Lỗ hổng an ninh trong vụ ông Abe bị bắn

Lực lượng an ninh mỏng, thiếu cảnh giác, trong khi đám đông có thể đến quá gần là những lỗ hổng khiến tay súng có thể áp sát để bắn ông Shinzo Abe.

"Ở Nhật Bản, các vụ nổ súng cực kỳ hiếm. Điều nghịch lý là thực tế này lại khiến kẻ ám sát ra tay dễ dàng đến vậy", William Cleary, chuyên gia luật hình sự tại Đại học Hiroshima Shudo, Nhật Bản, nhận định về lỗ hổng an ninh trong vụ cựu thủ tướng Shinzo Abe bị bắn hôm nay.

Lần gần nhất một thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm hoặc cựu thủ tướng bị ám sát là 90 năm trước. Các vụ phạm tội và bạo lực sử dụng súng ở Nhật Bản rất hiếm khi xảy ra, do chính sách kiểm soát súng đạn ở nước này được thực thi rất nghiêm ngặt.

Theo GunPolicy, trang tổng hợp thông tin về chính sách kiểm soát súng trên thế giới, tính đến năm 2019, Nhật, quốc gia với hơn 125 triệu người, có khoảng 310.400 khẩu súng lưu hành trong dân. Tỷ lệ sở hữu súng ở nước này là 0,25% dân số, một trong những mức thấp nhất thế giới.

Hiện trường nơi ông Abe bị bắn tại thành phố Nara hôm 8/7. Ảnh: Reuters.

Hiện trường nơi ông Abe bị bắn tại thành phố Nara hôm 8/7. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản năm ngoái ghi nhận 10 vụ án liên quan đến súng, trong đó có một người thiệt mạng. Khu vực Tokyo trong năm qua không xảy ra bất kỳ vụ án nào liên quan đến súng, theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia.

Chuyên gia Cleary cho rằng thực tế này nhiều khả năng đã tạo ra tâm lý chủ quan, mất cảnh giác của lực lượng an ninh bảo vệ cựu thủ tướng Abe khi ông tới thành phố Nara hôm nay để diễn thuyết trước cửa nhà ga địa phương. Đây là một phần trong chương trình vận động bầu cử vào Thượng viện của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

Video và hình ảnh thời điểm trước khi ông Abe bị bắn cho thấy đám đông lớn vây quanh cựu thủ tướng Nhật ở khoảng cách gần, trong khi đội cận vệ của ông chỉ có vài người. Họ là các thành viên lực lượng Cảnh sát An ninh, thuộc Sở Cảnh sát Tokyo, chuyên bảo vệ yếu nhân ở nước này.

Tuy nhiên, họ không có bất cứ động thái nào nhằm đảm bảo khoảng cách giữa ông Abe và đám đông. Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, cựu quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, đã cầm theo khẩu súng hai nòng tự chế trà trộn vào đám đông, tiếp cận ông Abe ở khoảng cách 5 m trước khi ra tay.

Video tại hiện trường cho thấy sau khi Yamagami nổ phát súng đầu tiên, các cận vệ xung quanh ông Abe gần như không có phản ứng gì. Trong lúc họ đang tìm cách xác định điều gì đang diễn ra, nghi phạm bắn phát thứ hai, khiến ông Abe gục xuống.

Chỉ đến lúc này, các cận vệ mới lao vào khống chế nghi phạm bằng tay không. Họ mang súng bên hông, nhưng không rút ra. Trong nhóm cận vệ bảo vệ ông Abe có ít nhất một người trang bị khiên chống đạn, nhưng không triển khai.

"Lưới an ninh rõ ràng quá sơ hở. Vụ ám sát chắc chắn sẽ khiến giới chức Nhật Bản siết chặt an ninh hơn nữa, đặc biệt đối với những buổi diễn thuyết ngoài trời do nước này đang trong mùa bầu cử", Cleary nhận định.

Giây phút nghi phạm tiếp cận và nổ súng về phía ông Abe sáng 8/7. Video: Twitter/DKUTON.

Tobias Harris, chuyên gia về Nhật Bản và từng viết sách về Shinzo Abe, nhận định chính trị gia tiếp xúc gần với cử tri là nét văn hóa chính trị phổ biến tại nước này.

"Ông ấy là cựu thủ tướng có tên tuổi, nên vẫn được bố trí nhiều nhân viên an ninh hơn. Tuy nhiên, đội an ninh được bố trí cho ông ấy không thể so sánh với một chính trị gia có vị trí tương tự tại Mỹ", Harris nói.

Paul Nadeau, biên tập viên tạp chí Tokyo Review và giảng viên Đại học Temple của Nhật Bản, kể ông từng có mặt ở một số sự kiện vận động cử tri của ông Abe. Điểm đặc trưng trong những buổi tiếp xúc giữa cựu thủ tướng Nhật Bản và người dân là mật độ nhân viên an ninh thấp, người dân được tụ tập gần vị trí ông phát biểu.

"Cảm giác nguy hiểm hay bất an không bao giờ xuất hiện. Sự gần gũi và cởi mở trong các sự kiện này vốn là điều khiến tôi luôn thích thú về chính trị Nhật Bản", Nadeau cho biết.

Cận vệ tay không lao vào khống chế tay súng Tetsuya Yamagami (áo xám) tại hiện trường. Ảnh: AFP.

Mức độ an ninh dành cho yếu nhân chính trị là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Trong bài viết năm 2015, Nikkei Asia nhận định Nhật Bản "cần lực lượng an ninh mạnh mẽ hơn so với đội ngũ cảnh sát chỉ được trang bị súng ngắn tiêu chuẩn, đặc biệt là khi bảo vệ yếu nhân".

Cảnh sát bảo vệ quốc hội cũng được trang bị súng ngắn. Các lực lượng phản ứng nhanh và chống khủng bố của cảnh sát Nhật Bản, gồm SWAT và ERT, được trang bị súng liên thanh, nhưng chỉ được triển khai trong tình huống đặc biệt khẩn cấp, thường là sau khi sự cố an ninh đã xảy ra.

Đây không phải là lần đầu tiên một chính trị gia Nhật Bản bị tấn công. Năm 1932, Thủ tướng Tsuyoshi Inukai bị một sĩ quan hải quân sát hại trong phòng làm việc, khi phe ủng hộ quân phiệt muốn kích động chiến tranh Nhật - Mỹ. Lần gần nhất một chính trị gia Nhật Bản bị bắn chết là năm 2007, khi thị trưởng thành phố Nagasaki trúng đạn trước một nhà ga địa phương.

Cựu thủ tướng Nobusuke Kishi, ông ngoại của ông Shinzo Abe, bị một kẻ có liên hệ với các nhóm cực hữu tại Nhật Bản ám sát hụt vào năm 1960. Người này đã dùng dao tấn công ông Kishi tại văn phòng làm việc.

Benoit Hardy-Chatrand, giảng viên Đại học Temple, cho rằng vụ nổ súng ở Nara là sự kiện "đau thương và khó tin". Ông chia sẻ vụ ám sát là thông tin vô cùng lạ lẫm với cuộc sống thường ngày ở Nhật Bản.

"Chúng tôi chưa từng gặp bạo lực liên quan đến súng. Đây là một trong những nơi có tỷ lệ án mạng thấp nhất thế giới. Sự kiện hôm nay khiến mọi người bàng hoàng, đặc biệt vì nạn nhân là Shinzo Abe, một trong những chính trị gia quan trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến", ông nói.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/lo-hong-an-ninh-trong-vu-ong-abe-bi-ban-3194843.html