Lỗ hổng quản lý người bệnh tâm thần

Chiều 26/9 vừa qua, Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc người con trai bị bệnh tâm thần dùng chày đánh bố tử vong. Trước đó, chiều 24/7, một người mắc bệnh tâm thần cầm dao xông vào nhiều nhà dân ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) chém loạn xạ làm 2 người tử vong và 10 người bị trọng thương.

Ảnh minh họa. Internet.

Cũng mới đây, tại Bình Định, một thanh niên 37 tuổi mắc bệnh tâm thần dùng gạch, gậy tre đánh chết bố đẻ, vợ và con trai. Tại tỉnh Bạc Liêu, cũng vừa khởi tố vụ án nam thanh niên 34 tuổi đang điều trị ngoại trú bệnh tâm thần bất ngờ cầm dao chém xối xả hàng xóm, khiến 3 nạn nhân tử vong và 8 người khác phải nhập viện. Một vụ việc khác, người bố 30 tuổi ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) trong một cơn điên loạn đã dùng dao tước đi sinh mạng của hai con nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi. Hung thủ sau đó đã tự sát...

Chỉ cần gõ cụm từ “người tâm thần gây án” tìm kiếm trên Google, chúng ta có thể thấy rất nhiều vụ việc đau lòng diễn ra liên tục, ở nhiều nơi, ở nhiều tình huống, hoàn cảnh gia đình. Mối nguy hiểm của người mắc bệnh tâm thần đối với cộng đồng là hết sức đáng lo ngại.

Nhìn thẳng thực tế, việc quản lý người bị bệnh tâm thần tại cộng đồng đang là một lỗ hổng lớn. Chúng ta hầu như chưa có một “hàng rào” nào ngăn chặn những hành vi nguy hiểm mà người tâm thần sống tự do có thể gây ra với những người xung quanh. Người tâm thần hiện không bị bắt buộc đi chữa bệnh nếu như chưa có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Và phần lớn bệnh nhân tâm thần hiện nay vẫn đang sinh hoạt tự do trong cộng đồng, không có người quản lý, ngoại trừ số ít được kiểm soát phần nào từ gia đình.

Mặc dù, chính sách an sinh xã hội đã có trợ cấp cho những người mắc bệnh tâm thần cũng như người khuyết tật nói chung nhưng đây mới chỉ là sự quan tâm về vật chất mang tính trách nhiệm, nhân đạo của Nhà nước. Do đó, để hạn chế những hậu quả đau lòng do người bị bệnh tâm thần gây ra đối với cộng đồng, chúng ta cần xây dựng những quy định mang tính bắt buộc và khuyến khích để quản lý người bị bệnh tâm thần. Đó là nâng cao năng lực về y tế để người bệnh dễ tiếp cận với việc điều trị bệnh tình của mình. Gia đình mỗi bệnh nhân cần nâng cao ý thức giám sát, chăm sóc, tận tâm với người bị bệnh. Cùng với đó, ban, ngành, đoàn thể nơi người bệnh tâm thần sinh sống cũng có trách nhiệm trong việc quan tâm, hỗ trợ gia đình bệnh nhân chăm sóc và quản lý người bị bệnh. Về khía cạnh pháp luật, cần quy định người bị bệnh ở mức độ nào cần được kiểm soát hành vi hoặc cách ly với cộng đồng.

Người mắc bệnh tâm thần là một nỗi khổ của cá nhân và gia đình họ, do đó, quan tâm, chăm sóc từ cộng đồng, xã hội đối với những người này vừa là tấm lòng cũng vừa là trách nhiệm để xã hội bớt đi những vụ việc đau lòng không đáng có.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lo-hong-quan-ly-nguoi-benh-tam-than.aspx