Lỗ hổng xe đưa đón học sinh sau vụ Gateway

Thực tế cho thấy công tác quản lý, giám sát loại phương tiện đưa đón học sinh còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Sau vụ việc bé lớp 1 tử vong nghi bị bỏ quên trên xe, trường Gateway đã chấn chỉnh công tác đưa đón học sinh. Ảnh: Văn Huế

Sau vụ việc bé lớp 1 tử vong nghi bị bỏ quên trên xe, trường Gateway đã chấn chỉnh công tác đưa đón học sinh. Ảnh: Văn Huế

Sau vụ bé trai lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong nghi bị bỏ quên trên ô tô hôm 6/8, câu chuyện siết chặt quản lý loại phương tiện vận chuyển đưa đón học sinh để đảm bảo ATGT một lần nữa được đặt ra.

Mỗi nơi một cách làm

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, chiếc xe khách 16 chỗ hiệu Transit BKS 29B-069.56 mà bé lớp 1 trường tiểu học quốc tế Gateway nghi bị bỏ quên dẫn đến tử vong được ông Doãn Quý Phiến (SN 1966, trú phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) vừa mua, đưa vào Công ty TNHH Vận tải và du lịch Ngân Hà (công ty hợp đồng đưa đón học sinh trường Gateway). Ông Phiến cũng là người lái chiếc xe này đưa đón học sinh hàng ngày và xe cũng chưa đăng ký kinh doanh vận tải.

Hàng ngày, trong khoảng thời gian từ 4h30 đến 5h chiều, tại sân Chung cư 170 Đê La Thành, Hà Nội, có rất nhiều xe dịch vụ đưa đón học sinh của các trường tư thục liên tục dừng đỗ để trả học sinh. Là một trong những người hàng ngày có mặt tại đây để đợi đón cháu trai đang học lớp 2 trường M.C, ông Nguyễn Hồng Hà (trú đường Đê La Thành) cho biết: “Đây là năm thứ 2, gia đình cho cháu đi học bằng xe đưa đón của nhà trường. Cũng yên tâm vì trường quản lý tốt. Cô phụ trách và ngay cả lái xe đều thuộc mặt, thuộc tên các cháu, luôn có số điện thoại liên lạc trực tiếp với gia đình khi cần thiết”.

Cũng đăng ký dịch vụ đưa đón của nhà trường, anh Nguyễn Thanh Hải (trú tại phố Hàng Đào, Hoàn Kiếm), có con học lớp 4 trường tư thục V. cho hay, mặc dù vừa qua xảy ra vụ bé lớp 1 trường Gateway tử vong, nhiều bậc phụ huynh cũng cảm thấy hoang mang. Tuy nhiên, do năm nay trường đổi mới cách quản lý trên phần mềm nên anh khá yên tâm.

Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội, năm học nào Phòng cũng có công văn đôn đốc chung công tác bảo đảm an toàn, trong đó có đề cập đến việc đảm bảo an toàn trong vận chuyển đưa đón học sinh. Theo đó, mỗi trường căn cứ thực tế xây dựng quy trình đón đưa phù hợp và thống nhất với phụ huynh học sinh.

Đơn cử với trường Tiểu học L.Q.Đ, nội quy - quy trình đón, trả học sinh đi xe ô tô của nhà trường được quy định khá nghiêm ngặt. Trong đó quy định rõ ràng trách nhiệm của cán bộ phụ trách xe đưa đón, như khi xe gần đến trường, phụ trách đánh thức học sinh dậy chuẩn bị sẵn cặp sách; đếm đủ số học sinh đã đón, sau đó phụ trách lên xe kiểm tra lại lần cuối; thông báo ngay cho GVCN những học sinh nghỉ…

Nhiều phụ huynh cho rằng, quy trình đưa đón được quy định chi tiết là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn cho học sinh thì đòi hỏi tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của người phụ trách, của lái xe trong suốt hành trình đến trường của các con.

Tại Đà Nẵng, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ) là một trong những cơ sở giáo dục có số lượng xe ô tô đưa đón học sinh nhiều nhất thành phố, có thời điểm có hơn 20 xe. Ban đầu, việc tổ chức xe đưa đón học sinh do nhà trường hợp đồng với các chủ xe. Tuy nhiên, sau đó phụ huynh trực tiếp liên hệ và hợp đồng với các cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải để đưa đón học sinh, giá cả do sự thỏa thuận giữa hai bên. Việc tổ chức đưa đón học sinh nhà trường không hề liên quan.

Tương tự, tại các Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường phổ thông Herman Đà Nẵng, việc tổ chức xe đưa đón học sinh được thực hiện theo hình thức thỏa thuận tự nguyện giữa phụ huynh và nhà xe. Nhà trường chỉ đóng vai trò tư vấn, giới thiệu.

