Lo trung tâm đăng kiểm 'lỏng tay' để hút khách

Việc cổ phần hóa (CPH) các Trung tâm ĐKXCG giúp đơn vị chủ động trong cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn nhưng cũng dễ dẫn đến nguy cơ vì lợi nhuận mà 'lỏng' quy trình, chất lượng kiểm định.

Người đi đăng kiểm làm thủ tục kiểm định tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội

CPH mạnh mẽ, thêm lựa chọn cho người dân

Từ tháng 4/2017, Trung tâm Đăng kiểm cơ giới thủy, bộ Sơn La (tỉnh Sơn La) được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần đăng kiểm. Mô hình mới giúp trung tâm được chủ động trong tổ chức bộ máy, linh hoạt hơn trong sản xuất kinh doanh.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện trên địa bàn Sơn La có 2 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, gồm một doanh nghiệp được chuyển đổi từ mô hình đơn vị sự nghiệp và một được thành lập theo mô hình xã hội hóa. Điều này giúp người dân được lựa chọn đơn vị đăng kiểm, thay vì chỉ có một đơn vị độc quyền như trước. Các đơn vị đăng kiểm cũng phải cạnh tranh với nhau bằng thái độ phục vụ để duy trì việc làm, thu nhập.

"Cổ phần hóa giúp Nhà nước không phải bỏ vốn đầu tư nâng cấp trung tâm đăng kiểm, doanh nghiệp quan tâm hơn việc phục vụ, cơ sở hạ tầng để phục vụ khách hàng đến giao dịch. Tuy nhiên, nếu chủ doanh nghiệp can thiệp vào công việc kỹ thuật chuyên môn dễ dẫn đến hiện tượng lơi lỏng chất lượng kiểm định để thu hút phương tiện. Giải pháp quản lý chủ yếu của Cục Đăng kiểm VN là tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả kiểm định và xử lý theo quy định các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm”.

Ông Ngô Hồng Hệ
Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN

“Hoạt động theo mô hình CTCP, chúng tôi được chủ động tự quyết các vấn đề của mình. Tuy nhiên, khó khăn là số lượng phương tiện trên địa bàn tăng không nhiều. Trong khi trên địa bàn hiện có 2 trung tâm đăng kiểm nên chúng tôi phải cởi mở hơn, quan tâm hơn đến việc phục vụ khách hàng để thu hút phương tiện”, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm cơ giới thủy, bộ Sơn La nói.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Tổng giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hạ Long 1401D - Quảng Ninh cho biết, sau khi chuyển từ cơ quan Nhà nước sang công ty cổ phần, đơn vị đã làm việc chặt chẽ hơn, chủ động, quan tâm từ vốn đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật, chế độ đãi ngộ đối với người lao động. Tính kỷ luật cũng nghiêm ngặt hơn khi chỉ cần phát hiện nhân viên vi phạm về khâu đăng kiểm sẽ bị xử lý ngay, thậm chí là chấm dứt hợp đồng lao động.

“Sau cổ phần, hiệu quả kinh doanh của công ty khá hơn. Cái được nhất là chủ động đầu tư và sử dụng con người. Trước đây, khi làm việc vẫn còn tâm lý “con ông, cháu cha” nhưng giờ lấy hiệu quả công việc là chính”, ông Đắc nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ xe tải van BKS 29D-401.25 kể: “Mấy năm trước đi đăng kiểm xe ở trạm đăng kiểm Nhà nước kiểu gì cũng thấy đăng kiểm viên ngó nghiêng xe, tỏ vẻ khó khăn, nên ít nhiều cũng phải bồi dưỡng. Còn bây giờ đến trạm đăng kiểm mới mở, mình chưa xuống xe đã thấy đăng kiểm viên đến hỏi han. Chuyện hạch sách, làm khó không còn”.

E ngại vì lợi nhuận mà “nới” tay với chủ xe

Theo Quyết định số 31 ngày 17/7/2017 của Thủ tướng về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới và phương tiện thủy thuộc diện được chuyển sang công ty cổ phần.

