Lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam do giá tăng cao

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), chưa năm nào giá cà phê cao như năm 2024, đem lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân nhưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua và đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Giá cà phê tăng cao, lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFFA), tháng 3/20204, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 185.281 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu bình quân quý I/2024 vừa qua đạt 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 956.000 tấn cà phê, đạt hơn 3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân sống đạt gần 870 nghìn tấn, đạt 2,54 tỷ USD; xuất khẩu cà phê chế biến đạt trên 87 nghìn tấn, đạt gần 500 triệu USD.

Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 60% trong tổng số sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Hiện tồn kho cà phê trong doanh nghiệp và nông dân không nhiều, do đó lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm.

6 tháng đầu niên vụ 2023/2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 956.000 tấn cà phê, đạt hơn 3 tỷ USD (Ảnh: ITN)

Bên cạnh đó, giá cà phê hiện nay đang có sự biến động mạnh, tăng từ 47.000 đồng/kg tháng 3/2023 lên 58.000 đồng/kg tháng 10/2024, hiện nay lên đến gần 130.000 đồng/kg. Giá cà phê tăng nhanh và cao như hiện nay trực tiếp đem lại cho người sản xuất cà phê Việt Nam nhiều nguồn lợi nhất.

Tuy nhiên, những biến động về giá này cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, cụ thể, giá thu mua cà phê đã tăng gần gấp 3 lần so với đầu vụ cà phê trước yêu cầu các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn, tuy nhiên, hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không tăng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng nhanh của giá cũng sẽ gắng liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái.

Đại diện Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam đánh giá, chưa năm nào giá cà phê cao như năm nay. Giá tăng mạnh đã khiến năng lực thu mua của các doanh nghiệp giảm xuống và đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, các hợp đồng tương lai có rủi ro rất cao. Trong khi Việt Nam phải đến tháng 10 tới mới vào thu hoạch cà phê vụ mới, những diễn biến thời tiết khô hạn khắc nghiệt hiện nay ở Tây Nguyên cũng khiến nông dân lo ngại về sản lượng cà phê của vụ tới.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, thị trường cà phê Việt Nam năm nay đã trở thành một vấn đề thời sự, giá cà phê tăng mạnh từ 30.000-50.000 đồng/kg lên đến hơn 130.000 đồng/kg, gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam.

Các nhà xuất khẩu, các công ty thương mại thu mua cà phê trong nước đã ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu cà phê ở nước ngoài từ đầu vụ cà phê với giá dao động từ khoảng 50.000-70.000 đồng/kg, đến nay, do thị trường nước ngoài khan hiếm cà phê, cung không đủ cầu,... chuỗi cung ứng thay đổi, địa chính trị thay đổi nên thị trường cà phê thế giới biến động lớn, giá cà phê tăng phi mã.

Đến nay, do giá cà phê tăng nên nhiều nhà vườn có thu hoạch cà phê cũng không muốn bán, dẫn đến “cháy” hợp đồng với nhà cung ứng và nhà nhập khẩu nước ngoài, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành cà phê Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế.

Năm 2023, Đắk Lắk xuất khẩu 304.064 tấn cà phê

Theo ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cà phê Việt Nam hiện đang chiếm vị trí khá quan trọng trên bản đồ cà phê thế giới. Dù duy trì vị thế là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới cũng như sở hữu những lợi thế nhất định, nhưng trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động như hiện nay, cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, không chỉ chịu tác động bởi yếu tố cung - cầu, mà còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như các yếu tố địa lý, chính trị, thương mại và đầu tư toàn cầu…

Du khách trong và ngoài nước trải nghiệm cà phê Đắk Lắk tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 (Ảnh:TTXVN)

Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cây cà phê được xác định là cây trồng chủ lực và là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk. Diện tích trồng cà phê năm 2023 hơn 200 nghìn ha và sản lượng gần 550 nghìn tấn, chiếm 1/3 diện tích cũng như sản lượng cà phê của cả nước.

