Lo ngại dịch sởi

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, bệnh sởi đã xuất hiện tại 30/30 quận huyện với hơn 500 ca mắc. Còn tại các tỉnh phía nam, chỉ trong 3 tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh tăng đột biến, gấp 5 lần so với tháng trước.

Tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh sởi.

Nguy cơ “dịch chồng dịch”

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, cả nước có hơn 30.000 ca bệnh tay chân miệng, 63 tỉnh thành đều có ca mắc, trong đó có hơn 16.900 ca nhập viện; sốt xuất huyết có 42.600 ca mắc, 9 ca tử vong.

Sốt xuất huyết và tay-chân miệng là 2 bệnh đang vào mùa cao điểm. Cả 2 bệnh này đều chưa có vắc xin phòng bệnh, chủ yếu phòng ngừa bằng cách đảm bảo vệ sinh.

Trước tình hình dịch bệnh sởi gia tăng, Viện Pasteur TP HCM đã tổ chức họp khẩn trực tuyến với 20 tỉnh phía nam để triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch trong ngày 26/9 vừa qua. PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, khẳng định vắc xin ngừa sởi không thiếu và yêu cầu các tỉnh lên kế hoạch chi tiết, tập trung dập dịch.

Bên cạnh đó, hiện sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang vào “mùa”, Viện Pasteur TP HCM đề nghị các tỉnh rà soát lại tổng thể để có biện pháp phòng chống triệt để, vì nguy cơ “dịch chồng dịch” tại khu vực Đông Nam bộ.

Theo ông Lân, bệnh sởi lây lan rất nhanh, chủ yếu lây qua đường hô hấp; một phần qua bắn các hạt nhỏ do hắt hơi, ho ra môi trường. Sởi là bệnh truyền nhiễm phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo BS Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, BV Nhi đồng 1 những ngày gần đây, khoa liên tục tiếp nhận trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, đỉnh điểm là ngày 24/9 có đến 222 bệnh nhi điều trị tại khoa. Dịch sởi phía bắc đỉnh điểm rơi vào tháng 5, 6; tại phía nam số ca tăng nhiều từ giữa tháng 8 đến nay và chưa có dấu hiệu giảm.

Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, bệnh xảy ra quanh năm. Thời điểm giao mùa như hiện nay, số ca mắc sởi tăng nhanh tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Cũng thời điểm này vào năm 2014, số ca mắc sởi tại Việt Nam lên tới 8.500 và có 114 trẻ tử vong do sởi.

Theo những phân tích của các chuyên gia dịch tễ thời điểm năm 2014, có nhiều lý do dẫn tới sự bùng phát dịch bệnh sởi năm 2013-2014. Trước hết, là theo quy luật về chu kỳ dịch của sởi từ 3-5 năm. Tiếp theo là tình hình thời tiết khí hậu năm vừa qua phù hợp cho việc xuất hiện và lan truyền bệnh đường hô hấp, trong đó sởi là một trong những bệnh có ái lực lây truyền cao nhất ở các nhóm trẻ em chưa có hoặc chưa đủ miễn dịch.

Theo BS Lương Chấn Quang - Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Pasteur TP HCM, từ 2008 đến nay, nước ta ghi nhận có 2 đợt dịch sởi lớn vào cuối năm 2009 đến đầu 2010; cuối 2013 đầu 2014; năm nay dịch tăng từ tháng 8. Phân tích các ca bệnh sởi cho thấy năm nay số bệnh nhân dưới 5 tuổi chiếm 87% (độ tuổi dưới 9 - 18 tháng chiếm số đông).

Trong khi năm 2017 sởi chủ yếu mắc trên người lớn. Có số ca mắc cao nhất khu vực phía nam hiện nay là Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP HCM… Để giải quyết điểm nóng dịch sởi ở Đồng Nai, Viện Pasteur TP HCM đã thành lập đoàn điều tra ở Đồng Nai.

Tốc độ lây lan nhanh

Lãnh đạo Viện Pasteur TP HCM lưu ý nguy cơ bùng phát dịch sởi ở tất cả các tỉnh chứ không phải chỉ diễn ra ở các tỉnh đang có ca bệnh sốt phát ban, sởi. Ngay từ đầu tháng 8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo, đa số đối tượng mắc sởi là trẻ chưa đến tuổi tiêm vắcxin phòng bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắcxin phòng bệnh theo quy định. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng-2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắcxin sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vắcxin Sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh sởi rất dễ lây, do vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Đặc biệt, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học là nơi tập trung đông trẻ em nên cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Người mắc sởi cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban.

Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế. Cục Y tế dự phòng nêu rõ, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa Đông Xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài.

Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh, cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.

Trẻ em không được tiêm vắcxin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, mỗi năm, Hà Nội có khoảng 140.000 - 150.000 trẻ chào đời, với tỉ lệ 5% trẻ chưa được tiêm phòng, tức là có khoảng 7.000 trẻ không được tiêm và con số sẽ tăng dần khi tích lũy theo các năm. Trong khi đó, sởi là bệnh dễ lây truyền, với người chưa có miễn dịch sởi, chưa được tiêm phòng khi tiếp xúc với nguồn bệnh tỉ lệ mắc bệnh gần như là 100%.

* Theo Cục Y tế dự phòng, thời kỳ ủ bệnh sởi kéo dài từ 7-18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắcxin là bền vững. Miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng từ 6-9 tháng sau khi ra đời...

Thành Tâm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/lo-ngai-dich-soi-tintuc418502