'Lọ lem' mạo nhận 'công chúa', bó tay chiêu bán nhà?

Rất nhiều dự án quảng cáo căn hộ cao cấp, hạng sang nhưng chất lượng trung bình. Mặc dù vậy, hầu như chưa có doanh nghiệp nào bị phạt vì quảng cáo thiếu trung thực.

Báo VietNamNet có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, xung quanh vấn đề này.

- Nhiều chung cư quảng cáo cao cấp nhưng khi nhận nhà dân mới thấy chất lượng không như mong đợi, không như quảng cáo. Theo ông khách hàng phải làm sao để đòi quyền lợi trong tình huống này?

Nếu việc giới thiệu, quảng cáo về dự án không đúng, tức là có sự khác biệt so với thực tế, thì ít nhiều làm khách hàng nhầm tưởng đối tượng (dự án, căn hộ, từng đặc điểm…) từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Nhiều dự án vẽ tiện ích hoành tráng nhưng khi giao nhà thì không thấy đâu

Với những trường hợp người mua nhà nhận thấy không đúng như lời giới thiệu, quảng cáo, thì có quyền khiếu nại chủ đầu tư để giải quyết. Tùy trường hợp, người mua nhà có thể yêu cầu: Chấm dứt giao dịch, yêu cầu đền bù cho lợi ích không được hưởng, yêu cầu thực hiện đúng…

Tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc, người mua nhà có thể khởi kiện ra Tòa án nơi chủ đầu tư có trụ sở, để giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, việc khởi kiện và việc thu thập chứng cứ là công việc khó và yêu cầu pháp lý cao, nên người mua nhà rất khó tự mình thực hiện.

- Căn cứ pháp lý để khách hàng đòi quyền lợi là gì, thưa Luật sư?

Xét về quá trình giao dịch của khách hàng, trên thị trường hiện nay, có thể thấy 2 đặc điểm sau:

Thứ nhất, hành vi vi phạm quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo, là hành vi đưa thông tin không chính xác được thực hiện qua bài viết, phát biểu… nhằm gây khách hàng chú ý, tin tưởng…

Ở góc độ này, những người nhận thông tin quảng cáo chưa phải là người mua nhà (chưa ký kết, chưa tham gia giao dịch với Công ty) nên chỉ là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, do Cơ quan nhà nước xử lý, chưa ảnh hưởng đến giao dịch của người mua nhà (chỉ ở mức thu hút, lôi kéo). Do đó, nếu phát hiện thì chuyển tới Cơ quan nhà nước, để xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.

Thứ hai, những thông tin không đúng mà xảy ra khi giới thiệu về sản phẩm ngay gần thời điểm giao kết giao dịch hoặc các tài liệu người mua nhà nhận được, nhà mẫu, mô hình dự án… Đây là những thông tin giới thiệu có mức ảnh hưởng trực tiếp và tác động vào tâm lý khách hàng khi quyết định tham gia giao dịch. Nó không còn là thông tin quảng cáo nữa, đây là thông tin về sản phẩm làm ảnh hưởng đến quyết định của người mua nhà, được điều chỉnh theo Bộ Luật dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật chuyên ngành (Luật Nhà ở, Luật Xây dựng…).

Do đó, những thông tin mà người mua nhà dùng làm căn cứ phải là những thông tin thứ hai, những thông tin ảnh hưởng (trực tiếp, có mức độ đáng kể) đến việc quyết định giao dịch hoặc gây sự nhầm lẫn của người mua nhà.

- Vậy theo ông, thông tin quảng cáo có được xem là căn cứ khi có tranh chấp hay không?

Ở mức độ chung, thông tin quảng cáo chỉ nhằm thu hút, lôi cuốn sự chú ý ban đầu của khách hàng, là hành vi vi phạm theo Luật Quảng cáo như các bài viết, sự kiện... Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp, nếu thông tin đó có mức độ ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người mua, có mức độ gây cho người mua nhà nhầm lẫn (mẫu dự án, nhà mẫu, thông tin in trên giấy phát cho hách hàng…) thì có thể thành chứng cứ khi giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp khác, cũng có thể sử dụng làm chứng cứ để thể hiện rõ nét sự lừa dối của chủ đầu tư, nhưng không đủ là chứng cứ mạnh, ảnh hưởng đến sự quyết định tham gia giao dịch của người mua.

- Việc quảng cáo cao cấp, hạng sang... khá phổ biến, trong khi Bộ Xây dựng chỉ phân hạng A, B, C. Theo ông đây có phải cách lách luật? Làm sao để siết tình trạng quảng cáo lố, sai sự thật? Có trường hợp nào bị phạt vì quảng cáo như vậy chưa thưa ông?

Việc quảng cáo cao cấp, hạng sang... trong lĩnh vực BĐS cũng phổ biến như việc tràn lan sai phạm trong quảng cáo hiện nay ở nhiều sản phẩm khác (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nước mắm…). Họ dùng những thuật ngữ để truyền đạt những thông tin không đúng, lợi dụng giữa thuật ngữ pháp lý (hạng nhà chung cư) và thuật ngữ chung xã hội, thuật ngữ chưa rõ nội hàm (cao cấp, chuẩn 5 sao…).

Về mục đích và nội dung thông tin này là hoàn toàn sai (sai về nội hàm từ ngữ, gây nhầm lẫn). Tuy nhiên, do nhiều thuật ngữ này không phải là thuật ngữ pháp lý, có nội hàm không rõ, nên rất khó xác định chứng minh là hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, “cao cấp” thì không rõ phải ra sao, “chuẩn 5 sao” của khách sạn lại gắn cho nhà ở là sự nhầm lẫn trong kiến thức…

Với những nội dung quảng cáo này, chắc chắn phải chờ nhận thức chung của xã hội, nguyên tắc của các đơn vị liên quan khi phê duyệt bài viết (thông tin truyền thông) và Cơ quan quản lý nhà nước mới có thể thay đổi.

Thông tin theo dõi nhiều năm, rất ít trường hợp bị xử phạt về quảng cáo (các sản phẩm hàng hóa dịch vụ nói chung), riêng lĩnh vực bất động sản chưa thấy một vụ việc nào bị xử phạt. Do đó, cũng phải đặt câu hỏi trách nhiệm đối với Cơ quan nhà nước quản lý trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông vẫn chưa thực hiện tốt vai trò của mình.

- Xin cảm ơn Luật sư!

Khắc Thành

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/chieu-tro-ban-can-ho-cao-cap-quang-cao-mot-dang-chat-luong-mot-neo-485462.html