Sẽ siết chặt quản lý, quy trình

Xe của trường Marie Curie trả học sinh tại điểm dừng 170 Đê La Thành, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vân

Ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, hàng năm, Sở đều có văn bản chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học tăng cường công tác bảo đảm an ninh trường học, an toàn giao thông. “Năm học này, Sở sẽ siết chặt quản lý quy trình đưa đón học sinh của các trường”, ông Trinh nói.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, xe đưa đón học sinh có 2 dạng gồm trợ giá và không trợ giá. Xe đưa đón học sinh trợ giá hiện có 295 xe ký hợp đồng đưa đón cho 106 trường học trên địa bàn TP từ cấp 1 đến cấp 3 do Trung tâm quản lý. Hiện trên địa bàn TP mới có 14/24 quận huyện tham gia thực hiện xe đưa đón cho học sinh có ký hợp đồng vận chuyển với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng. Mỗi ngày, Trung tâm thực hiện đưa đón 29.000 học sinh, trong đó cấp I là 12.700 em, cấp II là 12.500 và cấp III trên 3.590 học sinh.
Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đều có kế hoạch đi kiểm tra về chất lượng phương tiện, thái độ làm việc của tiếp viên và tài xế, xe có đảm bảo đủ điều kiện hoạt động. Trong năm 2018, Trung tâm đã kiểm tra 453 lượt/281 phương tiện. Kết quả, chưa phát hiện các xe vi phạm.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 2.713 trường học từ cấp mầm non đến THPT, với 1.983.435 học sinh. Theo thống kê năm 2019, có 13.441 học sinh tham gia phương tiện vận tải đưa đón của các nhà trường. Trong đó, có 5.789 học sinh THCS-THPT và 7.643 học sinh tiểu học. Qua khảo sát, cũng có khoảng 19.000 học sinh đến trường bằng phương tiện vận tải công cộng.

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết, thời gian qua, ngành GTVT Đà Nẵng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cùng chính quyền các quận/huyện vẫn tích cực phối hợp giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo hoạt động xe đưa đón học sinh đi vào nền nếp, kỷ cương, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh. Theo ông Cường, hiện nay, chưa có văn bản nào quy định riêng về việc quản lý xe đưa đón học sinh, mà việc này chỉ căn cứ vào nội dung Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng thông tin, số lượng xe đưa đón học sinh hằng năm thường không ổn định, tùy thuộc vào nhu cầu đăng ký của học sinh, vì thế hiện nay không có số liệu cụ thể về số lượng xe. Vào đầu mỗi năm học, Sở đều có chỉ đạo các Phòng chuyên môn kiểm tra lại số lượng các trường học tổ chức xe đưa đón học sinh, rà soát lại quy trình tổ chức, làm rõ trách nhiệm của từng bộ phận.

Còn theo lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng, từ năm 2016, Sở đã chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, chính quyền UBND các quận/huyện triển khai các giải pháp quản lý, giám sát loại hình xe đưa đón học sinh. Theo đó, Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý các phương tiện chở học sinh tại các cơ sở giáo dục. Sở GTVT TP Đà Nẵng sẽ cấp phù hiệu xe chuyên chở học sinh theo đúng quy định trên cơ sở số lượng xe thống kê, đề xuất của Sở GD&ĐT. Để giám sát, lực lượng TTGT sẽ tổ chức tuần tra, kiểm tra.

Dùng cả xe hoán cải, hết niên hạn để đưa đón trẻ

Tại TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, thời gian qua trên địa bàn thành phố chưa xảy ra sự cố mất an toàn xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, sau vụ cháu bé ở trường Gateway, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác đưa đón học sinh.

Lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho biết, với những trường có nhu cầu đưa đón học sinh có sử dụng chi phí hỗ trợ của thành phố thì Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP ký hợp đồng 3 bên, giữa đơn vị vận tải, trường học và Sở GD&ĐT. Trong đó nêu rõ trách nhiệm về đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, nhất là đối với học sinh cấp 1, cấp 2.

Ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP HCM cũng thông tin, Sở đã có văn bản chỉ đạo xuống các Phòng rà soát tình hình an toàn của xe đưa đón học sinh. Hiện các Phòng ở các quận, huyện cũng đã có văn bản nhắc nhở các trường học thực hiện nghiêm túc công tác an toàn đưa đón học sinh, nhất là đối với những xe không thuộc diện trợ giá.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, vài năm gần đây do nhu cầu đưa rước học sinh rất lớn nên đã nở rộ tình trạng ô tô du lịch, phổ biến là xe 16 và 25 chỗ đưa đón học sinh theo dạng hợp đồng. Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng với các nhà trường kinh doanh dịch vụ vận chuyển học sinh. Riêng khu vực TP Biên Hòa, qua thống kê có 332 xe đưa đón học sinh. Ngoài các trường ký hợp đồng với các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải còn lại là các xe hoạt động riêng lẻ do phụ huynh hoặc các thày cô tự thuê xe và thỏa thuận giá cả. Đáng nói, nhiều người không nắm rõ các quy định đối với phương tiện đưa đón học sinh. Còn lái xe, chủ xe dù biết xe của mình không đảm bảo an toàn, hoạt động sai quy định nhưng vẫn phớt lờ.

Trong năm học 2018 - 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều xe với lỗi sử dụng xe hoán cải, hết hạn đăng kiểm... để đưa đón học sinh gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Đáng chú ý TTGT đã tịch thu 2 xe hết niên BKS 60LD - 0435 và 53L - 8856, cả 2 xe này bị bắt khi đang đưa đón học sinh.

Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2019, lực lượng TTGT đã phối hợp với các đơn vị liên quan lập biên bản vi phạm hành chính 197 trường hợp với các lỗi như: Dừng, đỗ xe sai quy định; không có phù hiệu; chở quá số người quy định, không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy... với tổng số tiền phạt gần 180 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 10 trường hợp.

Ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, trước năm học mới, Sở đã có văn bản chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải phương tiện phối hợp cung cấp thông tin tuyên truyền về điều kiện kinh doanh vận tải xe hợp đồng, danh sách các đơn vị vận tải cho Sở GD&ĐT, Phòng giáo dục các huyện, TP.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cũng thông tin, từ đầu năm học mới này, Sở đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục quận, huyện, TP siết chặt quản lý đối với loại phương tiện đưa đón học sinh. Trước đó, Sở đã phối hợp với TTGT kiểm tra các xe đưa rước học sinh và đã xử lý nhiều xe vi phạm.

Xe đưa đón học sinh phải đảm bảo điều kiện gì?

Theo quy định hiện hành, đối với xe đưa đón học sinh, nếu các trường tự bỏ tiền mua xe rồi thuê người về lái đưa đón học sinh trường của mình, đó là vận tải nội bộ.

Nghị định 86/2014 quy định, vận tải người nội bộ là hoạt động vận tải do các đơn vị sử dụng loại xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở lên để định kỳ vận chuyển cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc học sinh, sinh viên của mình từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc học tập và ngược lại.

Ngoài những quy định chung của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như có giấy phép kinh doanh, thực hiện đúng phương án kinh doanh, quy định về lái xe, chất lượng xe… đơn vị có phương tiện vận tải người nội bộ còn phải đảm bảo các điều kiện riêng.

Cụ thể, theo Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT, xe có sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở lên phải đảm bảo các yêu cầu như: Phải có phù hiệu “Xe nội bộ” theo mẫu; Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định... Xe vận chuyển người nội bộ không được sử dụng vào việc khác, không được kinh doanh vận tải hành khách hoặc cho thuê để vận chuyển hành khách khác.

Khác với vận tải nội bộ, trong trường hợp các trường ký kết sử dụng dịch vụ được cung cấp từ các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải đưa đón học sinh thì được gọi là loại hình xe hợp đồng. Theo quy định, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị/chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng có thể nắm lộ trình xe.

Đề cập đến giải pháp quản lý đối với loại xe này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đã yêu cầu Sở GTVT các địa phương đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động đưa đón học sinh, sinh viên của đơn vị mình. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn lái xe và người đưa đón học sinh về đảm bảo ATGT; yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh, phương tiện phải đảm bảo niên hạn sử dụng, đăng kiểm và được cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải.

Trần Duy

Kinh nghiệm thế giới phòng ngừa bỏ quên học sinh trên xe

Xe buýt chở học sinh tiểu học ở Hoa Kỳ

Tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), một thiết bị cảm biến thông minh đã được cài đặt trong tất cả các xe buýt của hãng Emirates Transport. Các cảm biến thông minh bắt đầu hoạt động khi xe buýt của trường bị dừng hoặc đóng cửa. Chúng có nhiệm vụ tự động phát hiện bất kỳ vật phẩm hoặc học sinh nào bị bỏ lại trên xe và phát ra âm thanh báo động ở tần số cao. Mỗi tài xế cũng được cấp một tấm bảng đặc biệt hiển thị dòng chữ “Không có học sinh trên xe” phải để phía sau kính chắn gió sau khi kéo rèm và đóng cửa.

Tại Mỹ, mỗi ngày có 25 triệu trẻ em đến trường bằng xe buýt với gần 480.000 phương tiện chở học sinh do các trường học làm chủ hoặc thuê mướn, hợp đồng. Phần lớn các phương tiện đều được trang bị rất nhiều hệ thống cảnh báo hỗ trợ tài xế cũng như người giám sát trong việc kiểm tra người sót lại trên xe. Sau khi đưa các em xuống xe, tài xế sẽ đi vòng ra sau xe, kiểm tra và lấy tờ giấy ghi “xe trống” treo ở sau xe, báo hiệu xe đã hoàn thành nhiệm vụ.

Ở Australia và Hàn Quốc, các cơ quan quản lý ATGT và giáo dục đã đưa ra quy định áp dụng hệ thống “kiểm tra trẻ ngủ quên” trên các xe đưa đón học sinh của các trường tiểu học. Với các hệ thống này, tài xế sẽ dùng điện thoại thông minh báo cáo với thiết bị công nghệ kết nối trường gần (NFC) lắp đặt ở 3 vị trí trên xe buýt. Thông tin sẽ được chuyển đến phụ huynh và ban quản lý nhà trường. Nếu tài xế vô tình và cố ý quên nhiệm vụ, sẽ có thông báo nhắn đến điện thoại thông minh của họ cũng như phụ huynh và nhà trường.

Bình Nguyên

Nhóm P.V

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lo-hong-xe-dua-don-hoc-sinh-sau-vu-gateway-d430909.html