Lo người nghèo không có biển số đẹp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu gây tranh cãi

Khi đưa đấu giá biển số đẹp vào đời sống, nhà nước có thêm ngân sách là điều đáng mừng nhưng người dân nghèo cũng mất đi cơ hội 'đổi đời'.

Tại phiên Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá mới đây, các đại biểu tập trung thảo luận quy định mức đấu giá khởi điểm biển số xe ô tô theo vùng, quyền mua bán, trao đổi, cho, tặng biển số sau khi trúng đấu giá...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.Hồ Chí Minh

Theo đó, một số đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ xảy ra tình trạng người nghèo không thể sở hữu biển số xe đẹp khi đấu giá, trong khi người giàu lại sở hữu rất nhiều biển đẹp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ tạo được thêm nguồn thu cho ngân sách. Việc đấu giá này được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng cần được làm rõ.

"Theo quy định hiện hành, người dân được tự do bấm biển số ô tô khi đi đăng ký ở cơ quan công an. Thực tế, đã rất nhiều người dân bình thường bấm trúng biển số xe ô tô 99999, 12345, 56789... Tuy nhiên, nếu khi áp dụng nghị định mới đấu giá biển số xe, thì chắc chắn những biển số được cho là đẹp như trên sẽ không thể đến tay người nghèo, hầu hết những người có điều kiện kinh tế sẽ sở hữu", ông Nghĩa nói và đặt câu hỏi liệu rằng điều này có tạo nên sự bất bình đẳng trong người dân?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, kinh tế thị trường có khoảng cách giàu nghèo. Việc đấu giá biển số xe sẽ khiến người nghèo không đi được chiếc xe như người giàu, nhưng nay người nghèo lại không có cơ hội sở hữu biển số đẹp như người giàu nữa thì càng bất bình đẳng. Đại biểu đề nghị, nên tham khảo ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Nếu thấy nghị quyết còn nhiều vấn đề thì có thể dừng lại nghiên cứu tiếp, “không nên gấp việc này”. Lý do là nếu đưa quá nhiều vào nghị quyết nhưng chưa "chín", thì 3 tháng sau Quốc hội lại phải ngồi sửa lại nghị quyết”- vị đại biểu này nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.Hồ Chí Minh lo ngại sẽ xảy ra tình trạng người nghèo không bao giờ còn được sở hữu biển số đẹp khi đăng ký mua xe mới vì nếu đấu giá thì mức tiền đẩy lên rất cao, trong khi người giàu lại sở hữu rất nhiều.

Ông Hải cũng lo ngại, liệu rằng sẽ phát sinh tình trạng một nhóm người chuyên đi đấu giá biển số giá hời ở các địa phương khác rồi về trung tâm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh bán lại với giá cao hơn vài tỷ đồng để trục lợi. Vì vậy, đại biểu Hải đề nghị cần quy định rõ việc mua bán, trao tặng, sử dụng biển số đấu giá này.

Từ một biển số vô tri với người nghèo nhưng có ý nghĩa với người thích biển đẹp, nên dù biển số này gắn với chiếc xe bình dân cũng đủ để tăng giá trị gấp nhiều lần. Nguồn cầu luôn có, nên người nghèo may mắn trúng biển đẹp dễ dàng bán xe để có thêm một khoản tiền không nhỏ trang trải cuộc sống. Nếu nói trúng biển đẹp như trúng số cũng không sai.

Việc đấu giá biển số đẹp được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng cần được làm rõ

Tuy nhiên, rất nhiểu độc giả trên mạng xã hội có suy nghĩ đồng cảm với phát biểu "ngược dòng" của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Đấu giá phải làm công bằng, không thể để lợi cho một nhóm người, đó là công bằng xã hội”- một độc giả cho biết

Có ý kiến lại cho rằng: “Có khi nào người nghèo bốc trúng biển đẹp đâu. May rủi cũng phân biết sang hèn!

Liên quan đến sự công bằng, có độc giả nhấn mạnh: “Chính phủ hãy đảm bảo công bằng, văn minh. Dân chỉ chỉ quan tâm tiền đó có được vào ngân sách Nhà nước và phân bổ cho mục đích phục vụ cộng đồng không?

Xét cho cùng, biển số đẹp cũng có thể là hàng hóa mua bán như nhiều nước trên thế giới đã làm. Điều đó tốt cho cả đất nước và người dân.

Lan Anh- Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lo-nguoi-ngheo-khong-co-bien-so-dep-dai-bieu-truong-trong-nghia-phat-bieu-gay-tranh-cai-224854.html