Lo thiếu vốn!

Các ngân hàng phải chuẩn bị sẵn sàng các kênh khác như huy động bằng trái phiếu, vay qua đêm liên ngân hàng...

Hiện nay, cả người gửi tiền và các ngân hàng (NH) thương mại đều ngại gửi tiền và cho vay các kỳ hạn trung và dài hạn. Tình trạng này tiếp tục kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế tăng tốc trong những tháng cuối năm. Khách hàng giao dịch tại Eximbank. Ảnh: H.Thúy Ngân hàng phải giảm quyền lợi Theo một chuyên gia tài chính NH, diễn biến trên là phù hợp vì trong điều kiện giảm phát hay lạm phát như hiện nay, cả người vay và cho vay đều không dự đoán được sau đó lãi suất sẽ theo xu hướng nào nên phải ăn chắc. Lúc này, các kỳ hạn ngắn trở nên an toàn hơn. Ở các kỳ hạn dài, đến khi tình hình kinh tế có tiến triển tốt hơn thì người đi vay chịu thiệt vì phải chi lãi suất cao hơn, NH cũng thiệt vì trót huy động vốn đắt. TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định với chính sách giữ nguyên lãi suất cơ bản ổn định 7%/năm trong những tháng tiếp theo, có thể xảy ra khả năng thiếu vốn phục vụ doanh nghiệp (DN) tích trữ nguyên liệu từ nay đến sang năm và phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho nền kinh tế những tháng cuối năm. Nhưng nếu lãi suất cơ bản không đổi sẽ đạt được mục tiêu bảo đảm vốn đầu vào cho DN ổn định ở mức vừa phải như hiện nay. Sở dĩ NH Nhà nước (NHNN) có xu hướng giữ nguyên lãi suất cơ bản là do hiện nay, các NH thương mại vẫn có cho vay thỏa thuận. Những khoản vay thỏa thuận thực chất là mở lối thoát cho các NH cũng như nhu cầu vốn của DN và người dân. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, các NH vẫn công bố lãi lớn trong khi các DN vật vã trong cơn khó khăn. Điều này chứng tỏ gói kích cầu cũng không hoàn toàn cứu DN mà đã cứu cả NH! Do vậy, đã đến lúc NH phải chia sẻ, giảm bớt lợi nhuận của mình bằng cách tăng lãi suất huy động để hút vốn nhằm cung ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. NH nào ép được chi phí thì lợi nhuận ít bị giảm. Về phía NHNN cũng ngăn ngừa khả năng thiếu vốn bằng cách công bố chủ trương tăng hạn mức dư nợ tín dụng cả năm lên 30%. Ngăn “uống thuốc độc” Từ đầu tháng 8, NHNN đã có quy định giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% xuống còn 30%. TS Cao Sỹ Kiêm đánh giá mục tiêu này khó có thể đạt được. Huy động vốn từ người dân cho thấy vẫn còn tâm lý lo ngại tiền đồng bị mất giá. Cộng với diễn biến giá vàng tăng kỷ lục, kinh tế thế giới còn có những biến động khó lường, khả năng hút tiền gửi không thể tăng nhanh, nhất là các kỳ hạn dài để phục vụ cho vay trung và dài hạn. Cơ cấu nguồn vốn phần lớn là ngắn hạn nên chỉ cho vay ngắn hạn, cho vay dài hạn vượt khỏi chỉ số an toàn, nếu người dân rút đồng loạt sẽ đổ vỡ. Các NH phải chuẩn bị sẵn sàng các kênh khác như huy động bằng trái phiếu, vay qua đêm liên NH... Không thể “uống thuốc độc” bằng cách tiếp tục dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn. Ngân hàng tăng lãi suất USD Sau cuộc đua tăng lãi suất huy động VNĐ, các NH bắt đầu đợt tăng lãi suất huy động bằng ngoại tệ. Hôm qua (11-9), VPBank công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn bằng USD ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng từ 0,3%/năm đến 1,1%/năm. Tuần trước, các NH Cổ phần Ngoại thương (VCB), Cổ phần Sài Gòn (SCB), Quốc tế (VIB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất USD.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090912123033903p1014c1116/lo-thieu-von.htm