Lỗ hổng 'chết người' trong luật súng đạn của New Zealand

Sau vụ xả súng kinh hoàng ở Christchurt, New Zealand, mà nghi phạm được biết là sở hữu súng một cách hợp pháp, Chính phủ nước này cho biết, siết chặt quản lý súng đạn sẽ là chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu…

Ở New Zealand, quy định về sở hữu súng đạn đơn giản tới mức, người sở hữu súng ở nước này chỉ cần có giấy phép là có thể mua và sở hữu súng mà không cần đăng ký số lượng súng với các nhà chức trách. Bởi vậy, bất cứ công dân nào được cảnh sát nước này coi là “phù hợp” đều có thể sắm bao nhiêu khẩu súng tùy thích mà không cần đăng ký khẩu súng mình có.

Chính lỗ hổng này khiến New Zealand khó mà thống kê chính xác có bao nhiêu khẩu súng đang được lưu hành hợp pháp và bất hợp pháp ở nước này. Cảnh sát New Zealand ước tính có tổng cộng khoảng 1,2 triệu khẩu súng đang được sở hữu trên cả nước, đồng nghĩa với việc cứ 3 người dân New Zealand lại có 1 khẩu súng.

 Sự tức giận được trút lên một tấm biển quảng cáo của công ty bán vũ khí Gun City, trên đó hai đứa trẻ đang được dạy cách bắn súng. Ảnh: Getty Images.

Sự tức giận được trút lên một tấm biển quảng cáo của công ty bán vũ khí Gun City, trên đó hai đứa trẻ đang được dạy cách bắn súng. Ảnh: Getty Images.

Một lỗ hổng nữa dễ bị lợi dụng là người sở hữu vũ khí vẫn có thể thay đổi thiết kế của súng trường bán tự động nhằm lách luật khi chưa có giấy phép phù hợp. Vì vậy, cảnh sát New Zealand lo ngại những người không đủ điều kiện vẫn có thể sở hữu súng trường bán tự động.

Theo quy định, những loại súng có tay cầm và báng là một khối nhựa đúc liền sẽ không bị coi là súng trường bán tự động và người dân chỉ cần có giấy phép loại A để sở hữu loại súng này. Khi lắp hộp tiếp đạn lớn hơn, nó sẽ không khác gì một khẩu súng trường bán tự động kiểu quân dụng. Khẩu súng mà Tarrant sử dụng trong vụ thảm sát cũng có thiết kế tay cầm đúc liền với báng.

New Zealand thông qua Luật Súng đạn vào năm 1983. Tuy nhiên, luật này đã làm dấy lên tranh cãi sau khi xảy ra vụ xả súng do David Gray thực hiện ở thành phố Aramoana làm 13 người chết vào năm 1990. Sức ép gia tăng, Quốc hội New Zealand đã sửa đổi Luật Súng đạn vào năm 1992, theo đó siết chặt hơn quy định sở hữu các loại vũ khí bán tự động kiểu quân dụng. Nhưng kể cả khi đã được sửa đổi, Luật Súng đạn của New Zealand vẫn được xem là thoải mái hơn phần lớn các nước châu Âu.

Với luật này thì tất cả công dân từ 16 tuổi đã có thể sở hữu súng ngắn và từ 18 tuổi có thể sở hữu súng bán tự động kiểu quân sự, với điều kiện phải có giấy phép sử dụng súng do chính quyền cấp. Để mua và sở hữu súng trường bán tự động, người dân chỉ cần xin giấy phép sử dụng súng loại E với yêu cầu là thành viên một câu lạc bộ súng hoặc có lý do khác như kiểm soát dịch hại hoặc sưu tập súng.

Đáng chú ý, tỷ lệ duyệt hồ sơ xin giấy phép sử dụng súng tại New Zealand ở mức cao. Cảnh sát nước này năm 2017 đã nhận 43.509 hồ sơ và cấp 43.321 giấy phép sử dụng súng. So với những nước lân cận như Australia, nơi 20 triệu dân chỉ sở hữu tổng cộng khoảng 3 triệu khẩu súng, thì New Zealand có tỷ lệ người dân sở hữu súng ở mức cao.

Trong khi đó, tỷ lệ người thiệt mạng vì súng đạn tại New Zealand vào năm 2017 là 1/100.000, cao hơn Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Đức.

Tuy Luật Súng đạn của New Zealand cũng có một số quy định hạn chế việc sở hữu súng đạn nhưng cũng không quá nghiêm ngặt. Chẳng hạn, người nộp đơn xin giấy phép sử dụng súng phải vượt qua vòng kiểm tra lý lịch về tiền án, tiền sự, sức khỏe tâm thần, y tế, tình trạng nghiện hút và bạo lực gia đình. Giấy phép có thời hạn 10 năm, nhưng cảnh sát New Zealand có thể thu hồi nếu công dân này bị coi là mối đe dọa khi sở hữu súng.

Ngoài ra, luật cũng quy định cá nhân phải có lý do chính đáng khi mang súng ngắn theo người hoặc nổ súng, nhưng không quy định rõ về các lý do và lực lượng hành pháp phải xác định với từng trường hợp cụ thể. Sử dụng súng trong săn bắn và kiểm soát dịch hại là hợp pháp nhưng sử dụng để tự vệ thì không. Luật cũng cấm để súng trên xe khi không có người bên trong và chỉ cho phép chủ sở hữu mang súng với băng đạn rỗng ra ngoài.

Vụ xả súng ở Christchurt đã gióng lên hồi chuông báo động về sự lỏng lẻo của những quy định kiểm soát súng đạn ở New Zealand. Nhiều lời kêu gọi hạn chế vũ khí được đưa ra, cụ thể là hạn chế đối với loại súng trường bán tự động như khẩu AR-15 được Tarrant dùng trong cuộc tấn công. New Zealand từng có dự định sửa đổi Luật Súng đạn vào năm 2005 và năm 2012 nhưng không thành công. Mọi nỗ lực nhằm cải cách luật sở hữu súng đạn đều đang bị “treo” ở Quốc hội.

Vụ việc ở Christchurt được trông đợi sẽ tạo ra cú hích cho những nỗ lực bất thành trên. Trong quá trình điều tra về giấy phép sở hữu súng và việc mua súng đạn của Tarrant, Thủ tướng Ardern khẳng định, Luật Súng đạn của New Zealand sẽ thay đổi. Bà cho biết các quy định mới thắt chặt kiểm soát súng đạn sẽ được công bố trong vòng 10 ngày kể từ ngày xảy ra vụ xả súng.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/lo-hong-chet-nguoi-trong-luat-sung-dan-cua-new-zealand-568982