Tại Hà Nội, ngoài hàng chục trung tâm đăng kiểm đã hoạt động trong thời gian dài, 2-3 năm gần đây có thêm 4-5 trung tâm đăng kiểm khác được thành lập theo chủ trương xã hội hóa đầu tư. Trong năm 2018, trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT cũng được chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang doanh nghiệp cổ phần. Điều này khiến các trung tâm đăng kiểm phải cạnh tranh để có việc làm. Còn người dân, doanh nghiệp cảm nhận rõ nhất sự thay đổi tích cực hơn khi đi đăng kiểm phương tiện.

Nếu trước đây chỉ có 1 trung tâm đăng kiểm là đơn vị sự nghiệp thì đến nay, Bắc Giang đã có thêm 3 trung tâm đăng kiểm, trong đó 2 đơn vị được đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Hiện trung tâm đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT Bắc Giang cũng chuyển đổi sang doanh nghiệp cổ phần.

Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện có khoảng 10 trung tâm đăng kiểm được chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần, trong đó 6 tháng đầu năm 2018 có 5 đơn vị. Một số trung tâm khác đang trong quá trình CPH. Liên quan đến công tác xử lý vi phạm, trong 6 tháng đầu năm 2018, Cục Đăng kiểm VN phát hiện, đình chỉ có thời hạn 20 đăng kiểm viên vi phạm quy trình kiểm định. Bên cạnh đó, 3 trung tâm đăng kiểm (68-01s Kiên Giang, 34-01S Hải Dương, 29-09D Hà Nội) bị đình chỉ dây chuyền kiểm định trong 1 tháng.

Hiện tại, các địa phương như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn... đã hoàn thành việc cổ phần hóa trung tâm đăng kiểm. Nhiều chuyên gia khẳng định việc cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm là tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển chung, tạo sự cạnh tranh trong dịch vụ đăng kiểm. Tuy vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ dễ dẫn đến tiêu cực, doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên chất lượng dịch vụ.

“Đã là doanh nghiệp luôn phải đặt vấn đề hiệu quả kinh doanh lên bàn cân. Ông giám đốc trung tâm chỉ là người làm thuê. Làm không tốt, không hiệu quả, chủ doanh nghiệp sẵn sàng đi thuê người khác. Tốt ở đây phải tính cả hiệu quả kinh doanh chứ không đơn thuần là quản lý theo đúng tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện. Mâu thuẫn ở chỗ, nếu làm chặt, xe sẽ chạy sang trung tâm khác, doanh nghiệp mất nguồn thu”, ông Dương Văn Chú, nguyên Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 97-01S Bắc Kạn nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, mục tiêu của công ty cổ phần là lợi nhuận, càng đông khách hàng doanh thu càng nhiều. Vì vậy, họ sẽ phải chủ động tìm cách làm thỏa mãn nhu cầu của khách khi đến đăng kiểm.

Thực tế, tại Việt Nam, phần lớn chủ xe chỉ mong sao qua được đăng kiểm để lưu thông trên đường mà ít khi quan tâm đến chất lượng xe. Do đó, khi có nhiều trung tâm đăng kiểm cổ phẩn ra đời, để thu hút khách và vì lợi nhuận, có thể các trung tâm sẽ xảy ra tình trạng “đăng kiểm dễ dãi” để cạnh tranh nhau.

“Ở nước ngoài, cũng là trung tâm đăng kiểm tư nhân nhưng chủ xe chỉ mong tìm được nơi đăng kiểm giỏi chuyên môn để phát hiện ra lỗi và tư vấn làm sao cho xe an toàn. Còn ở Việt Nam, tình trạng chung đang đi ngược lại, xem phần đủ đăng kiểm, không bị phạt hơn là chất lượng”, ông Minh cho biết.

“Mô hình cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm cũng mới triển khai được mấy năm nay, nếu muốn mở rộng để tư nhân tham gia cần phải đánh giá lại hiệu quả của việc này. Trên một địa bàn phải cân đối lại số lượng phương tiện để quy hoạch số lượng trung tâm, trạm đăng kiểm. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng cung cầu chênh lệch, dẫn đến cạnh tranh và khi cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn đến các sai phạm trong đăng kiểm”, ông Bùi Hồng Minh kiến nghị.

Nhóm P.V

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lo-trung-tam-dang-kiem-long-tay-de-hut-khach-d261962.html