Lo sợ 'mất tiền chẳng biết đòi ai' khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số

Phó Cục trưởng A05 khẳng định, không có cơ quan công an, Viện kiểm sát nào lại yêu cầu người dân chuyển tiền thông qua điện thoại.

Dữ liệu cá nhân đang được mua bán?

Sáng 13/10, tại hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân", đại diện một số nông dân đã chia sẻ về thực tế trong quá sử dụng công nghệ thông tin, ngân hàng số.

Theo nông dân Phạm Văn Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt, hiện nay cả nước đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số trong đó có chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng điều đó đem lại những lợi ích to lớn.

Nông dân Phạm Văn Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt.

Vị này cho biết, HTX Nam Việt đã và đang ứng dụng rất nhiều các dịch vụ số của ngân hàng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến thanh toán điện tử. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều hiện tượng người dân mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng nông thôn nhiều khi vô tình nhấn vào được link giả mạo khiến cho đối tượng lừa đảo rút sạch tiền, dẫn đến lo lắng, bất an khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số.

“Vậy cơ quan chức năng có giải pháp nào để giải quyết vấn nạn này không để chúng tôi yên tâm sử dụng dịch vụ? Khi có tình trạng mất tiền thì chúng tôi biết đòi ai? Tôi cho rằng, chỉ khi các câu hỏi này được trả lời thì những người nông dân như chúng tôi mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính số”, ông Quyên thắc mắc.

Bên cạnh đó, ông Quyên cũng đặt ra câu hỏi: “Có những số điện thoại là gọi đến ví dụ thông báo anh chị có phiếu phạt nguội vì vi phạm luật giao thông, họ biết được cả họ tên đầy đủ, quê quán chính xác... như vậy có phải dữ liệu cá nhân đang được mua bán hay không? Bộ Công an có nắm được vấn đề này không? Phía ngân hàng có bảo mật thông tin cho chúng tôi như thế nào nếu chúng tôi sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt trên kênh số?”.

Trước vấn nạn trên, ông Quyên đề nghị Bộ Công an và các ngân hàng làm rõ và truyền thông tới khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bà con nắm được.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX Sản Xuất và Tiêu Thụ Mỳ Chũ Nam Thể, bên cạnh những lợi ích lớn từ chuyển đổi số ngân hàng, các giao dịch đôi khi còn bị treo lệnh do nghẽn mạng. Về bảo mật thông tin, đối tượng lừa đảo có nhiều cách để lừa đảo lấy được số căn cước công dân để lừa đảo lấy cắp tiền.

Trước thực trạng trên, ông Nam cũng đề nghị cơ quan chức năng giải quyết sim ảo, sim rác; tăng bảo mật và giải quyết việc mua bán thông tin cá nhân để người nông dân yên tâm.

Cẩn trọng với những đường link có mã độc

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, về vấn đề bảo mật thông tin, những năm qua nạn lừa đảo diễn ra khá nhức nhối. Các đối tượng luôn tìm kẽ hở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có cả đánh cắp thông tin cá nhân.

Ông Tuấn khuyến cáo, bà con nông dân, người tiêu dùng phải ý thức được việc bảo mật thông tin cá nhân, tuyệt đối không cung cấp thông tin liên quan đến tài chính ngân hàng.

“Vừa qua chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả tổ chức tín dụng trung gian thanh toán, khi gửi thông qua thông tin tin nhắn, email đến người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng đường link. Bởi hiện nay việc giả mạo đường link trong tin nhắn đã khiến người tiêu dùng bị lừa. Một số ngân hàng trong khu vực cũng đã có các chỉ đạo tương tự”, ông Tuấn nói.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng A05 (Bộ Công an).

Liên quan đến thực trạng trên, Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng A05 (Bộ Công an) cho biết, về tình trạng và nguy cơ có thể bị chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng tài khoản ngân hàng: Thứ nhất, tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo qua mạng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn phổ biến trên toàn cầu, ngay cả những nước tiên tiến như: Mỹ, Úc... cũng có tình trạng lừa đảo qua mạng. Sở dĩ có những tội phạm lừa đảo qua mạng là vì số người sử dụng các dịch vụ qua mạng rất lớn, vô hình chung các hoạt động đời sống, tài nguyên, tài sản đưa lên môi trường mạng.

Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ của Nhà nước, cá nhân chưa tương xứng, thì đương nhiên dẫn đến những nguy cơ thách thức liên quan tới tội phạm. Hiện nay, hoạt động lừa đảo nó trở thành như một nghề, có thể nói số lượng người coi lừa đảo là một nghề để hoạt động rất lớn. Do đó, số vụ việc lừa đảo xảy ra là rất rộng, thậm chí có sự cấu kết giữa giữa trong nước và nước ngoài.

Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn lừa đảo, tình trạng lừa đảo đã giảm đi nhiều. Sắp tới, các ngân hàng sử dụng ứng dụng nhận diện qua khuôn mặt sẽ hạn chế được việc sử dụng tài khoản của người khác để thực hiện giao dịch. Người nông dân, người ở vùng sâu, vùng xa là những người yếu thế có thể bị các đối tượng lừa đảo nhắm tới để chiếm dụng tài sản.

Trung tá Tùng khẳng định: “Việc tấn công chiếm quyền điều khiển hack điện thoại để chuyển tiền từ điện thoại là không phổ biến. Thường thì người dân bị mất tài khoản bởi các đối tượng lợi dụng hành vi thiếu an toàn, chẳng hạn như các đối tượng gửi các đường link, chúng ta nhấn vào những link có mã độc khi đó, các đối tượng lợi dụng đánh cắp thông tin của khách hàng”.

Thứ hai, các đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng lộ trên mạng xã hội để lừa đảo dẫn dắt qua các hình thức được hưởng hoa hồng từ hoạt động thương mại điện tử. Thậm chí, các đối tượng còn tinh vi giả danh công an, Viện Kiểm sát để tham gia các vụ án để yêu cầu người dân chuyển tiền.

“Tôi khẳng định, không có cơ quan công an, Viện kiểm sát nào lại yêu cầu người dân chuyển tiền thông qua điện thoại. Các đối tượng còn tinh vi đến mức, có những đội ngũ ngồi nghiên cứu viết các kịch bản lừa đảo người dân. Do đó, cần có những phương án tuyên truyền, chia sẻ tới người dân", Trung tá Triệu Mạnh Tùng nhấn mạnh.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lo-so-mat-tien-chang-biet-doi-ai-khi-su-dung-dich-vu-ngan-hang-so-a630899.html