Lộ vũ khí Mỹ đối phó với Iskander-M

Cùng với phản đối việc Nga triển khai tên lửa Iskander-M lâu dài tại Kaliningrad, Mỹ đồng thời triển khai vũ khí hy vọng có thể đối phó được tên lửa Nga.

Theo Defense News, phương Tây coi việc Nga triển khai tên lửa đạn đạo Iskander-M tại Kaliningrad là mối đe dọa thực sự đối với an ninh của mình. "Không ai tranh luận với thực tế vùng Kaliningrad là lãnh thổ của Nga. Nhưng việc triển khai các hệ thống tên lửa Iskander-M là một bằng chứng về xu hướng quân sự hóa và tăng cường kiểm soát… vùng không phận.

Nhiều thành viên trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) là láng giềng của Nga coi đó là một mối đe dọa đối với an ninh của nước mình", một quan chức cấp cao của khối quân sự này nói và yêu cầu Nga rút vũ khí này khỏi vùng lãnh thổ hải ngoại của mình.

Hệ thống Iskander-M Nga triển khai tại Kaliningrad.

Hệ thống Iskander-M Nga triển khai tại Kaliningrad.

Tuy nhiên, khi trả lời trước truyền thông quốc tế, Thư ký báo chí Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không thể đưa các tên lửa Iskander-M ra khỏi tỉnh Kaliningrad trong khi các tên lửa của NATO vẫn còn hiện diện tại Đông Âu.

"Không thể đơn giản thu dọn những tên lửa này ra khỏi Kaliningrad, tôi không biết liệu những việc xây dựng tổ hợp phòng thủ tên lửa chống Nga ở lục địa châu Âu có được hủy bỏ hay không", ông Peskov nhấn mạnh.

Tuyên bố của ông Peskov được coi là lời khẳng định rằng sẽ không có chuyện Nga rút tên lửa đạn đạo Iskander-M. Giới chuyên gia cho rằng, việc Mỹ và NATO phản ứng trước Iskander-M là bởi sự nguy hiểm của vũ khí này. Đặc biệt, tên lửa đạn đạo này có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km.

Như vậy, từ Leningrad, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, nếu triển khai từ lãnh thổ Belarus – sẽ tiêu diệt các mục tiêu ở vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad – tiêu diệt các mục tiêu ở Đức.

Tuy nhiên, tên lửa Iskander từ lãnh thổ Nga không bắn được tới Romania, nơi Mỹ vừa kích hoạt lá chắn tên lửa với thành phần là các tên lửa đánh chặn SM3. Muốn làm điều đó phải sử dụng tàu mang tên lửa hoặc không quân. Nhưng Moskva không có nhu cầu đó bởi vì đằng nào lá chắn tên lửa của Mỹ cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa này.

Để đối phó với sự nguy hiểm của Iskander-M, Mỹ đang cân nhắc triển khai một khẩu đội tên lửa Patriot tới Litva. Cùng với đó, Ba Lan cũng đã quyết định chi 1,5 tỷ USD để mua về những hệ thống Patriot PAC-3 phiên bản mạnh nhất hiện nay. Với sự chuẩn bị này, Mỹ và đồng minh tại Baltic tin rằng có thể chặn đứng đòn tấn công của Iskander-M một khi xảy ra xung đột.

Nhưng trái với sự tự tin của Mỹ và các quan chức Bộ Quốc phòng Ba Lan, giới chuyên gia quân sự nước này dè bỉu rằng, giới quân sự nước này đã chi tiền cho thứ vũ khí "vô ích". Việc mua những tổ hợp tên lửa Patriot giống như việc mua mấy chiếc xe Mercedes về làm cảnh trong quân đội Ba Lan.

Trong thời gian qua, dòng tên lửa phòng không Mỹ đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích bởi PAC-3 đã thể hiện tính năng đánh chặn yếu kém ở Saudi Arabia, UAE, trước những quả tên lửa không mấy nguy hiểm của lực lượng phiến quân người Shiite Houthi của Yemen.

Những quả tên lửa PAC-3 chỉ cho thấy hiêu quả trước những chiếc UAV nghiệp dư bán đầy rẫy trên mạng có tốc độ siêu chậm tầm 200km/h hoặc những quả bóng thám không, chứ với các tên lửa đạn đạo có tốc độ bội siêu thanh thì nó đành nằm im chịu chết.

Các hệ thống phòng không vừa ít ỏi vừa kém hiệu quả này không thể cải thiện tình hình quân đội hoặc tăng cường an ninh. Các chuyên gia nói rằng, những tổ hợp tên lửa PAC-3 không thể bảo vệ được chỉ riêng thủ đô Warsaw, nếu có mối đe dọa thực sự từ lực lượng Nga ở Kaliningrad.

Với vị thế là "một mũi dao đâm vào lòng NATO", nằm xen giữa Ba Lan và Lithuania, có vị thế chiến lược quan trọng, trấn giữa huyết mạch trọng yếu của eo biển Baltic, Nga đã tăng cường vũ khí cực mạnh cho Kaliningrad, trong dó có các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.

Nếu phải đối mặt với những quả tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Iskander-M của Nga thì tổ hợp Patriot PAC-3 này (kể cả những khẩu đội do Mỹ triển khai) có lẽ sẽ bị tiêu diệt đầu tiên bởi sức mạnh và độ chính xác gần như tuyệt đối của vũ khí Nga.

Theo Ngọc Hòa/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/lo-vu-khi-my-doi-pho-voi-iskander-m/20191130054017479