Lo ngại Hồ Tây có thể thành 'hồ chết'

Chủ tịch Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bày tỏ lo ngại Hồ Tây có thể thành 'hồ chết' vì ngoài nước mưa, hồ không có nguồn nước bổ sung nào khác.

Hồ Tây chỉ còn một nguồn cung cấp nước duy nhất từ những cơn mưa. Ảnh minh họa

Chiều qua 19.12, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước Hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững”.

Ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phát biểu tại tọa đàm chiều qua 19.12. Ảnh: Q.P

Tại tọa đàm, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Hồ Tây đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Mưa là nguồn bổ cập nước tự nhiên duy nhất vào hồ.

Vào mùa khô, lượng nước mưa ít trong khi lượng nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao, đồng thời hiện tượng biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc mất cân bằng, gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ.

Ngoài ra, môi trường nước hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng.

“Hồ Tây có thể biến thành hồ chết, nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và nếu mực nước hồ tiếp tục giảm, hệ sinh thái trong hồ sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng lo ngại.

Do vậy, theo ông Hùng việc bổ cập nước cho hồ là hết sức cần thiết.

Công ty Thoát nước đưa ra 3 nguồn nước chính có thể cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch gồm: Nước ngầm thông qua các giếng khoan; Nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn; Lấy nước từ sông Hồng.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Cty thoát nước, GS Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thủy lợi cho biết, trong những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm.

Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch.

PGS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cũng đồng ý với đề xuất lấy nước sông Hồng cung cấp và làm sạch Hồ Tây.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, quy trình đưa nước sông Hồng vào hồ Tây được ông Hạ đề nghị cần phải tính toán kỹ việc xử lý nước vì đây là hồ cảnh quan, khu vui chơi giải trí của người dân.

Trước đó, tháng 7.2018, cá ở Hồ Tây bất ngờ chết hàng loạt. Trong ít ngày, cơ quan chức năng đã vớt được hơn 20 tấn cá chết.

Thời điểm đó, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân có thể do mưa xuống bất ngờ sau nhiều ngày dài nắng nóng khiến nhiệt độ môi trường nước thay đổi đột ngột. Thân nhiệt cá rất nhạy cảm nên dễ bị sốc nhiệt, ngạt khí, dẫn tới cá chết hàng loạt.

Tháng 10.2016, tại Hồ Tây cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết với số lượng khoảng 200 tấn.

Nhà chức trách đã phải điều động hơn 1.000 công nhân thu gom cá trong nhiều ngày. Sau vụ việc, toàn bộ hồ được xử lý để làm sạch nguồn nước và cung cấp thêm oxy.

T.T

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/lo-ngai-ho-tay-co-the-thanh-ho-chet-647717.ldo