Lượng cà phê xuất khẩu năm 2023 đạt 304.064 tấn, chiếm hơn 55% sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu đạt 760,396 triệu USD, đóng góp hơn 50% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Đắk Lắk cũng như 18% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Nhật Bản hiện là thị trường lớn nhất, với kim ngạch chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh, tiếp sau là các thị trường Italia, Thụy Sỹ, Đức, Nga, Hà Lan... Đối với cà phê hòa tan, xuất khẩu đến 23 thị trường, trong đó Indonesia và Thái Lan là 02 thị trường lớn nhất.

Trong những năm qua, với những nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, các cấp, các ngành của tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số đề án khuyến khích xây dựng mô hình, công nghệ chế biến theo quy trình công nghệ tiên tiến để chế biến xuất khẩu.

Chất lượng cà phê xuất khẩu đã được quan tâm, đảm bảo được yêu cầu, quy chuẩn về chất lượng đối với cà phê tại các thị trường nhập khẩu. Xuất khẩu cà phê hòa tan đã có sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây tuy nhiên tỷ trọng vẫn còn thấp. Ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cà phê cũng đã chú trong đến thị trường tiêu thụ trong nước, nhiều sản phẩm cà phê chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Hiện nay để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh mặt hàng cà phê của tỉnh, cả người sản xuất và doanh nghiệp cà phê trên địa bàn đã đầu tư vốn để chăm sóc, tái canh diện tích cà phê già cỗi để tăng năng suất cũng như đầu tư máy móc thiết bị chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê trên thị trường. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.

Nâng cao chất lượng và giá trị cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk

Mặc dù vậy, theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi, việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cà phê Đắk Lắk vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tình trạng thu hoạch quả xanh vẫn còn diễn ra, quá trình sơ chế, phơi khô cà phê nhân chưa đảm bảo quy trình; máy móc, thiết bị sơ chế của người nông dân còn lạc hậu, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của sản phẩm cà phê; doanh nghiệp sản xuất cà phê chất lượng cao gặp khó khăn về tài chính khi đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến sâu.

Đồng thời, cà phê có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột được tiêu thụ trong và ngoài nước nhưng số lượng còn ít. Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm cà phê nói chung và cà phê có chỉ dẫn địa lý nói riêng còn hạn chế. Công tác xây dựng, phát triển thương hiệu chưa được doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả.

Sự liên kết “4 nhà” nhất là liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu cà phê còn mang tính tự phát, vai trò của doanh nghiệp, các đơn vị khoa học còn hạn chế. Sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có đầu mối cụ thể hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê vì thế thiếu tính ổn định, bền vững lâu dài.

Nâng cao nhận thức của người trồng cà phê không thu hái quả xanh, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk

Nhận diện được những khó khăn này, ông Lưu Văn Khôi đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc đồng thời tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cà phê Đắk Lắk, cụ thể, tiếp tục nâng cao nhận thức của người trồng cà phê không thu hái quả xanh, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu của tỉnh.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu mua, chế biến cà phê gắn kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sau thu hoạch; đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chế biến ra các sản phẩm cà phê có chất lượng cao nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu; chú trọng và quan tâm hơn trong việc xây dựng thương hiệu phát triển sản phẩm.

Đồng thời, tiếp tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” tại các nước còn lại và xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột vào EU. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước.

Kịp thời nắm bắt xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm, cũng như yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường; Áp dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên vào hoạt động xuất khẩu cà phê, qua đó tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm xuất khẩu cà phê.

Chung tay liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng, tập trung phát triển sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo hộ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

"Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng phù hợp với quy định không gây mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu bởi cà phê là một trong 03 mặt hàng của Việt Nam nằm trong nhóm 07 mặt hàng nông sản chịu sự kiểm soát của EUDR." - ông Lưu Văn Khôi chia sẻ.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/lo-ngai-dut-gay-chuoi-cung-ung-ca-phe-viet-nam-do-gia-tang-cao-120547.htm