Lo ngại bạo lực học đường

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng bạo lực học đường không phải mới, song thời gian gần đây xảy ra thường xuyên hơn. Năm 2022, nhiều vụ việc bạo lực học đường gây ám ảnh dư luận.

Bạo lực học đường sẽ để lại những hệ lụy dai dẳng. (Ảnh minh họa)

Những sự việc đau lòng

Mới đây, chiều 11/1, ông Phạm Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, quận 12, TP HCM cho biết, nhà trường đang tiến hành họp để xác minh, giải quyết vụ việc nữ sinh đánh nhau.

Theo đó, ngày 10/1, đoạn video clip dài 27 giây ghi lại cảnh hai nữ sinh đánh nhau trong nhà vệ sinh trường đã lan truyền gây xôn xao mạng xã hội. Nội dung video clip ghi lại cảnh một nữ sinh mặc áo trắng, đeo khăn quàng đỏ bị một nữ sinh mặc đồng phục thể dục túm tóc, dùng tay đánh liên tiếp vào mặt và đập đầu vào tường. Sự việc xảy ra trong phòng vệ sinh của trường và có nhiều nữ sinh khác chứng kiến nhưng không ai có hành động can ngăn. Diễn biến được một nữ sinh dùng điện thoại ghi lại.

Bước đầu, theo thông tin nhà trường: Sự việc xảy ra khoảng 1 tháng trước, nữ sinh lớp 8 đã đánh nữ sinh lớp 7. Nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân, nhưng các em không nói hay kể chuyện với bạn bè, thầy cô giáo, phụ huynh, mà tự hẹn đánh nhau để giải quyết.

Trước đó, ngày 26/12, dư luận cũng xôn xao khi nam sinh lớp 10A6 Trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) bất ngờ dùng vật nhọn đâm vào nam sinh 16 tuổi học cùng trường khiến nạn nhân trọng thương. May mắn sau khi được đưa đi cấp cứu, nạn nhân tạm thời qua cơn nguy kịch. Ngày 12/9, mạng xã hội xuất hiện clip 2 nữ sinh THCS bị một nhóm nữ sinh đánh bằng mũ bảo hiểm, lột đồ trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng không ai can ngăn.

Vừa qua, Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với nữ sinh Chu Thị Thu H. (SN 2006) về tội “Làm nhục người khác”. Đau lòng hơn là trường hợp một nam sinh lớp 12 ở Hà Nam đi xe máy bị bạn học cùng trường đạp ngã, dẫn đến tử vong. Một nữ sinh lớp 10 ở Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) bị bạn học dùng mũ bảo hiểm tấn công đến mức chấn động não, cơ quan chức năng vừa có kết quả giám định tỷ lệ thương tổn cơ thể là 23%...

Có thể nói đây là những vụ bạo lực học đường rúng động trong năm qua. Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt thường ngày, nhiều học sinh ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Phụ huynh không thể ngoài cuộc

Bạo lực học đường dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” trong văn hóa ứng xử ở môi trường sư phạm nhưng hậu quả kéo theo nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội. Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật, trong đó quy định về việc phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống bạo lực học đường nói riêng. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã triển khai các giải pháp để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, nhưng tình trạng này vẫn không giảm.

Theo phân tích của các cơ quan chức năng về bạo lực học đường tại Thừa Thiên - Huế gia tăng gần đây, nguyên nhân chính là do sự phát triển tâm sinh lý và nhận thức của học sinh không đồng đều, nhất là giai đoạn lứa tuổi học sinh cấp 2. Một số học sinh có lối sống đua đòi và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, từ đó khiến các em dễ bị lôi kéo, kích động; dễ dẫn đến nguy cơ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu phòng ngừa.

TS tâm lý học Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý cho biết ông từng tư vấn tâm lý cho khoảng 20 học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường. Trong đó, một thực tế là khi bị đánh, đa phần nạn nhân không chạy mà chịu đòn. Thậm chí, các em cũng bị đe dọa im lặng nên hầu hết các sự việc chỉ được biết khi đã bị tung lên mạng xã hội. Do đó, TS An cho rằng nên tận dụng sức mạnh của công nghệ, bằng việc xây dựng thiết chế phòng tham vấn tâm lý online với đội ngũ chuyên gia tâm lý tập trung, để bất kỳ học sinh nào có vấn đề tâm lý cũng sẽ được hỗ trợ kịp thời.

Về phía phụ huynh, không nên xem nhẹ những tổn thương hay câu nói bâng quơ là trò đùa con trẻ. Cũng không thể cho rằng, bạo lực và bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ. Rất nhiều phụ huynh so sánh với mình ngày xưa đã xem nhẹ hoặc lờ đi các hành vi bạo lực của con trẻ. Thế nên, không ít sự việc đau lòng đã xảy ra khôn lường, khi phụ huynh không thực sự “ở bên” trẻ, không biết con em mình đang đối diện với những vấn đề gì… PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH QGHN) nhấn mạnh: “Đối với phụ huynh, mỗi gia đình cần quan tâm, chú ý đến con để nhận ra các dấu hiệu con bị stress hay lo lắng. Hãy chia sẻ hay gửi gắm những lời nhắn nhủ đến con khi con đến trường”.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh, thiếu niên và hoạt động của các phòng tư vấn tâm lý học đường đã bị bỏ quên. Công tác bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực học đường được ví như quá trình đạp xe lên dốc. Nếu chúng ta thả lỏng trong thời gian dài thì cũng sẽ tụt dốc và nguy cơ về các vụ việc bạo lực đau lòng sẽ xảy ra.

Cần dạy trẻ từ mầm non về quản lý cảm xúc nóng giận

Việc quản lý cảm xúc nóng giận của trẻ, theo Thạc sĩ giáo dục Trần Thu Trang cần được giáo dục bắt đầu từ lứa tuổi mầm non, để bước vào thời điểm dậy thì, những phản ứng với thầy cô, cha mẹ của các bạn trẻ sẽ trong tầm kiểm soát. Ngược lại, trước một tranh luận hoặc một tình huống phát sinh có khả năng bị đẩy lên thành mâu thuẫn, người lớn tránh việc chỉ trích nặng nề hoặc sử dụng những ngôn ngữ thiếu kiểm soát hoặc kích động tính tự tôn của các bạn trẻ. Thêm nữa, trẻ em luôn tin vào những điều các em thấy và điều này lý giải phim ảnh có nội dung bạo lực (với các chủ đề như đại ca, trùm trường học, giang hồ bảo kê…) có tác động rất lớn đến trẻ. Mạng xã hội với sự xuất hiện của “nhóm kín”, lôi kéo nhiều thanh, thiếu niên, trẻ em tham gia.

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lo-ngai-bao-luc-hoc-duong-post464528.html