Lộ trình chuyển đổi cho các nhà máy nhiệt điện than đưa phát thải ròng về 0

Ngày 28/3/2024, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam tổ chức cuộc họp kỹ thuật về lộ trình chuyển đổi từ sản xuất nhiệt điện than sang các giải pháp thay thế bền vững.

Mục tiêu của cuộc họp kỹ thuật này là cung cấp thông tin cập nhật về chính sách và công nghệ cho quá trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than, kinh nghiệm quốc tế về công nghệ tốt nhất hiện có (BAT), chi phí, lợi ích và tác động tiềm tàng của quá trình chuyển đổi, đồng thời thảo luận các phương án khác nhau cho việc ngừng hoạt động, chuyển đổi mục đích sử dụng và cải tạo các loại hình nhà máy nhiệt điện than khác nhau.

Cuộc họp cũng tạo điều kiện kết nối giữa các chủ đầu tư của các•nhà máy nhiệt điện với các nhà đầu tư tiềm năng và các tổ chức tài chính để tìm hiểu cơ hội đầu tư trong tương lai cho quá trình chuyển đổi của các nhà máy điện than.

Sự kiện có sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức quan trọng liên quan, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các cơ quan chính phủ, thành viên của Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) và GFANZ, các nhà máy nhiệt điện than, các tổ chức tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư, đối tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ, để thảo luận kết quả của một nghiên cứu điển hình toàn diện. Cụ thể là dự án “Đánh giá kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050” của Viện Năng Lượng.

Có sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức quan trọng liên quan, cuộc họp kỹ thuật này được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể vào việc hình thành lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng và bình đẳng ở Việt Nam.

Nghiên cứu đã đưa ra các kịch bản lộ trình chuyển đổi khả thi cho các nhà máy nhiệt điện than lớn của Việt Nam, cụ thể là Nhà máy Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong—Theo đó nhấn mạnh về đánh giá các tác động, chi phí và lợi ích tiềm tàng của các phương án chuyển đổi năng lượng khác nhau.

Tại đây đã đưa ra các khuyến nghị về chiến lược chuyển đổi cho các nhà máy nhiệt điện than như đồng đốt sinh khối, chuyển đổi sang điện khí LNG hoặc tích hợp các nguồn tài nguyên tái tạo đã được đánh giá cùng với các công nghệ tiên tiến như Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) và Thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS)...Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thảo luận về các thông lệ quốc tế tốt nhất, tiến bộ công nghệ và mô hình tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực phối hợp giữa các bên nhằm giảm thiểu những thách thức trong chuyển đổi của các nhà máy nhiệt điện than và sự cần thiết của một quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện, phát biểu tại sự kiện bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam cho biết: “Sự phụ thuộc của chúng ta vào sản xuất điện than đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng. Việc loại bỏ dần điện than là điều cần phải làm chứ không phải một lựa chọn, nhằm giảm lượng phát thải các bon cho nền kinh tế Việt Nam và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Bà Ramla Khalidi đồng thời nhấn mạnh: “Một số lượng lớn công nhân lao động trực tiếp hoặc gián tiếp trong các hoạt động khai thác than, vận tải và sản xuất điện, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, có thể bị ảnh hưởng bởi việc ngừng sử dụng than. Điều quan trọng là phải cung cấp các hỗ trợ về đào tạo lại và tái đào tạo kỹ năng cho những người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng, đồng thời cần thiết để đảm bảo sự tham gia của họ và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi này”.

Theo Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam khi Việt Nam hướng tới đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, kết quả của cuộc họp kỹ thuật này được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể vào việc hình thành lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng và bình đẳng ở Việt Nam và xa hơn thế nữa.

Đại diện Ngân hàng Châu Á trình bày kinh nghiệm của Indonesia và Philippines về Cơ chế chuyển đổi năng lượng những tham khảo quan trọng cho Việt Nam.Tại sự kiện đại diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ kết quả nghiên cứu bước đầu về các giải pháp chuyển đổi cho Nhà máy Nhiệt điện Than Ninh Bình.

Tham vấn các kịch bản chuyển đổi cho các Nhà máy Nhiệt điện: Phả Lại, Cao Ngạn, Vân Phong

Báo cáo từ nghiên cứu, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, (gồm hai nhà máy máy nhiệt điện than Phả Lại 1 và Phả Lại 2). Với Phả Lại 1, công suất 440 MW (là nhà máy nhiệt điện lâu đời nhất đã vận hành gần 40 năm), nằm trong danh mục ngừng hoạt động theo Quyết định 500/QĐ-TTg, nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị khả năng tích hợp công nghệ chuyển đổi phù hợp sang công nghệ sạch hơn như là các tổ máy chạy tua bin khí linh hoạt kết hợp với BESS và điện mặt trời, hoặc BESS kết hợp với điện mặt trời và SynCON.

Với Phả Lại 2, công suất 600MW, vận hành 23 năm cũng được yêu cầu chuyển đổi. Một số khuyến nghị lộ trình nên được xem xét cho Phải Lại 2 bao gồm đồng đốt NH3 hoặc tua bin khí linh hoạt, hoặc BESS kết hợp với tua bin khí linh hoạt và điện mặt trời, hoặc BESS kết hợp tua bin khí và SynCON. Theo nghiên cứu những chiến lược này không chỉ có lợi cho môi trường bằng cách giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính mà còn rất quan trọng để tăng cường an ninh năng lượng và tính bền vững của ngành.

Với Nhiệt điện Cao Ngạn, nằm ở vị trí trung tâm thành phố Thái Nguyên nghiên cứu đưa ra khuyến nghị nên yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ. Nghiên cứu nhấn mạnh đến khả năng tích hợp của nhà máy với các nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu cũng chỉ ra tiềm năng kết hợp với năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào hệ thống phát điện hiện có, được tăng cường nhờ các công nghệ Hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) và Công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) tiên tiến. Cách tiếp cận này có thể là một mô hình để cân bằng giữa sản xuất năng lượng với bảo vệ môi trường.

Đối với Nhà máy nhiệt điện than BOT Vân Phong 1, nhà máy mới và lớn nhất có vị trị thuận lợi cho việc tích hợp điện mặt trời, đồng đốt sinh khối. Nghiên cứu phân tích sâu vào các phương án chuyển đổi khác nhau, bao gồm việc tiên phong sử dụng năng lượng hạt nhân quy mô nhỏ và tái sử dụng nhà máy để phù hợp với các công nghệ mới nổi. Vị trí nhà máy nằm gần hồ chứa dầu Phú Khánh, có thể sử dụng làm nơi lưu trữ CO2 cũng Các biện pháp mang tính chuyển đổi này phù hợp với mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam và hứa hẹn tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế địa phương cũng như thúc đẩy đổi mới công nghệ. Tuy nhiên với bất kỳ giải pháp nào được đề xuất, các vấn đề pháp lý sẽ phát sinh liên quan đến hợp đồng BOT cần phải được đàm phán lại.

Phan Vi

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/lo-trinh-chuyen-doi-cho-cac-nha-may-nhiet-dien-than-dua-phat-thai-rong-ve-0-118798.htm