Lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, các công ty nông lâm nghiệp chật vật cổ phần hóa

Hiện tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới 1.071 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. Hoạt động kém hiệu quả, quy mô nhỏ bé và hàng loạt vướng mắc khác khiến quá trình CPH của các công ty này diễn ra chậm chạp.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015–2016; nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020, diễn ra sáng nay (14/7), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho hay, cả nước hiện có 254 công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, trong đó có 120 công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 134 công ty lâm nghiệp.

Đến ngày 30/6/2016, Bộ NN&PTNT đã tổ chức thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty và Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt cho 243 công ty. Trong đó, có 47/73 công ty TNHH MTV nông nghiệp chuyển thành công ty cổ phần, 26/30 công ty TNHH MTV lâm nghiệp chuyển thành công ty cổ phần, 15/20 công ty TNHH MTV lâm nghiệp chuyển thành công ty hai thành viên trở lên. Có 8 công ty TNHH MTV nông nghiệp và 2 công ty TNHH MTV lâm nghiệp thực hiện giải thể…

Hầu hết tại các địa phương, tổng công ty, bộ ngành, việc cổ phần hóa các công ty này đều gặp nhiều khó khăn. Ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, cổ phần hóa trên địa bàn tỉnh chậm, chủ yếu do các doanh nghiệp nông lâm nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu hoặc có số nợ phai trả quá cao, đặc biệt là một số công ty cà phê. “Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ kéo dài của các công ty nông lâm nghiệp đã ảnh hưởng tới việc chào bán cổ phần cho doanh nghiệp. Chưa kể, các công ty này còn gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý những tồn tại tài chính từ trước.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính tới cuối tháng 12/2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty này là trên 40.500 tỷ đồng. Bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm (2012 – 2014) đạt gần 2.797 tỷ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới gần 1.100 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. Số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp, với nhiều đơn vị lỗ trên 20 tỷ đồng như: Công ty TNHH MTV các phê Ia Châm lỗ 52 tỷ; Công ty TNHH MTV cà phê Ea Tul 40 tỷ; Công ty TNHH MTV cà phê Chư Quynh 33 tỷ; Công ty THNN MTV cao su Mang Yang 39 tỷ,Tổng công ty 15 – Bộ Quốc phòng lỗ lũy kế lên tới 334 tỷ.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, những công ty có số lỗ lũy kế vượt quá 3/4 vốn chủ sở hữu sẽ đều thực hiện giải thể. Đến nay đã có 8 công ty nông nghiệp và 2 công ty lâm nghiệp tiến hành giải thể.

Còn theo báo cáo của NHNN, dư nợ vay của các công ty nông, lâm nghiệp tại 96 tổ chức tín dụng đã lên tới gần 6.500 tỷ đồng (tính tới cuối tháng 3/2016), chủ yếu là dư nợ vay trung, dài hạn. Riêng dư nợ vay của các công ty nông nghiệp trên 5.400 tỷ đồng. Nợ xấu của các công ty nông lâm nghiệp chiếm tỷ lệ không lớn, song lại rất khó đòi.

Cụ thể, nợ xấu của các coongty nông lâm nghiệp là 38,33 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ. Các tổ chức tín dụng đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và hạch toán ngoại bảng đối với khoản dư nợ gần 340 tỷ đồng tại 23 công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc thu nợ của nhóm này gặp nhiều khó khăn do các công ty chỉ hoạt động cầm chừng, tình hình tài chính mất cân đối và không có nguồn trả nợ ngân hàng.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp là một chủ trương đúng đắn, nhưng thực tế triển khai lại chậm, chưa đạt yêu cầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang quyết liệt vào cuộc và sẽ“ốp” các công ty nông lâm nghiệp nhanh chóng tiến hành sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lo-hon-1000-ty-dong-cac-cong-ty-nong-lam-nghiep-chat-vat-co-phan-hoa-d48417.html