Lo ngại tình trạng bán... rừng non

Việt Nam đang có khoảng 3 triệu ha rừng sản xuất mà trong đó khoảng 90% là rừng trồng keo làm nguyên liệu cho ngành gỗ, dăm gỗ. Tuy nhiên, thực trạng đáng lo là chu kỳ trồng - chặt quá ngắn, chất lượng gỗ rừng trồng còn thấp và thậm chí có ý kiến cho rằng việc xuất khẩu dăm gỗ hiện nay tựa như việc bán rừng non.

Một khu rừng ở phía Bắc Việt Nam. Ảnh: Văn Nam

Tại Hội nghị của Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu diễn ra tại TPHCM sáng nay (8-8), ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, từ năm 2014 đến nay mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn dăm gỗ khô và trở thành nước xuất khẩu dăm gỗ hàng đầu trong khu vực và thế giới, trong đó trên 60% lượng dăm gỗ xuất sang Trung Quốc, còn lại sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác.

Để xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn dăm gỗ (cần đến 16 triệu mét khối gỗ) và với giá xuất khẩu dăm gỗ như hiện nay là 121 đô la Mỹ/tấn sang Trung Quốc và 124 đô la/tấn sang Nhật Bản thì mỗi năm Việt Nam chỉ thu được trên dưới 1 tỉ đô la.

Với giá đầu ra như vậy, ông Hoài cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ dù có yêu quý lâm dân đến mấy cũng chỉ thu mua gỗ keo với giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/tấn gỗ (tùy kích thước và độ già hay non của gỗ) bởi sau khi nộp thuế xuất khẩu 2% thì doanh nghiệp dăm gỗ cũng chỉ còn 1-2% lãi.

“Với sự tham gia của người dân trồng rừng nên Việt Nam đã đạt được gần 3 triệu ha rừng trồng như hôm nay nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu Việt Nam có chấp nhận tiếp tục là nhà cung cấp dăm giá rẻ để nuôi sống ngành công nghiệp giấy của nhiều nước hay không? Liệu có chấp nhận tiếp tục việc trồng rừng với chu kỳ trồng - chặt trong 5-6 năm, thậm chí là 4 năm như hiện nay hay không?”, ông Hoài đặt vấn đề trước hội nghị sáng nay.

Cũng theo ông Hoài, chuyên gia nước ngoài từng nhận xét Việt Nam đang trồng và bán rừng non như bán lúa non chứ không phải làm lâm nghiệp. Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu nguyên liệu giấy không tăng nên nếu Việt Nam xuất khẩu nhiều dăm gỗ thì chúng ta sẽ tự làm khó mình.

Đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam cho rằng nhìn tổng thể ngành gỗ Việt Nam đang phát triển bằng gia tăng đầu vào theo chiều rộng chứ không phải theo chiều sâu bằng khoa học công nghệ, bằng mẫu mã thương hiệu và tay nghề tạo ra sự khác biệt của sản phẩm và thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải tái cấu trúc cả đầu vào lẫn đầu ra của ngành công nghiệp gỗ.

Để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững, đối với nguồn cung trong nước, Việt Nam cần phải có quy hoạch vùng nguyên liệu dài hạn và bền vững hơn bởi hiện nay Việt Nam có gần 3 triệu ha rừng trồng sản xuất với hơn 90% rừng trồng keo và do diện tích giới hạn nên lựa chọn duy nhất hiện nay chỉ còn là tăng năng suất rừng keo để tăng sản lượng gỗ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trong năm 2017 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỉ đô la và ngành này kỳ vọng cả năm nay đạt kim ngạch xuất khẩu lên đến 9 tỉ đô la, đây là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam và đang chiếm 6% thị phần đồ gỗ của thế giới.

Bên cạnh đóng góp lớn về kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nhưng nguồn nguyên liệu gỗ cho ngành gỗ của Việt Nam vẫn chưa phát triển bền vững, chất lượng gỗ rừng trồng còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cho khoảng 4.500 doanh nghiệp gỗ trong nước, nhập khẩu gỗ ngày càng khó khăn do các nước xuất khẩu gỗ siết chặt nguồn gỗ.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp và chất lượng cho ngành gỗ, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu về giống và kỹ thuật trồng rừng, tăng cường kiểm soát giống, ngăn chặn tình trạng sử dụng giống trôi nổi, không có xuất xứ rõ ràng.

Ông Cường cho biết ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư và sử dụng hiệu quả gần 3 triệu ha rừng trồng, ổn định diện tích khai thác rừng trồng tập trung khoảng 200 - 300 ngàn ha mỗi năm với sản lượng khai thác khoảng 19 triệu mét khối trong năm nay và tăng lên khoảng 30 triệu mét khối vào năm 2025. Phấn đầu đến năm 2020 cả nước có 300.000 ha rừng trồng và đến năm 2025 tăng lên một triệu ha rừng trồng sản xuất tập trung được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sắp tới ngành gỗ Việt Nam sẽ chuyển hướng từ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên sang nguyên liệu gỗ rừng trồng, không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu và các sản phẩm sơ chế để doanh nghiệp gỗ trong nước sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước bền vững, chỉ nhập khẩu các nguyên liệu Việt Nam chưa thể sản xuất được.

Văn Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276753/lo-ngai-tinh-trang-ban-rung-non.html