Lỡ hẹn 7 năm, mạng di động ảo đầu tiên tại Việt Nam tái xuất với 'bạn đồng hành' mới

Với đầu số 087, hôm nay (25/4) Indochina Telecom chính thức trở thành doanh nghiệp thứ 6 trên thị trường viễn thông Việt Nam sau Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và G-tel.

Đông Dương Telecom trước mắt sẽ đưa ra sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên cái tên Đông Dương Telecom (Indochina Telecom) xuất hiện ở thị trường viễn thông trong nước.

Ngày 19/8/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động cho Công ty Đông Dương Telecom. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình bán lại dịch vụ đầu tiên trong lĩnh vực di động của Việt Nam.

Tại thời điểm đó, theo kế hoạch, Đông Dương Telecom sẽ chia sẻ và sử dụng chung mạng vô tuyến 3G với Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) trong thời gian đầu tiên. Mạng di động này cũng được chuyển vùng (roaming) với các mạng viễn thông di động mặt đất công nghệ GSM (2G và 2,5G) cho khách hàng Việt Nam tại nước ngoài trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước mà dịch vụ được cung cấp.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đây là loại hình dịch vụ mới, nên muốn thành công, chắc chắn các doanh nghiệp như Đông Dương Telecom phải có sự phối hợp, trợ giúp của các mạng di động khác, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Việc hợp tác bán lại dịch vụ này phải dựa trên cơ sở đàm phán và đảm bảo lợi ích giữa các bên để tạo thành công cho các doanh nghiệp.

Không may, thời điểm đó, Đông Dương Telecom đã lỡ hẹn với thị trường viễn thông Việt Nam khi sau 3 năm được cấp phép vẫn chưa thể cung cấp mạng di động ảo trên thị trường. Đến năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thu hồi giấy phép của công ty này.

Sau 7 năm, Đông Dương Telecom đã trở lại với người "bạn đồng hành" mới - VinaPhone. Theo ông Lưu Anh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom, sở dĩ Đông Dương Telecom lựa chọn triển khai dịch vụ trên hạ tầng mạng VinaPhone vì việc hợp tác giữa nhà mạng có hạ tầng và nhà mạng không có hạ tầng phải dựa trên thỏa thuận thương mại giữa hai doanh nghiệp trên quan điểm đôi bên cùng có lợi. Thỏa thuận này phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp có hạ tầng mạng.

Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam gọi là di động ảo hay còn gọi là mạng viễn thông di động mặt đất không có tần số (Mobile Virtual Network Operator - MVNO). Mạng di động theo mô hình này xuất hiện lần đầu tiên năm 1999 tại Anh và đang dần trở nên phổ biến với hơn 400 nhà cung cấp đang hoạt động trên toàn thế giới.

MVNO có thể đem đến những mạng lưới phân phối bán lẻ và các kênh bán hàng trực tuyến có khả năng thúc đẩy khách hàng qua những phương thức kinh doanh khác nhau. Khi các MVNO đưa ra những dịch vụ di động giá trị gia tăng, các đối tác cũng được hưởng lợi từ chia sẻ nguồn tài nguyên này.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, thách thức lớn nhất với các mạng di động ảo là làm sao cung cấp được dịch vụ tốt với chi phí cạnh tranh trên thị trường di động.

Được biết, trước mắt, Đông Dương Telecom giới thiệu sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Linh Nga

Bạn đang đọc bài viết Lỡ hẹn 7 năm, mạng di động ảo đầu tiên tại Việt Nam tái xuất với “bạn đồng hành” mới tại chuyên mục Khoa Học - Công nghệ của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/lo-hen-7-nam-mang-di-dong-ao-dau-tien-tai-viet-nam-tai-xuat-voi-ban-dong-hanh-moi-149109.html