Lo ngại cúm A/H1N1

Tại Trà Vinh vừa có thêm một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 vào ngày 14/8, Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh. Trước đó, trong tháng 6/2018, liên tiếp 2 chùm ca bệnh cúm A/H1N1 xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) khiến người dân lo lắng.

Diễn biến phức tạp

Theo ông Nguyễn Văn Lơ- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh, bệnh nhân tử vong là Nguyễn Thị Mừng (82 tuổi, ngụ xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần). Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 27/7, bà Nguyễn Thị Mừng khởi bệnh với triệu chứng sốt cao, bí tiểu. Ngày 30/7, bà Mừng nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh với chẩn đoán ban đầu viêm phổi, nhồi máu cơ tim. Đến ngày 9/8, bệnh nhân diễn biến bệnh nặng, người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà và bà Mừng tử vong chiều cùng ngày. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Nguyễn Thị Mừng dương tính với cúm A/H1N1.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm A/H1N1, ngành y tế tỉnh Trà Vinh đang tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc cúm A/H1N1 ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu để hướng dẫn vào buồng khám bệnh truyền nhiễm, bố trí cách ly trong khu nội trú, không để lây nhiễm chéo; xây dựng quy trình, sơ đồ tiếp nhận, phân loại người mắc bệnh cúm, đặc biệt chú ý các đối tượng người già, trẻ em, và người mắc bệnh mãn tính.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 230.000 trường hợp mắc cúm gồm các chủng A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Số ca mắc cúm tập trung chủ yếu ở miền Bắc - nơi có khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cúm mùa với 131.000 trường hợp - nhưng số người tử vong lại dồn dập ở miền Nam.

TS.BS Lê Quốc Hùng- Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới (BV Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM), cho biết tính từ đầu năm tới nay, tại TPHCM đã có 3 người tử vong do cúm A/H1N1.Từ khi phát hiện những bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên, BV Chợ Rẫy đã thành lập ban chỉ đạo chống cúm để ngăn chặn dịch bùng phát. Trước lo ngại về khả năng dịch cúm A/H1N1 sẽ bùng phát, tương tự như đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 mà Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nên nhiều người quyết định đưa cả nhà đi tiêm ngừa cúm.

Theo BS Hùng, mùa mưa cũng là đỉnh điểm của bệnh cúm, do đó việc xuất hiện các chùm ca bệnh cúm là điều dễ hiểu. Mỗi năm tại Việt Nam có trên 1 triệu người mắc cúm. Điều này có thể hiểu, cúm A/H1N1 là một loại cúm thông thường.g khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TPHCM) cũng cho rằng, không có gì bất thường khi phát hiện 2 chùm ca bệnh cúm tại các bệnh viện, bởi lẽ bệnh viện là nơi đông người, virus cúm phát tán nhanh nên mức độ lây lan rộng.

Lây truyền từ người sang người

Tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận sự biến đổi về độc lực của chủng virus cúm A/H1N1 nhưng với hàng trăm ca nhiễm cúm, trong đó gần 10 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam, giới chuyên môn cho rằng đây là hiện tượng rất cần được lưu tâm. Nếu trước đây, cúm mùa thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân thì những năm gần đây, bệnh xuất hiện quanh năm.

PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, các ca bệnh cúm A/H1N1 có sự gia tăng hơn các năm trước, nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm ngừa thấp. Hiện tỷ lệ tiêm ngừa cúm của Việt Nam chỉ đạt dưới 1% tổng dân số.

Theo BS Trương Hữu Khanh, cúm A/H1N1 hiện nay không phải cúm A từ gia cầm, vật nuôi; chỉ khi nào mắc cúm A từ gia cầm, vật nuôi thì khả năng tử vong mới cao. Cúm A/H1N1 là bệnh dễ lây nhưng tử vong thường chỉ xảy ra ở cơ địa đặc biệt, vì miễn dịch của những người này kém, phổi kém, sức đề kháng yếu, một khi có thêm virus cúm A tấn công sẽ khiến cho vi khuẩn bị bội nhiễm làm cho bệnh nặng thêm và có thể tử vong.

Đặc biệt, thông qua các kết quả phân tích, xét nghiệm thì chủng cúm đang lưu hành hiện nay là A/H1N1 2009, nghĩa là virus cũ xuất hiện từ năm 2009 và đã được sản xuất vắc-xin phòng bệnh. “Bệnh chỉ trở thành đại dịch nếu như xuất hiện chủng virus cúm mới với cấu trúc thay đổi sẽ làm tốc độ lây lan rất nhanh, mạnh. Do đó người dân không nên quá lo lắng”- BS Khanh nhận định.

Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Phân tích kỹ hơn về mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1, PGS.TS Phan Trọng Lân cho rằng, đối với cúm A/H1N1 nói riêng và cúm mùa nói chung, phần lớn có diễn biến từ nhẹ đến nặng và thông thường sẽ khỏi bệnh trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên đối với các đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, những người mắc các bệnh mãn tính, các bệnh chuyển hóa và các bệnh suy giảm miễn dịch có thể dễ có các biến chứng nguy hiểm. “Biến chứng ở đây có thể do cúm, có thể do các bệnh khác gây nên và những người có nguy cơ tiếp xúc cao thì cũng có nguy cơ cao, có thể diễn tiến nặng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời”- PGS Lân chia sẻ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm ngừa vắc-xin cúm mỗi năm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Ngoài ra, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Đồng thời thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là việc tuân thủ rửa tay sạch bằng xà phòng; hạn chế đến những nơi đông người, khi ho hay hắt hơi phải lấy tay che miệng. Người bị cúm nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Hầu hết sẽ hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virus cúm.

Hồng Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/lo-ngai-cum-a-h1n1-tintuc413088