Lo ngại bùng phát dịch bệnh mùa tựu trường

Thời tiết, khí hậu đang chuyển mùa từ hè - thu là thời điểm rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như tay-chân-miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do virus Rota, sốt xuất huyết.

Các ca mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Hải Nguyễn

Trẻ em mắc sởi tăng nhanh

Thời gian qua, tại một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều ca trẻ mắc bệnh sởi, đặc biệt có những ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đủ tuổi tiêm phòng sởi) khiến người dân và cả ngành y tế lo lắng về nguy cơ bùng phát thành dịch sởi nếu không có những biện pháp đề phòng.

Theo bác sĩ (BS) Tiêu Châu Thy - Khoa nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, các cháu đều nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi. Khoa đã tiếp nhận rải rác các ca trẻ mắc sởi và có liên tiếp 3 bé mắc chưa đủ tuổi để tiêm phòng sởi trong khi thông thường ở lứa tuổi này, trẻ thường có miễn dịch từ mẹ (truyền qua sữa mẹ). Vì thế, trẻ mắc sởi có thể là do mẹ chưa có miễn dịch (chưa được tiêm, chưa từng mắc sởi) hoặc tiêm chưa đầy đủ nên miễn dịch chưa đủ để bảo vệ trẻ.

“Sởi rất dễ bị nhầm với sốt phát ban nên nếu thấy trẻ sốt cao, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt, sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm đường hô hấp thì nên cho đi khám tại các cơ sở y tế ngay” - BS Thy nói.

Tương tự tại BV Nhi đồng 2, tình trạng trẻ mắc sởi cũng được ghi nhận, theo đó, chỉ trong 3 tuần cuối của tháng 8, BV đã phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 15 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Tất cả các trường hợp mắc sởi này đều chưa được tiêm phòng và hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành phía Nam.

Sốt xuất huyết “vào mùa”

Tại Hà Nội, nếu như trong tháng 7.2018 chỉ ghi nhận 15-20 ca sốt xuất huyết (SXH) mỗi tuần, thì từ những tuần cuối tháng 8.2018 đến nay, số ca mắc đã tăng lên 50-60 ca/tuần. Quy luật cho thấy, đỉnh dịch SXH ở Hà Nội thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Khoảng 3 tuần gần đây, lượng bệnh nhân SXH nhập viện đang gia tăng khiến các chuyên gia lo ngại.

Theo BS Phạm Thị Ngọc Mai - BV Thanh Nhàn, số mắc SXH nhập viện điều trị không nhiều nhưng có nhiều ca bệnh nặng, giảm tiểu cầu. Điều đó cho thấy, người dân ít nhiều có dấu hiệu chủ quan, khi có biểu hiện không nghĩ ngay tới SXH mà chỉ khi bệnh chuyển nặng mới nhập viện.

Mặc dù, so với thời điểm này năm ngoái, hiện tại số mắc SXH trên địa bàn thành phố giảm mạnh đến 97%. Song PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc TTYTDP Hà Nội - cảnh báo, không ít người dân vì thấy số ca mắc SXH năm nay giảm mạnh nên chủ quan, từ đó lơ là việc phòng dịch ngay trong chính gia đình mình. Thậm chí, qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều nơi còn tồn đọng các ổ bọ gậy.

Sở Y tế Hà Nội kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh SXH cho bản thân mình và cộng đồng, nhất là trong mùa mưa hiện nay.

Một ca trẻ mắc bệnh sởi đang được điều trị tại một bệnh viện ở TPHCM. Ảnh: PV

Quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh bùng phát

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã có công văn theo đó yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do virus Rota, SXH và các dịch bệnh khác mùa hè - thu trên địa bàn.

Các địa phương tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; tự giác thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu...

Sở Y tế các tỉnh, thành cũng chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Kim Đồng - Thùy Linh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/lo-ngai-bung-phat-dich-benh-mua-tuu-truong-629767.ldo