Lô hàng vi phạm của Ô mai Hồng Lam bị cấm bán

Cục vệ sinh an toàn thực phẩm đã yêu cầu đơn vị kinh doanh dừng lưu thông sản phẩm ô mai Hồng Lam. Đối với đơn vị sản xuất hãng ô mai này đã bị xử phạt 8.360.000 đồng.

Ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm đã yêu cầu đơn vị kinh doanh dừng lưu thông sản phẩm ô mai Hồng Lam. Cục đã quyết định xử phạt 8.360.000 đồng đối với đơn vị sản xuấtô mai này vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đó, ô mai của Công ty CP Hồng Lam (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) bị phát hiện không đạt về chỉ tiêu Saccarin và hàm lượng Cyclamate (đường hóa học) như công bố. Cụ thể, hàm lượng Cyclamate còn vượt quá mức giới hạn công bố tới 8,3 lần, Saccarin vượt quá 6,5 lần công bố.

Cục vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu dừng lưu thông sản phẩm ô mai Hồng Lam.

Theo ông Lê Văn Giang, chất tạo ngọt (đường hóa học) là phụ gia nằm trong danh mục được phép sử dụng trong sản xuất. Tuy nhiên nếu sử dụng quá chỉ tiêu cho phép, chất này không được đào thải ra khỏi cơ thể, sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, đặc biệt có hại cho gan và thận.

Cũng theo vị lãnh đạo này, Cục cũng đang chỉ đạo kiểm tra tất cả các loại mứt, ô mai trên toàn quốc về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Như đã đưa tin, trong cuộc kiểm tra vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã lấy 14 mẫu bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau như: nem giòn, xúc xích, các loại rau, thịt lợn, mứt tết, ô mai… phát hiện 3 mấu không đạt tiêu chuẩn.

Mẫu ô mai Hồng Lam nói trên được lấy tại siêu thị Big C Thăng Long, TTTM Garden (đường Mễ Trì) Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, đại diện hãng sản xuất ô mai Hồng Lam xác nhận sự việc. Tuy nhiên, vị này cho biết đó chỉ là một lô hàng nhỏ (khoảng vài chục hộp). Vị đại diện truyền thông giải thích, đây là lô hàng nhỏ bị sai sót trong khâu kỹ thuật, cộng với yếu tố thời tiết khiến sản phẩm bị cô lại gây hỏng.

Đường Cyclamate có tên khoa học là Sodium Cyclamate, là một chất làm ngọt, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước, có thể tạo vị ngọt gấp 30 – 50 lần đường mía.Năm 1937, nghiên cứu sinh Michael Sveda của trường Đại học Illinois (Hoa Kỳ) phát hiện ra. Năm 1958, Cyclamate được được bán trên thị trường Hoa Kỳ ở dạng viên hoặc dạng lỏng để sử dụng cho các các bệnh nhân tiểu đường.Đồng thời, nó cũng được dùng như một sản phẩm thay thế đường mía và được gọi với cái tên là “Sucaryl”. Đến năm 1966, nổ ra những tranh cãi về việc có tiếp tục cho sử dụng đường Cyclamate nữa không khi có báo cáo rằng, một số khuẩn đường ruột dưới tác động của Cyclamate sẽ làm sản sinh chất độc Cyclohexylamine. Hợp chất này bị nghi ngờ có một số độc tính với động vật. Thậm chí, một số thông tin còn cho biết, qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy Cyclohexylamine làm phì đại tinh hoàn của chuột nhắt trắng.

Xuân Tùng

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/lo-hang-vi-pham-cua-o-mai-hong-lam-bi-cam-ban-a131791.html