Lo ngại chạy đua vũ trang nếu Mỹ tái triển khai tên lửa 'Sứ giả chiến tranh' phóng từ mặt đất

BGM-109G - phiên bản Tomahawk phóng từ mặt đất của Mỹ từng làm Liên Xô kinh sợ. Sau khi đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí với Liên Xô, loại vũ khí này đã được rút ra khỏi biên chế năm 1991, tuy nhiên Mỹ và Nga đã không đạt được đồng thuận để duy trì hiệp ước này, vì thế Mỹ có thể tái triển khai lại loại vũ khí này sau khi thỏa thuận hạt nhân với Nga sụp đổ.

BGM-109G - phiên bản Tomahawk phóng từ mặt đất của Mỹ từng làm Liên Xô kinh sợ, có thể sẽ tái được triển khai sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước cắt giảm tên lửa hạt nhân chiến lược tầm trung với Nga.

Tuy vậy loại vũ khí này có thể sẽ được tái trang bị trong thời gian tới một khi thỏa thuận với Nga về hạn chế vũ khí bị sụp đổ.

Ngày 16-1, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Andrea Thompson cho biết Nga đã từ chối yêu cầu thanh sát hệ thống tên lửa mới của nước này mà Mỹ cho rằng vi phạm Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung đã ký giữa hai nước năm 1987 (INF).

Đây được cho là động thái mở đường cho việc Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước này vào tháng tới.

Hiệp ước Vũ khí hạt nhân Tầm Trung ký năm 1987 giữa lãnh đạo Liên Xô và Mỹ, đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, có nội dung cấm các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km (nhằm bảo vệ Châu Âu khỏi tầm bắn của Nga).

Trong cuộc gặp ngày 15-1 ở Geneve, Mỹ và đồng minh NATO muốn Nga tiêu hủy tên lửa hành trình 9M729 có thể mang đầu đạn hạt nhân mà Mỹ cho rằng có thể bắn tới Châu Âu trong thời gian ngắn và điều này vi phạm hiệp ước INF.

Nếu không đạt được đồng thuận, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước này từ ngày 2-2.

Khi nói về Tomhawk, người ta thường nghĩ đến tên lửa phóng từ tàu chiến, ít ai biết rằng, trong quá khứ Mỹ từng có một biến thể phóng từ mặt đất.

Phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk bắn từ mặt đất được định danh là BGM-109 Gryphon bắt đầu được phát triển từ những năm 1970 và được phóng thử nghiệm lần đầu tháng 5-1982.

Tới năm 1983, loại tên lửa này đã được triển khai tới châu Âu đặt ở 6 nước gồm Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức và Italy, với mục đích phá hủy hệ thống tên lửa đạn đạo di động RSD-10 Pioner (SS-20 Saber) của Liên Xô.

Đạn tên lửa hành trình BGM-109 Gryphon dài 6,4m, đường kính thân 0,52m và trọng lượng khi phóng 1.470kg.

Ngoài đầu đạn thông thường nặng 176kg với thuốc nổ mạnh, tên lửa còn mang được đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa được lắp đầu đạn hạt nhân đơn khối W-84 vốn dựa trên bom hạt nhân B61, sử dụng hệ thống dẫn đường INS/TERCOM, được lắp trên hệ thống phóng TEL.

BGM-109 Gryphon sử dụng động cơ đẩy bằng nhiên liệu rắn MK 106, có tốc độ cận âm 880 km/h và phạm vi tác chiến 2.500km.

Mỗi hệ thống phóng tự hành có 4 ống phóng mang theo 4 quả tên lửa BGM-109 Gryphon.

Vào tháng 12-1987, Mỹ và Liên Xô cùng ký kết một Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Điều này buộc một số loại tên lửa đạn đạo tầm trung nguy hiểm của Mỹ buộc phải rút khỏi biên chế.

Tới năm 1991, các tên lửa BGM-109 Gryphon đã bị rút khỏi biên chế hoàn toàn trong quân đội Mỹ.

Tuy vậy tài liệu và những thứ liên quan đến việc sản xuất loại vũ khí này vẫn được Mỹ lưu trữ và có thể tái sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Một khi được tái trang bị, chúng sẽ là một trong những loại vũ khí gây "đau đầu" cho Nga.

Chắc chắn nếu tái trang bị, Mỹ sẽ nâng cấp đạn tên lửa cho hệ thống này.

Trải qua các cuộc chiến cùng với sự phát triển của công nghệ dẫn đường thông minh, những phiên bản đạn Tomahawk ngày nay có tầm bắn xa và độ chính xác cao hơn so với cách đây 2 thập kỷ.

Các cuộc chiến gần đây cho thấy Tomahawk vẫn là loại tên lửa hành trình đánh đất hiệu quả nhất trên thế giới.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-lo-ngai-chay-dua-vu-trang-neu-my-tai-trien-khai-ten-lua-su-gia-chien-tranh-phong-tu-mat-dat/796895.antd