt Nam công nhận điều kiện này. Đây là thuận lợi cho các công ty liên quan như Sơn Hà để chứng minh rằng, dù đủ ba điều kiện bắt buộc nói trên thì việc áp dụng này cũng gây thiệt hại lợi ích kinh tế xã hội của Việt Nam.

Lưu ý, kiện chống bán phá giá hay kiện phòng vệ thương mại nói chung, về mặt nguyên tắc, là công việc thuần túy kỹ thuật pháp lý. Vì thế, khi chúng ta tham gia bảo vệ lợi ích của mình, kể cả bên đi kiện, bên bị kiện và các bên liên quan phải tuân thủ các điều kiện về mặt pháp lý.

Mai Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-noi/201308/Lo-ga-nha-da-nhau-trong-vu-kien-chong-ban-pha-cua-dN-Viet-2080961/