Lo ngại tàn quân IS lợi dụng tình hình Syria để trỗi dậy

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 10/10 đã kêu gọi liên minh được thành lập để chống lại tổ chức 'Nhà nước Hồi giáo' (IS) tự xưng, tiến hành họp khẩn nhằm thảo luận về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd tại miền Bắc Syria.

Khói bốc lên sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd ở thành phố Ras al-Ain, miền Bắc Syria ngày 9/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Khói bốc lên sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd ở thành phố Ras al-Ain, miền Bắc Syria ngày 9/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu với kênh truyền hình France 2, Ngoại trưởng Le Drian cho biết liên minh trên, bao gồm hơn 30 quốc gia, cần thảo luận một loạt vấn đề do IS có thể lợi dụng tình thế thay đổi trên chiến trường để trỗi dậy.

Ngoại trưởng Le Drian nêu rõ một trong những vấn đề liên minh này cần thảo luận là những biện pháp sẽ thực hiện để có thể bảo đảm an ninh ở những địa điểm giam giữ các tay súng IS.

Pháp là một trong số những đồng minh chủ chốt của Mỹ tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống IS ở Syria và Iraq.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria có thể phá hoại "những tiến bộ to lớn" đạt được trong cuộc chiến chống IS.

Phát biểu với báo giới sau khi gặp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Athens, ông Stoltenberg cho biết liên minh toàn cầu đã đạt được những "tiến bộ to lớn" trong cuộc chiến chống IS, với các dải lãnh thổ có diện tích tương đương với nước Anh đã được giải phóng khỏi tổ chức khủng bố này. Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh: "Chúng ta cần đảm bảo sẽ duy trì được những thành tựu đó".

Ông cũng bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế và đảm bảo rằng những hành động tại miền Bắc Syria được cân nhắc thận trọng và cân đối cũng như tránh thêm thiệt hại về người. Ông nói: "Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta cần tiếp tục cùng nhau chiến đấu chống lại kẻ thù chung là IS".

Trước đó, ngày 10/10, lực lượng người Kurd ở Syria cho biết vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh trúng vào một nhà tù mà lực lượng này dùng để giam giữ các tay súng IS, mặc dù Ankara cam kết không gây phương hại cho chiến dịch chống IS của liên quân.

Trong hơn 5 năm qua, các lực lượng người Kurd tại Syria, được Mỹ hậu thuẫn, đã đi đầu trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Hiện lực lượng này vẫn đang giam giữ hàng nghìn tay súng IS. Do vậy, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng mới ở khu vực này cũng như nguy cơ hàng nghìn phần tử IS hiện bị các lực lượng người Kurd ở Syria giam giữ có thể lợi dụng để trốn thoát.

Cùng ngày, Na Uy, đồng minh trong NATO với Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố nước này sẽ ngừng mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí mới tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara tiến hành chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd tại miền Bắc Syria.

Trong một bức thư điện tử gửi tới hãng tin AFP, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide nêu rõ: "Xét thấy tình hình diễn biến phức tạp và thay đổi nhanh chóng, như một biện pháp đề phòng, Bộ Ngoại giao sẽ không giải quyết bất kỳ yêu cầu mới nào về việc xuất khẩu vật liệu quốc phòng hay vật liệu đa mục đích... tới Thổ Nhĩ Kỳ".

Trong khi đó, các nguồn thạo tin tiết lộ Tây Ban Nha lên kế hoạch rút các hệ thống phòng không Patriot của nước này khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xung đột giữa Ankara với người Kurd ở Syria trở nên trầm trọng hơn.

Theo báo El Pais, các hệ thống phòng không của Tây Ban Nha được triển khai ở căn cứ quân sự Incirlik ở tỉnh Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ hoạt động của NATO. Có 150 binh sĩ Tây Ban Nha được triển khai ở căn cứ này. Trong khi đó, một số nước tiếp tục phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi ngày 10/10 dẫn tuyên bố của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi tái khẳng định phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.

Phát biểu trong cuộc hội đàm với Quốc vương Jordan AbdullahII đang có chuyến thăm thủ đô Cairo, Tổng thống El-Sisi cho rằng hành động tấn công của Ankara là xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Về phần mình, Quốc vương Jordan kêu gọi cần tiến tới một giải pháp chính trị toàn diện để chấm dứt những tổn thương đối với người dân Syria, duy trì thống nhất và toàn vẹn của quốc gia Trung Đông này.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iraq Barham Salih, nhà lãnh đạo Ai Cập và người đồng cấp Iraq cũng chia sẻ lập trường về những diễn biến tại Syria sau quyết định tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp trong nỗ lực hướng tới một hành động Arab chung nhằm phản ứng trước cuộc tấn công của Ankara.

Cùng ngày, Quốc hội Libya, có trụ sở ở miền Đông, trong một tuyên bố đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria, coi đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp và các công ước quốc tế. Quốc hội miền Đông Libya cũng đồng thời đề nghị Liên hợp quốc can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn hoạt động xâm lược này, cũng như bảo vệ người dân Syria khỏi các mối đe dọa liên quan, đồng thời kêu gọi Liên đoàn Arab (AL) thảo luận và ra nghị quyết chống lại hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp khẩn cấp của liên đoàn dự kiến diễn ra ngày 12/10 tới.

Minh Châu - Việt Khoa - Quang Trường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/quan-su/lo-ngai-tan-quan-is-loi-dung-tinh-hinh-syria-de-troi-day-20191011103248090.htm