Lộ trình hòa bình và phát triển

Chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, song các nước châu Phi vẫn khẳng định quyết tâm thực hiện lộ trình hòa bình và phát triển của châu lục. Nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột, tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng và phục hồi kinh tế tiếp tục là những vấn đề được ưu tiên.

Tập huấn về nuôi trẻ nhỏ cho phụ nữ ở Nam Xu-đăng. Ảnh Christian Aid

Chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, song các nước châu Phi vẫn khẳng định quyết tâm thực hiện lộ trình hòa bình và phát triển của châu lục. Nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột, tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng và phục hồi kinh tế tiếp tục là những vấn đề được ưu tiên.

Tại Diễn đàn A-xvan về Hòa bình và Phát triển bền vững lần thứ hai do Ai Cập tổ chức bằng hình thức trực tuyến, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu lục, Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi đã khẳng định, đại dịch không thể ngăn cản lộ trình nghị sự của Liên minh châu Phi (AU). Nhà lãnh đạo Ai Cập cho rằng, những thách thức và hậu quả liên quan đại dịch Covid-19 đã củng cố quyết tâm của châu Phi tiếp tục thực hiện các kế hoạch hành động và xây dựng khu vực tốt hơn để đạt được Chương trình nghị sự 2063 của AU.

Việc tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ở châu Phi như Li-bi, Nam Xu-đăng đã đạt được nhiều dấu hiệu tích cực. Dưới sự trung gian hòa giải của Liên hợp quốc (LHQ), các phe phái chính trị ở Li-bi đã đối thoại và chọn ra Chính phủ lâm thời, mở đường cho quốc gia này tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Tình hình Nam Xu-đăng cũng đạt được những tiến triển khi Chính phủ chuyển tiếp được thành lập, giúp cho tình hình an ninh tại quốc gia này cơ bản ổn định và thỏa thuận ngừng bắn tiếp tục được tuân thủ. Tuy nhiên, còn một số cuộc xung đột ở châu Phi vẫn diễn biến phức tạp như tình hình ở Ma-li, CH Trung Phi, khu vực Ðông Phi với cuộc giao tranh ở vùng Ti-grây của Ê-ti-ô-pi-a.

Tình hình bạo lực tiếp diễn sau kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống tại CH Trung Phi từ cuối năm 2020 đã khiến nước này đối mặt mối đe dọa an ninh. Các nhóm vũ trang đối lập tiếp tục gây rối tại nhiều khu vực, khiến hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nơi cư trú hoặc chạy tị nạn sang các nước láng giềng. Hoạt động nhân đạo ở nhiều khu vực tại CH Trung Phi, Xu-đăng, quốc gia phải hứng chịu gánh nặng người tị nạn từ Ê-ti-ô-pi-a, cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Theo thống kê của các tổ chức phi chính phủ, CH Trung Phi là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với hoạt động nhân đạo. Trong bối cảnh các cuộc xung đột tiếp diễn ở khu vực, AU đã thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để tìm lối thoát cho các cuộc khủng hoảng, tiếp tục củng cố lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Phi để phối hợp các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ nhằm duy trì ổn định tại các nước trong khu vực.

Thúc đẩy phục hồi nền kinh tế vốn chịu tác động của đại dịch, các nước châu Phi tập trung vào cải cách kinh tế, coi việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) là yếu tố quan trọng để tăng cường thương mại nội khối, giảm tác động tiêu cực từ các thị trường bên ngoài. Trong bối cảnh mối liên kết giữa các nền kinh tế châu Phi không đủ và thiếu chặt chẽ đã làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch đối với chuỗi cung ứng của lục địa, việc sản xuất các sản phẩm thiết yếu của địa phương và nâng cao hiệu quả của các cảng và hải quan, cũng như sự ứng phó đại dịch, đã cho thấy sự hợp tác ở tầm châu lục cho kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, châu Phi nhấn mạnh tầm quan trọng của những dự án “tham vọng” trong lĩnh vực giao thông vận tải và liên kết mạng lưới điện lực xuyên biên giới. Các dự án này nhằm mục đích tăng cường hội nhập kinh tế, tạo ra một môi trường thích hợp để đạt được mức độ phát triển cao và bảo đảm cơ hội việc làm cho người dân. Phục hồi hoàn toàn sau đại dịch đòi hỏi phải xây dựng các chính sách phát triển bền vững bao gồm các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. AU cho biết, châu lục này đã xây dựng được hàng chục nghìn ki-lô-mét đường giao thông thông qua Chương trình Phát triển Cơ sở hạ tầng đầu tiên ở châu Phi (PIPA) trong giai đoạn 2012-2020. Châu Phi đã hoàn thiện 16.066 km đường bộ, 4.077 km đường sắt và 3.506 km đường điện. Các dự án đã và đang giúp tạo ra hơn 112.900 việc làm trực tiếp, cho phép thêm 17 quốc gia thành viên AU truy cập vào mạng cáp quang khu vực.

Những tác động kinh tế và xã hội nghiêm trọng của đại dịch làm trầm trọng thêm những mối nguy hiểm mà châu Phi phải đối mặt, đòi hỏi các nhà lãnh đạo châu lục phải thống nhất nỗ lực chung nhằm ngăn chặn hoặc giải quyết các cuộc xung đột, tận dụng các cơ hội phát triển kinh tế, giảm đói nghèo. Ðó là “chìa khóa” để châu Phi tiếp tục thúc đẩy lộ trình hòa bình và phát triển của khu vực.

Vân Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/lo-trinh-hoa-binh-va-phat-trien-638156/