'Lỡ tàu' Bluechips đầu xuân Kỷ Hợi, nhà đầu tư nên ra quyết định thế nào?

Đợt tăng nóng của chứng khoán Việt Nam đầu xuân Kỷ Hợi chỉ tập trung vào các mã lớn như VHM, VNM, VIC, bỏ quên các cổ phiếu còn lại.

Từ trái sang phải, ông Bùi Nguyên Khoa -Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCK BIDV và ông Võ Văn Cường - Giám đốc đầu tư CTCK Everest.

Từ trái sang phải, ông Bùi Nguyên Khoa -Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCK BIDV và ông Võ Văn Cường - Giám đốc đầu tư CTCK Everest.

Trái với không khí ảm đạm những ngày trước nghỉ Tết, chứng khoán Việt Nam trong 2 tuần đầu xuân Kỷ Hợi đã tăng tốc đầy bất ngờ. Thị trường liên tục tăng điểm và có nhiều phiên còn tỏ ra vượt trội so với mức tăng của các chỉ số chứng khoán khu vực.

Các thông tin ủng hộ cho thị trường đi lên là Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, tín hiệu tích cực về sự nhượng bộ của Mỹ và Trung Quốc trong căng thẳng thương mại, triển vọng nâng hạng của thị trường Việt Nam. Nhờ đó, chứng khoán Việt Nam cũng như thị trường thế giới đều đi lên.

Diễn biến VN-Index so với một số chỉ số khu vực trong 1 tháng qua.

Trong vòng 2 tuần sau Tết, tính từ ngày 1/2 đến hết phiên giao dịch 22/2, VN-Index đã tăng 8,83%. Tuy nhiên, đặc điểm của dòng tiền này lại chỉ hướng vào các cổ phiếu hàng đầu trong rổ VN30. Chính nhờ điều này, VN30 đã tăng 9,67% trong đó có những mức tăng ấn tượng của VIC (+18,42%), VHM (+16,37%), GAS (+12,84%), VNM (+10,3%).

Trong khi đó, các chỉ số VNMID, VNSML hay thậm chí HNX-Index tăng không đáng kể cho thấy số lượng nhà đầu tư lỡ sóng Bluechips vừa qua là không ít.

Theo quan điểm của ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV, lượng tiền lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài đổ về 3 quỹ ETF là V.N.M, FTSE, E1VFVN30 bên cạnh sự quay trở lại của nhà đầu tư nội.

Cụ thể quỹ ETF V.N.M giải ngân đều từ 22/1 cho đến nay, trong khi đó ETF FTSE mới vào trong tuần trước còn tiền vào E1VFVN30 chủ yếu đến từ dòng vốn Thái Lan. Tính cho đến nay, mỗi quỹ này đã được bơm ròng vào "đâu đó từ 300-400 tỷ đồng".

Do chỉ tập trung vào các cổ phiếu lớn, nên điều dễ hiểu là các mã lớn đã tăng giá rất mạnh. Tại nhiều thời điểm, tâm lý nghi ngờ đã xuất hiện nhưng VN-Index càng nghi ngờ lại càng tăng. Thậm chí, như một số CTCK cho rằng đây là biểu hiện "tăng nóng" của thị trường.

VN-Index trở nên phụ thuộc vào ETF nhưng dòng tiền này mang tính chu kỳ. Khi dòng tiền này dừng lại hoặc kết thúc, tâm lý có thể sẽ lại xấu và nhà đầu tư sẽ lại bán ra như nhịp tăng của VN-Index trong tháng 12 khi có được tiền từ Thái Lan đổ vào ETF nội.

Theo lời khuyên của chuyên gia này, trước mắt nhà đầu tư không nên nôn nóng giải ngân đua lệnh vào các cổ phiếu lớn. Thay vào đó, nên chờ đợi thị trường có đợt điều chỉnh để kiểm định dòng tiền.

Nếu VN-Index vẫn tăng trở lại đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thực lực của dòng tiền. Khi đó, cơ hội cho các Bluechip vẫn còn. Hoặc kịch bản tích cực thứ 2 cũng có thể xảy ra đó là dòng tiền chuyển dòng sang cổ phiếu Midcap và Penny khi các nhà đầu tư đã có lời từ Bluechip.

"Nhà đầu tư cần lưu ý mốc 1.000 điểm cũng là mốc điểm số phù hợp với thị trường không quá đắt cũng không quá rẻ", ông Khoa cho hay.

Theo ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư CTCK Everest (EVS), thị trường tăng sau Tết có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như họp mặt Mỹ - Triều Tiên, đàm phàn thương mại Mỹ - Trung phát đi tín hiệu tích cực, tăng phí phái sinh giúp cho dòng tiền trở về thị trường cơ sở.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong rổ VN30 đã tăng mạnh nhưng thực tế là không nhiều nhà đầu tư hưởng lợi từ diễn biến này. Nhóm nhà đầu tư này cũng đang khá sốt ruột muốn giải ngân tiền vào thị trường.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng việc đầu tư thực tế như đi "xe bus". Nếu "lỡ chuyến", thị trường vẫn còn nhiều cơ hội trong năm nay bởi VN-Index sẽ có những đợt tăng 100-150 điểm và sẽ điều chỉnh lại.

"Hiện dư địa để các cổ phiếu dẫn dắt tăng không còn nhiều, nhóm ngân hàng đã tăng trước Tết nên cơ hội kiếm lợi nhuận 3%/tháng từ các cổ phiếu VN30 cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, dòng tiền sẽ có xu hướng chuyển dần sang nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, thậm chí có thể sẽ thấy rõ sau vài phiên tới khi cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên kết thúc", ông Cường cho hay.

Nhiều mã vốn hóa trung bình và nhỏ vẫn có kết quả kinh doanh 2018 tích cực, định giá P/E thấp chỉ 6-7 lần. Đặc biệt, trong tháng 3-4 cũng là mùa họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, nếu các doanh nghiệp này công bố số liệu quý I/2019 tích cực cũng như đưa ra triển vọng tăng trưởng năm 2019 quanh mức 20% thì nhà đầu tư sẽ càng phải quan tâm tới nhóm này.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/lo-tau-bluechips-dau-xuan-ky-hoi-nha-dau-tu-nen-ra-quyet-dinh-the-nao-3495404.html