Lỗ hổng trong cấp phép xiếc thú

(HNM) - Cái chết oan uổng của em Phạm Xuân Tín (13 tuổi), học sinh lớp 6 Trường THCS Bình Đa (Đồng Nai) do bị voi xiếc quật chết chẳng những cho thấy công tác canh giữ thú làm xiếc còn quá sơ sài mà việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hiện nay đang tồn tại những lỗ hổng lớn.

Trong hơn 30 năm làm nghề, ông Tạ Duy Nhẫn, Trưởng đoàn Xiếc thú (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) nói, đây là lần đầu tiên ông biết tin đau lòng do thú làm xiếc trong nước gây ra. Theo ông Tạ Duy Nhẫn: "Trước đây, đã có một vài va chạm nhỏ nhưng không đáng kể. Voi trông to khỏe nhưng thần kinh hơi yếu. Những tiếng động lạ như tiếng bong bóng nổ, tiếng chân vang lên bất thình lình khi voi đang diễn có thể khiến chúng quay đầu chạy thẳng về chuồng". Ông cho biết thêm, việc cấp phép biểu diễn xiếc thú hiện nay mới chỉ đòi hỏi chung chung là bảo đảm an toàn cho người xem chứ chưa chú ý đến an toàn cho người xung quanh khu vực canh giữ con thú. Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) ban hành và quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (ban hành theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18-1-2006 của Chính phủ) được coi là những văn bản pháp lý mà các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hiện nay cam kết thực hiện khi xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhưng cả hai văn bản này đều không có dòng nào dành riêng cho việc biểu diễn xiếc thú. Ông Phạm Đình Thắng, Trưởng phòng Quản lý tổ chức biểu diễn và băng đĩa nhạc, sân khấu - Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) giải thích: "Đơn vị cấp phép yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn bảo đảm an toàn và thực hiện các quy định có liên quan. Vì vậy, nếu biểu diễn xiếc thú thì phải tuân thủ các quy định khác về quản lý con thú khi đưa ra nơi công cộng" (!) Việc canh giữ xiếc thú của Đoàn Xiếc Sao Mai bị coi là lỏng lẻo vì lưới B40 chăng xung quanh khu vực nhốt thú nhưng các em học sinh vẫn có thể chui vào hay trèo qua. Sao Mai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vụ việc trên. Nhưng đáng buồn khi nhà quản lý văn hóa vẫn khăng khăng: "Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp không thể điều chỉnh từng loại hình nghệ thuật biểu diễn hay có quy định cụ thể việc biểu diễn với từng con thú...". Vậy thì ai dám chắc không có những tai nạn thương tâm sẽ còn xảy ra do con thú biểu diễn gây nên?

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/van_hoa/323212/lo-hong-trong-cap-phep-xiec-thu.htm/