Lo ngại về tiền điện tử

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 18-10 thông báo, các nước lớn ở châu Âu đang nỗ lực ngăn chặn tiền điện tử Libra của mạng xã hội Facebook, vì cho rằng đồng tiền này có thể đe dọa vấn đề chủ quyền quốc gia cũng như khuyến khích rửa tiền.

Tiền điện tử Libra gây lo ngại tại nhiều nước

Tiền điện tử Libra gây lo ngại tại nhiều nước

Ngăn chặn sự lớn mạnh của tiền điện tử

Trả lời báo giới bên lề cuộc họp của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại thủ đô Washington (Mỹ), Bộ trưởng Le Maire cho biết, Pháp, Đức và Italy sẽ có các biện pháp chung trong những tuần tới để “cho thấy rõ rằng Libra không được hoan nghênh ở châu Âu”. Bộ trưởng Le Maire khẳng định: “Chúng tôi sẽ không cho phép một công ty tư nhân có quyền lực và sức mạnh tiền tệ như một quốc gia có chủ quyền”. Cùng chia sẻ quan điểm với Pháp, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, ông rất quan ngại về dự án tiền điện tử Libra. Ông chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc không nên hoan nghênh quá trình xây dựng một dự án tiền điện tử quy mô toàn cầu như vậy”. Những tuyên bố mạnh mẽ của các nước châu Âu được đưa ra không lâu sau khi Liên minh Libra, tổ chức giám sát đồng tiền số Libra của Facebook, tiến hành cuộc họp hội đồng đầu tiên tại Geneva, Thụy Sĩ. Tại cuộc họp này, Liên minh Libra đã công bố 21 thành viên chính thức, sau khi một số đối tác lớn tuyên bố rút khỏi liên minh.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp và giới chức quản lý tài chính tại nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về tác động của tiền Libra tới hệ thống tài chính toàn cầu, khi hơn 2 tỷ người dùng Facebook có thể sử dụng đồng tiền này. Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ cho rằng, đồng tiền số Libra gây ra các nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, thương mại, an ninh quốc gia và chính sách tiền tệ, đồng thời yêu cầu Facebook ngừng triển khai kế hoạch này cho tới khi các cơ quan quản lý và quốc hội các nước thông qua một cơ chế pháp lý phù hợp. Dự kiến, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg sẽ ra điều trần trước Hạ viện Mỹ về dự án này trong ngày 23-10 tới.

Nguy cơ rửa tiền

Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) cảnh báo, việc các đồng tiền điện tử kiểu như đồng Libra của Facebook được sử dụng rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn các mô hình rửa tiền và đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố. Theo cơ quan trên, các “stablecoins” (các loại tiền điện tử cơ bản được gắn với đồng tiền truyền thống) có tính ít biến động và không phụ thuộc vào ngân hàng trung ương nào, dễ được công chúng chấp nhận rộng rãi và có thể thanh toán ngang hàng online mà không cần đến các cơ chế quản lý trung gian, do đó cản trở các nỗ lực ngăn chặn hoạt động tội phạm.

Trong khi đó, phía Facebook cho rằng, Libra sẽ giúp mở rộng độ tiếp cận dịch vụ tài chính tại các nước đang phát triển, giảm chi phí và thời gian chuyển tiền. Nhóm các nước phát triển G7 (gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) cho rằng, việc sử dụng rộng rãi các loại tiền điện tử sẽ đe dọa hệ thống tiền tệ thế giới và sự ổn định tài chính, do đó chỉ nên sử dụng những đồng tiền như Libra khi các rủi ro nêu trên được tháo gỡ.

Dự kiến sang năm 2020, FATF sẽ công bố báo cáo về “stablecoins” do bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương các nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế (G20) soạn thảo. Cơ quan giám sát chống rửa tiền toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến về tiền điện tử Libra. Ông Xiangmin Liu, Chủ tịch FATF, cho biết việc sử dụng tiền điện tử bất hợp pháp đang lan rộng với tốc độ nhanh. Các trường hợp từ rửa tiền đến buôn bán ma túy bị phát hiện, có lẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong quy mô thực tế sử dụng tiền ảo của bọn tội phạm.

HUY QUỐC tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lo-ngai-ve-tien-dien-tu-623478.html