Lo ngại tình trạng trẻ em nghiện Internet

Trẻ em nghiện Internet dường như không còn là nguy cơ mà đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong xã hội. Mùa hè đến, trẻ em không phải đến trường, thời gian các em tự học, tự vui chơi, giải trí sẽ nhiều hơn và nghiện Internet cũng dễ xảy ra hơn.

Trẻ em cần được trang bị kiến thức sử dụng mạng Internet an toàn

Trẻ em cần được trang bị kiến thức sử dụng mạng Internet an toàn

Chị Hoàng Thu Thủy (Long Biên- Hà Nội) cho biết: “Mỗi dịp hè đến tôi rất lo con lại nghiện Internet, vì con không phải đến trường, thời gian con tự học, tự chơi tại nhà rất nhiều, sử dụng mạng Internet dường như là tất yếu. Con chưa chủ động được trong cách sử dụng mạng Internet nên thời gian hè có thể bị nghiện”.

Cùng chung tâm lý này, chị Nguyễn Thanh Mai (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cũng lo lắng khi sân chơi cho trẻ em trong thành phố hiện tại không nhiều. “Bố mẹ cũng đi làm cả ngày, chỉ có ít thời gian cuối tuần cho con. 5 ngày còn lại trong tuần con gần như chỉ trong nhà, vì không biết tự đi đâu, chơi gì và cũng rất nắng nóng, ra ngoài dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đợt học online do dịch Covid-19 trong những năm qua đã khiến con quá ham mê mạng Internet, rất khó để hạn chế con. Giờ được nghỉ hè bố mẹ lại lo lắng”.

Nghiện Internet đã trở thành một thực trạng đáng báo động. Ông Đinh Tiến Dũng- Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) dẫn báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết, tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ tham gia khảo sát sử dụng Internet hơn một tiếng/ngày; 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng Internet từ 1-3 tiếng/ngày; 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 50,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận Internet với bố mẹ/người thân.

Đáng chú ý chỉ có 30,4% bố mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng Internet của trẻ, chưa kể 4% trẻ em giấu không cho bố mẹ/người thân biết mình có sử dụng Internet.

Trẻ ở lứa tuổi lớn hơn thì giấu không cho bố mẹ/người thân biết về các hoạt động trên mạng Internet của mình nhiều hơn nhóm trẻ ở lứa tuổi nhỏ (7,6% so với 1,3%). Đa số trẻ tham gia khảo sát (60%) trả lời là cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. Tuy nhiên, trẻ em cũng nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng Internet, đặc biệt là bị nghiện Internet (60,9%).

“Hiện nay, việc trẻ em bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần do sử dụng Internet, game online quá nhiều không phải là hiện tượng ít gặp trong cuộc sống thực, đặc biệt cha mẹ đôi khi coi việc chơi game sử dụng công nghệ của trẻ là cách giảm thiểu những thời gian mà họ bận dành cho công việc khác”- ông Đinh Tiến Dũng nói.

Ngoài tình trạng này, ông Đinh Tiến Dũng cũng cảnh báo một số nguy cơ khác mà người chưa thành niên thường gặp trên không gian mạng như: bí mật riêng tư và thông tin cá nhân của người chưa thành niên; Bị lợi dụng để xây dựng văn hóa phẩm khiêu dâm; Bị xâm hại tình dục, mại dâm trẻ em và buôn bán trẻ em; bị bắt nạt trực tuyến hay tiếp cận nội dung có hại thông qua CNTT-TT…

Theo đại diện Cục Thông tin đối ngoại, Việt Nam đã có văn bản quy định về cung cấp dịch vụ đối với trò chơi điện tử trực tuyến và hoạt động của các quán cà phê Internet nhằm kiểm soát hành vi nghiện Internet và hạn chế trẻ em sử dụng Internet quá mức. Tuy nhiên, vẫn chưa ban hành hướng dẫn hay khuyến nghị về những biện pháp phải thực hiện để hạn chế thời lượng chơi của trẻ em do việc sử dụng Internet và chơi game được trẻ xem tại nhà và sử dụng các thiết bị thông minh mà có thể dễ dàng mua trên thị trường với số tiền không quá lớn.

Để bảo vệ người chưa thành niên trên không gian mạng, nhiều nước đã ban hành các quy định để hạn chế nhóm đối tượng này gặp phải các nguy cơ nêu trên. Điển hình như Trung Quốc. Nước này vừa ban hành quy định cụ thể về thời gian chơi game cho trẻ dưới 18 tuổi. Quy định này do lo ngại ngày một lớn về ảnh hưởng của game đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em.

Tại Trung Quốc, khoảng 62,5% trẻ vị thành niên thường chơi game online, 13,2% trẻ chơi game di động nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày.

Do đó, ông Đinh Tiến Dũng khuyến nghị, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức, cung cấp thêm nhiều sản phẩm CNTT có ích, hấp dẫn trẻ em... để phòng ngừa và hỗ trợ rủi ro về nội dung, cha mẹ, thày cô và chăm sóc trẻ luôn giám sát, theo dõi việc trẻ em sử dụng Internet; Đồng thời, biết cách phối hợp để có biện pháp kiểm soát thông tin con trẻ khi sử dụng Internet; Cùng trẻ, hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng Internet an toàn và các tác dụng tích cực…

Đối với người chưa thành niên, nên biết cách sử dụng Internet an toàn, biết thời lượng sử dụng Internet phù hợp.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lo-ngai-tinh-trang-tre-em-nghien-internet-post540438.antd