Lộ trình trở thành 'Kỳ lân' ngành tiêu dùng - bán lẻ của The CrownX

Mục tiêu của Masan không dừng lại việc mở đường cho hàng tiêu dùng tiến vào kênh bán lẻ hiện đại có quy mô lớn nhất Việt Nam, xa hơn là tạo ra 'kỳ lân' ngành tiêu dùng - bán lẻ dựa vào lý thuyết '3 vòng tròn nhu cầu'.

Những hoài nghi về thương vụ mua lại hệ thống bán lẻ VinCommerce của Masan dần được tháo gỡ sau kỳ đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn với kết quả kinh doanh khả quan.

Ba vòng tròn nhu cầu

Ngày 27/6/2020 Công ty cổ phần The CrownX đi vào hoạt động. Đây là công ty sở hữu 85,71% cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings (MCH) và 83,74% cổ phần của Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức sáng ngày 30/6/2020, các cổ đông Masan đã thông qua nghị quyết của HĐQT về việc mua thêm 15% cổ phần của The CrownX. The CrownX được kỳ vọng trở thành “kỳ lân” ngành hàng tiêu dùng, như Tân Tổng Giám đốc Masan Danny Le công bố trước đó.

Xét về quy mô bán lẻ thì The CrownX là nền tảng hàng đầu hiện nay, với sự kết hợp giữa 300.000 điểm bán truyền thống theo kênh sẵn có của MCH, và hệ thống bán lẻ hiện đại hàng đầu chiếm 30% thị phần và có độ phủ toàn quốc của VCM. Tuy nhiên, nền tảng bán lẻ này được kỳ vọng còn nhiều hơn thế, với tham vọng đẩy doanh số bán lẻ hiện đại chiếm tới 50% trong tổng giá trị ngành bán lẻ trong vòng 5 năm tới, dù hiện mới chỉ ở mức 8%.

Hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ của Masan hiện chiếm 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.

Hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ của Masan hiện chiếm 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.

Masan tin rằng bán lẻ hiện đại sẽ là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai, do tầng lớp trung lưu gia tăng, quá trình đô thị hóa tiếp diễn mạnh mẽ và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19. Nhưng sự kết hợp giữa các điểm bán đơn thuần là chưa đủ, mà cần phải có đủ sản phẩm tốt để cung cấp cho khách hàng.

Xét về sản phẩm, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan đưa ra lý thuyết “3 vòng tròn nhu cầu”, trong đó cơ bản nhất là ngành hàng nhu yếu phẩm cho cuộc sống (các sản phẩm thiết yếu con người sử dụng trong đời sống hàng ngày), tiếp theo là nhu cầu về sản phẩm tài chính và cuối cùng là nhu cầu xã hội (bao gồm kết nối hay giải trí).

Thực tế trong nhiều năm qua, các công ty thành viên và liên kết của Tập đoàn Masan đều là những công ty dẫn đầu các lĩnh vực thực phẩm chế biến và đồ uống, bán lẻ, thịt tươi sống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, sản xuất hóa chất công nghiệp và dịch vụ tài chính (thông qua cổ phần đáng kể trong Techcombank).

Không chỉ là những lĩnh vực đang có tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế, đây đều là nhóm sản phẩm thuộc nhu cầu tất yếu trong cuộc sống, là nhu cầu cơ bản nhất của người tiêu dùng.

“Các lĩnh vực này chiếm khoảng 50% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam”, ông Danny Le cho biết.

Ông Danny Le - Tổng Giám đốc Masan Group

Trong 3 vòng tròn nhu cầu này, lộ trình của The CrownX không chỉ mở rộng giá trị ngành hàng tiêu dùng theo chiều dọc (độ sâu sản phẩm), mà còn dự kiến mở rộng theo hàng ngang, tức mở rộng danh mục sản phẩm.

Ngoài những thương vụ M&A ngành hàng mới (như đầu năm nay Masan đã hoàn tất thương vụ mua lại Bột giặt Net), The CrownX dự kiến cũng sẽ phát triển các sản phẩm mang nhãn hàng riêng và hợp tác với nhiều nhà sản xuất trong và ngoài nước khác.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối của The CrownX cũng có thể mở rộng nhanh chóng bằng cách thức nhượng quyền và hợp tác quảng bá kinh doanh. Mối quan hệ mật thiết và lâu dài với hệ thống phân phối hàng tiêu dùng ở nông thôn sẵn có, sẽ là bàn đạp quan trọng để giúp Masan đẩy nhanh phát triển kênh mua sắm hiện đại phục vụ người tiêu dùng ở nông thôn trong thời gian tới.

Từ offline đến online

Trong 5 năm tiếp theo, mục tiêu The CrownX đặt ra là sở hữu 10.000 cửa hàng và 20.000 cửa hàng nhượng quyền, với doanh thu có thể lên đến 250.000 tỉ đồng trong kịch bản tốt, phục vụ cho là phục vụ 35-50 triệu khách hàng. Hiện nay, The CrownX có hơn 3.000 cửa hàng và phục vụ 9 triệu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đáng chú ý ở đây là The CrownX không chỉ được đặt vấn đề phát triển kênh bán hàng offline, mà các nhà lãnh đạo Masan cũng nhắc nhiều về câu chuyện của công nghệ. Dù trong ngắn hạn, việc phát triển kênh online chưa phải là mục tiêu cao nhất, nhưng chiến lược “online hóa” là một phần không thể thiếu với The CrownX.

Bên trong cửa hàng Amazon Go tại New York, Mỹ. Nguồn: CNBC.

Việc kết hợp cả offline và online là hướng đi mới trong trào lưu bán lẻ hiện đại ngày nay. Lãnh đạo Masan định nghĩa đó là hệ sinh thái “tiêu dùng - công nghệ” (Consumer - Tech), với tiêu chí đặt người dùng làm trọng tâm. Trong giai đoạn một của “lộ trình kỳ lân”, Masan cho biết tập đoàn đang tập trung xây dựng nền tảng bán lẻ thông minh hơn, và cải thiện năng suất thông qua việc tự động hóa hệ thống dữ liệu.

Theo lý giải của Masan về tên gọi The CrownX, chữ Crown trong tiếng Anh là vương miệng, với hàm ý xem người tiêu dùng là vua, là nữ hoàng. X đại diện cho các ý tưởng đột phá, những sáng kiến đỉnh cao công nghệ. Vì thế, The CrownX cũng có nghĩa là dùng tất cả nỗ lực, trí tuệ để mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam.”

Vĩnh Phú

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/lo-trinh-tro-thanh-ky-lan-nganh-tieu-dung-ban-le-cua-the-crownx-660184.html