Lo ngại số phận rừng Amazon dưới thời ông Bolsonaro

Các nhà khoa học cảnh báo rằng Tổng thống đắc cử của Brazil Jair Bolsonaro có thể đẩy rừng nhiệt đới Amazon vượt qua 'điểm bùng phát', để lại những hậu quả nặng nề cho khí hậu toàn cầu và lượng mưa.

Phá rừng trái phép ở Brazil. Ảnh: AP

Tại hội nghị quốc tế về khí hậu diễn ra ở Ba Lan vào tuần tới, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới có thể sẽ đặt dấu hỏi về vai trò của Brazil trong việc định hình tương lai của rừng Amazon sau khi ông Bolsonaro nhậm chức vào ngày 1-1-2019. Mỗi năm, rừng Amazon thấp thu đến 2 tỉ tấn cácbon điôxít (CO2) từ bầu khí quyển và thải ra 20% lượng ôxy của hành tinh, nên nó có biệt danh là “lá phổi của hành tinh”. Với diện tích lớn gấp 10 lần bang Texas của Mỹ, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Hàng tỉ cây hút nước thông qua rễ ăn sâu dưới đất và bơm lên lá. Quá trình này tạo ra hơi nước để sau đó hình thành một lớp sương dày phía trên tầng tán của khu rừng. Khi bay lên cao, lớp sương này trở thành các đám mây và tạo ra mưa - chu kỳ giúp định hình các mùa ở Nam Mỹ và những vùng khác. Ước tính, rừng Amazon tạo ra 30%-50% lượng nước mưa.

Thế nhưng, trong chiến dịch tranh cử, ứng viên cực hữu Bolsonaro cam kết sẽ nới lỏng những quy định về bảo vệ một số khu vực của Amazon thuộc lãnh thổ Brazil, vốn được xem là những vùng đất bản địa và khu vực bảo tồn thiên nhiên. Theo ông, những vùng này cản trở sự phát triển kinh tế Brazil. Trong cuộc phỏng vấn hậu bầu cử, vị này thậm chí liên tục đề cập đến chuyện “tiếm quyền” của Bộ Môi trường. Trong 27 năm làm nghị sĩ, nhân vật có biệt danh “ông Trump xứ nhiệt đới” vì có một số điểm tương đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng từng đi đầu trong các chiến dịch đòi dỡ bỏ quy định bảo vệ đất của người dân bản xứ và thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp.

Đáng nói, khoảng 60% diện tích rừng nhiệt đới Amazon lại nằm ở Brazil và điều này khiến giới khoa học lo ngại. Paulo Artaxo, giáo sư về vật lý môi trường tại Đại học Sao Paulo, cho rằng nếu ông Bolsonaro giữ đúng lời hứa khi tranh cử, nạn phá rừng ở Amazon có thể sẽ tăng nhanh và những tác động của nó sẽ được cảm nhận ở mọi nơi trên hành tinh này. Artaxo đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh dữ liệu mới của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ cho thấy tỷ lệ phá rừng, thủ phạm chính gây ấm lên toàn cầu, đã tăng trong năm qua.

Trong diễn biến khác, Tổng thống Trump ngày 26-11 tuyên bố ông không tin những dự đoán trong một báo cáo mới đây của Chính phủ Mỹ về tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng tỉ USD vào cuối thế kỷ này. Đây là lần thứ hai nhà lãnh đạo Mỹ bác bỏ báo cáo này sau lần đầu tiên hồi năm ngoái, thời điểm ông quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trước đó, ngày 23-11, Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu của Mỹ đã công bố báo cáo có tên Đánh giá Khí hậu Quốc gia, trong đó khẳng định “với tốc độ phát thải đang gia tăng ở mức lịch sử, tổn thất hàng năm ở một số lĩnh vực kinh tế dự kiến sẽ đạt mức hàng trăm tỉ USD vào cuối thể kỷ này, cao hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều bang ở Mỹ”. Ngoài những dự đoán về tác động tới nền kinh tế Mỹ, báo cáo cũng cho biết biến đổi khí hậu sẽ làm suy yếu sức khỏe con người, gây thiệt hại hạ tầng cơ sở, hạn chế sự có sẵn của nguồn nước, thay đổi đường bờ biển và tăng chi phí trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Được Quốc hội Mỹ ủy quyền, báo cáo có mục đích thông báo tình hình với các nhà hoạch định chính sách, song không đưa ra bất kỳ khuyến nghị cụ thể nào về những hành động cần thực hiện.

THANH BÌNH (Theo AP)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/lo-ngai-so-phan-rung-amazon-duoi-thoi-ong-bolsonaro-a104217.html